Giám đốc 8X lập công ty vốn khủng hơn 500.000 tỷ đồng tại TPHCM là ai?

(ĐTTCO) - Giám đốc 8X Nguyễn Vũ Quốc Anh thành lập 4 công ty trong vòng 1 tuần lễ, với tổng vốn hơn 500.000 tỷ. Vốn “khủng” nhưng doanh nghiệp này đăng ký văn phòng ảo để hoạt động.

Thị trường đang xôn xao trước thông tin giữa lúc nhiều doanh nghiệp bị Covid-19 “đốn gục”, thậm chí phải đóng cửa dừng hoạt động, thì trong tháng 5-2021 có một doanh nghiệp tại TPHCM đăng ký thành lập mới, với vốn điều lệ “khủng” 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,7 tỷ USD).

Lập loạt công ty vốn “khủng” hơn 500.000 tỷ đồng

Ngày 20-5, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) đăng ký thành lập Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), với vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng, tương đương 21,7 tỷ USD.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết ông Quốc Anh góp vốn 499.998 tỷ đồng, đồng thời là tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Auto Investment Group.

Ngoài ra, có hai cá nhân khác cùng tham gia góp vốn, là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện, mỗi người góp 1 tỷ đồng.

Auto Investment Group của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính. Các ngành nghề khác liên quan là in ấn, sản xuất linh kiện điện tử, bán buôn bán lẻ máy vi tính, đồ điện gia dụng, tư vấn máy vi tính, dịch vụ công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu…

Giám đốc 8X lập công ty vốn khủng hơn 500.000 tỷ đồng tại TPHCM là ai? ảnh 1 Tháp tài chính Bitexco là nơi đăng ký trụ sở của doanh nghiệp khủng này.  Ảnh: HA
Số vốn điều lệ tương đương 21,7 tỷ USD của doanh nghiệp mới toanh này là con số rất “khủng”, vượt mặt tất cả doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay. 

Đáng chú ý, ngay cùng ngày đăng ký thành lập Auto Investment Group với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký thành lập tiếp 2 công ty khác, là Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) và Công ty CP Tập đoàn Công cụ tự động Toàn cầu (GAT Group).

Những doanh nghiệp có vốn điều lệ vượt 200.000 tỷ đồng trên cả nước hiện nay, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả doanh nghiệp được mệnh danh là “sếu đầu đàn” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng chỉ hơn 200.000 tỷ đồng.

Ở nhóm tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán là Vingroup nhưng vốn điều lệ cũng chỉ hơn 30.000 tỷ đồng. Hay tổng vốn điều lệ của nhóm “Big 4” ngân hàng” Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank hiện cũng chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng.

GAB Group đăng ký vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng. Ông Quốc Anh góp tới 23.000 tỷ đồng. Hai cá nhân cùng tham gia góp vốn vào Auto Investment Group cũng là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện, mỗi người góp 1.000 tỷ đồng.

Còn GAT Group có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Ông Quốc Anh góp 55 tỷ, phần còn lại do ba pháp nhân khác góp. Cả GAB Group và GAT Group đều đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính.

Đến ngày 28-5, ông Quốc Anh tiếp tục đăng ký thành lập thêm Công ty CP Tập đoàn Quà tặng cao cấp Toàn cầu (GLG Group), với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tại công ty này, ông Quốc Anh góp 48 tỷ đồng.

Khác 3 công ty trước, GLG Group đăng ký bán buôn vali, cặp, túi, ví, phụ kiện, hàng da; dược phẩm và dụng cụ y tế; nước hoa, mỹ phẩm; đồng hồ đeo tay; giường, tủ, bàn ghế và đồ dùng nội thất…

“Hệ sinh thái” của Tổng giám đốc 8X này còn có một doanh nghiệp khác, là Công ty TNHH E-Commerce Headhunter Việt Nam. Công ty này được đăng ký thành lập vào ngày 27-4 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

Công ty 500.000 tỷ đăng ký văn phòng ảo

Theo tìm hiểu của ĐTTC, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký trụ sở đặt Auto Investment Group - công ty đăng ký vốn điều lệ “khủng” 500.000 tỷ đồng tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial (quận 1, TPHCM). Đây là địa điểm được một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phỏng ảo và văn phòng dịch vụ hoạt động.

Giám đốc 8X lập công ty vốn khủng hơn 500.000 tỷ đồng tại TPHCM là ai? ảnh 2 Nếu các cá nhân góp đủ vốn thì đây là công ty có vốn khủng nhất Việt Nam. Ảnh: Zing
Còn Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) có vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng có trụ sở tại tầng 72, toà nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TPHCM). Đây cũng là địa chỉ được doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng ảo trên, hoạt động.

Văn phòng ảo là dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp một địa chỉ thực để giao dịch, mà không có văn phòng, không gian làm việc. Văn phòng ảo cho phép người sử dụng sở hữu các tiện ích như địa chỉ đăng ký kinh doanh, số điện thoại, số fax, phòng tiếp khách hay các dịch vụ khác.

Giá thuê văn phòng ảo tại TPHCM hiện chỉ từ hơn 1 triệu đồng/tháng, bao gồm các tiện ích cơ bản bên trên. Tuy nhiên, giá có thể cao hơn khi đi kèm các dịch vụ khác. Với giá thuê không cao, văn phòng ảo được xem là giải pháp phù hợp cho startup, doanh nghiệp vừa bước chân vào thị trường trước bài toán nan giải về chi phí, giá thuê mặt bằng đắt đỏ, nhất là tại TPHCM.

Còn với ba công ty còn lại là GAT Group, GLG Group và E-Commerce Headhunter Việt Nam, trụ sở đều là địa chỉ nhà của ông Quốc Anh tại TP Thủ Đức.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết việc đăng ký góp vốn bằng hình thức và số tiền bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp. Theo quy định, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có quyền tự kê khai và nộp các hồ sơ thủ tục liên quan. Nếu đúng trình tự, thủ tục, cơ quan quản lý sẽ cấp giấy phép thành lập.

Tuy nhiên, Sở này sẽ báo cáo Bộ Công an và Công an TPHCM về trường hợp doanh nghiệp chưa được nửa tháng tuổi này đăng ký thành lập với vốn điều lệ 500.000 tỷ.

Cục Đăng ký Kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết đã có văn bản gửi Sở KHĐT TPHCM để yêu cầu rà soát lại hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Việc đăng ký vốn điều lệ “khủng” đã từng xảy ra vào năm ngoái, Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) được đăng ký thành lập ở Hà Nội, với vốn lên tới 144.000 tỷ đồng.

Thời điểm đó, dư luận cũng xôn xao. Và sau đó, các cá nhân góp vốn cho biết đã... đăng ký lộn.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép tự kê khai tự chịu trách nhiệm về tất cả các nội dung khi đăng ký thành lập. Tuy nhiên, việc góp vốn phải được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký.

Nghị định 50/2016 của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm kê khai vốn không trung thực, chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là từ 10 - 20 triệu đồng.

Trường hợp không đăng ký đủ và đúng thời gian quy định sẽ bị phạt bổ sung tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Các tin khác