Gấp rút trợ lực doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Hơn 12.000 doanh nghiệp (DN) đã phải rời bỏ thị trường mỗi tháng. Đó là chưa kể, trong 2 tháng qua khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN đã phải tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo được công tác “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến”. 
 Công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics thực hiện phương án “3 tại chỗ”
Công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics thực hiện phương án “3 tại chỗ”

Nguy cơ mất thị phần hiện hữu

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, DN thành viên của hội đều sản xuất hàng hóa thiết yếu và được ưu tiên ổn định sản xuất nhưng cũng vấp phải không ít khó khăn. Phổ biến nhất là tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa và gia tăng các loại chi phí vận chuyển, kiểm dịch và nguyên vật liệu.

Hiện để vận chuyển một chuyến hàng nguyên liệu sản xuất từ khu vực miền Tây lên TPHCM, DN mất khoảng 2 triệu đồng phí xét nghiệm dịch Covid-19. Nhưng cái khó tiếp theo là khan hiếm tài xế và phương tiện vận chuyển, từ đó cũng khiến chi phí vận chuyển gia tăng đột biến, trung bình tăng khoảng 15%-30%.  

Đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, DN càng gặp khó khi các tỉnh thành yêu cầu DN thực hiện quy định “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến”. Để đảm bảo thực hiện tốt quy định này, nhiều DN phải giảm 50% lượng công nhân đi làm. Hệ lụy đi kèm là phải cắt giảm 50% công suất sản xuất trong khi nhiều đơn hàng đã chốt số lượng và thời gian giao hàng.

Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn, chia sẻ, với đơn hàng cung ứng cho thị trường nội địa thì có thể đàm phán lại với đối tác để gia hạn thời gian giao hàng. Với đơn hàng xuất khẩu, do phải phụ thuộc vào lịch vận chuyển đã chốt với các hãng tàu nên không thể trì hoãn.

Trước tình hình đó, nhiều DN buộc phải ưu tiên tập trung sản xuất những đơn hàng đã được đặt lịch giao hàng cho hãng tàu. Đồng thời, vận động những công nhân đang ở tại nhà xưởng tăng thời gian, làm thêm 4 giờ/ngày.

Tuy nhiên, với phương án này, DN lại phải gánh khoản chi phí phát sinh rất lớn do phải tăng phụ cấp công việc, ăn uống, sinh hoạt, xét nghiệm… cho công nhân. Nhiều DN cho biết, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sẽ phải ngừng hoạt động vì không đảm bảo được chi phí sản xuất. 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cũng cho biết, nhiều DN dệt may đã dừng hoạt động bởi không thể đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” cho công nhân. Các DN đã chủ động đàm phán lại với đối tác xuất khẩu. Thế nhưng, lo lắng nhất của DN lúc này là sản xuất gián đoạn kéo dài, dẫn đến nguy cơ phải bồi thường hợp đồng xuất khẩu.

Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, do dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nước trên thế giới nên nhiều hãng tàu đã ngưng hoạt động. Số lượng tàu vận chuyển vì thế cũng giảm mạnh. Do đó, trường hợp DN bỏ lịch giao hàng thì phải đợi ít nhất cả tháng, thậm chí vài tháng để có thể xếp lịch vận chuyển mới. Điều này khiến DN đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng. Nghiêm trọng hơn, DN có nguy cơ mất thị phần do đối tác buộc phải tìm nhà cung ứng khác để bổ sung lượng hàng thiếu hụt, nhằm tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Tìm thị trường cung ứng nguồn nguyên liệu

Mặc dù “3 tại chỗ” được xem là giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay để DN có thể duy trì sản xuất, song trên thực tế đã có nhiều diễn biến không lường được. Tại Bình Dương hiện có khoảng 56% DN đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” nhưng khó nhất hiện nay là việc cung ứng nhu yếu phẩm cho công nhân ở tại DN. 

Tại Đồng Nai, theo thống kê hiện trên địa bàn có khoảng 220 DN trong các KCN bố trí cho hơn 37.000 lao động lưu trú tại công ty theo phương án “3 tại chỗ” nhưng chủ yếu là những DN ít công nhân. Còn đối với các DN có số lượng công nhân lớn thì việc bố trí nơi ăn, nghỉ ngơi, vệ sinh... cùng lúc cho hàng ngàn người là điều không thể. Do đó, nhiều công ty đã chọn phương án để công nhân tạm nghỉ như Công ty TNHH Pousung Việt Nam, KCN Bàu Xéo, Công ty TNHH Hwaseung...

Trong bối cảnh này, sắp tới, nhiều DN lo ngại sẽ đối mặt với nguy cơ giảm sức mua trên thị trường do phải tăng giá bán hàng hóa. Bởi cùng với chi phí lớn cho “3 tại chỗ” thì hiện giá nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã tăng 15%-300% tùy loại so với cùng kỳ. Cộng với việc TPHCM chính thức áp dụng tăng mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng tại khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM bắt đầu từ 1-10 tới đây, nên chi phí sản xuất sẽ còn tăng.

Trước thực tế đó, các DN cho rằng Nhà nước nên triển khai ngay các gói hỗ trợ, thực hiện sớm những việc “trong tầm tay”. Đơn cử, TPHCM nên tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng mức thu phí hạ tầng cảng biển sang đầu năm 2022.  

Cùng với đó, Bộ Công thương cần yêu cầu Tham tán thương mại tại các nước gia tăng tìm kiếm thị trường cung ứng nguồn nguyên liệu sản xuất cho DN trong nước. Sự đa dạng thị trường cung ứng vừa giúp DN tránh nguy cơ gián đoạn sản xuất và quan trọng hơn giúp DN có cơ hội tiếp cận các nguồn nguyên liệu với giá thành tốt hơn.

Ông Vũ Nam Chiến, Phó giám đốc Công ty TNHH TM Tân Nhất Hương, nhấn mạnh, việc hỗ trợ vốn, giảm lãi suất vay cần phải được triển khai quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất vay các DN ít nhất 1%/dư nợ vốn vay nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Bản thân công ty đang vay vốn từ 2 ngân hàng thương mại nhưng chỉ có một ngân hàng giảm lãi suất vay với mức giảm 0,2%.

Các tin khác