Không giải pháp mạnh, doanh nghiệp tiếp tục “chết”

(ĐTTCO)-Một cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 8 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (phỏng vấn trực tiếp 15 hiệp hội doanh nghiệp (DN) đại diện cho 20.000 DN và cá nhân thành viên; khảo sát online có 349 DN trả lời), đã lượng hóa phần nào mức độ khó khăn của DN và các hạn chế của chính sách hỗ trợ.
Không giải pháp mạnh, doanh nghiệp tiếp tục “chết”
Mất cân đối dòng tiền
Những khó khăn lớn nhất hiện nay cũng như 6 tháng tiếp theo của DN gồm không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (chiếm 81%); đảm bảo trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), kinh phí công đoàn (72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (53%); trả tiền điện nước, nhiên liệu đầu vào, tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (42-45%).
Ý kiến các lãnh đạo hiệp hội cũng cho biết, so với 2019, tiền thuê đất năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính toán giá thuê đất… dẫn tới các DN thuê đất lớn (DN kinh doanh kho bãi, nhà xưởng, nhà hàng, cơ sở chế biến…) phải nộp tiền thuê đất tăng từ vài chục đến vài trăm phần trăm so với năm 2019 trở về trước.
Đây là vấn đề gây áp lực nghiêm trọng với DN trong bối cảnh hiện nay, khi đơn hàng sụt giảm hoặc không có, như ngành du lịch hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng băng.
Về dòng tiền vào - ra của DN, cuộc khảo sát chỉ ra 76% DN không cân đối được thu - chi, trong đó 54% DN có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí, 7% DN trả lời có dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại trên diện rộng, nhiều DN không có khả năng, hoặc chậm trễ thanh toán dù đã nhận được hàng. Điều này gây áp lực kép cho DN, bởi họ vẫn phải đảm bảo các khoản chi ngay cho nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhân công…
Như vậy, cân đối dòng tiền vào với chi phí của DN là bài toán lớn nhất hiện nay. DN có dòng tiền vào đáp ứng trên chi phí càng thấp, mức độ tổn thương do dịch bệnh kéo dài hoặc nguy cơ phá sản càng cao.

DN tạm ngừng hoạt động tăng mạnh cuối năm
Theo Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, khoảng 20% DN thành viên phải tạm ngừng một phần hoạt động. Con số này của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin khoảng 2%; của Hiệp hội Du lịch khoảng 20% DN thành viên (1.600/8.000 DN) tạm dừng hoạt động và 10% giải thể.
Tính toán của Văn phòng Ban IV, cho biết 8 tháng qua tỷ lệ DN “biến mất” (không đăng ký thay đổi địa chỉ, hay tạm ngừng hoạt động nhưng cơ quan thuế không liên lạc được) là 4% so với số DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2019 - tăng 39,7% so với cùng kỳ 2019.
Tín hiệu này mang đến dự báo số lượng DN xin tạm ngừng kinh doanh trong những tháng tiếp theo của năm 2020 sẽ tăng mạnh, bởi đợt bùng phát dịch lần 2 diễn ra ở cuối tháng 7 đầu tháng 8.
Đồng thời, nếu số DN tạm dừng kinh doanh không cơ cấu lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch bệnh còn kéo dài, số DN chờ giải thể có thể tăng cao vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.
Tác động của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 2 đã khiến 47% DN cho biết phải cắt giảm lao động; 33% DN cắt giảm trên 50% lao động; 27% DN trả lời duy trì lao động nhưng giảm lương và giảm giờ làm. Còn với ngành ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, các DN nhỏ, siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé phần lớn sa thải 100% lao động.
Các DN lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động, trong khi DN du lịch lớn sa thải trung bình khoảng 40-50% lao động. Áp lực của việc đảm bảo dòng tiền chi lương, BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn… khiến DN hầu như không có lựa chọn nào, ngoài việc cắt giảm mạnh lao động.

Niềm tin suy giảm
Không triển khai quyết liệt và xây dựng các giải pháp mới mạnh mẽ hơn, sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng dương, khi nhiều chỉ số kinh tế - xã hội 8 tháng vẫn ở mức thấp, tín hiệu hồi phục chưa rõ nét, các động lực tăng trưởng ở mức yếu...
Theo bà  Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban IV, tại khảo sát lần 3 này, vấn đề hết sức lưu tâm là có sự suy giảm niềm tin của nhiều DN và hiệp hội, khi được hỏi về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị chính sách mới. DN cho biết họ khó tiếp cận chính sách của Chính phủ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý, thiếu thực tiễn và quy trình, thủ tục còn phức tạp…
Vì vậy, họ không còn hào hứng đưa ra giải pháp, kiến nghị Chính phủ. Thậm chí, đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì đã kiến nghị nhiều lần nhưng gần như không có sự thay đổi.
Đối với mục tiêu chống suy thoái DN, trong gói hỗ trợ lần 2 tới đây, Ban IV kiến nghị Chính phủ xây dựng chính sách hướng tới củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho DN. Cơ chế thực thi chính sách phải nhanh, minh bạch, thuận tiện, chú trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời áp dụng chế tài mạnh với khâu thực thi đi ngược chủ trương tạo thuận lợi của Chính phủ để gia tăng hiệu quả chính sách. 
Dù đánh giá chủ trương Chính phủ đưa ra tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng thẳng thắn đánh giá, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng trên thực tế do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt; điều kiện, thủ tục khá phức tạp.
Nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt và xây dựng các giải pháp mới mạnh mẽ hơn cho các tháng cuối năm sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng dương, khi nhiều chỉ số kinh tế - xã hội 8 tháng vẫn ở mức thấp, tín hiệu hồi phục chưa rõ nét, các động lực tăng trưởng ở mức yếu...
Giải pháp cho thực trạng này, Ban IV đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm tối thiểu 50% các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021; miễn đóng phí công đoàn trong cả năm 2020 đến năm 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% để kích cầu tiêu dùng; trong việc giảm 15% tiền thuê đất, đề xuất DN không phải chứng minh điều kiện “ngừng sản xuất kinh doanh 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19” với những ngành Chính phủ nắm bắt là chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19… 

Các tin khác