Đổi mới tư duy, đột phá chuyển đổi số

(ĐTTCO)-Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra là không thể đảo ngược. Nhất là đối với quá trình hoạt động, vận hành của DN. CĐS là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Trong đó những DN công nghệ số là hạt nhân. Việt Nam phải làm gì để đi nhanh hơn trong quá trình CĐS này?
Cú bắt tay hợp tác giữa Amazon, T&T Group và SHB đã tạo nền tảng, một xu thế tất yếu cho việc chuyển đổi số ở các DN.
Cú bắt tay hợp tác giữa Amazon, T&T Group và SHB đã tạo nền tảng, một xu thế tất yếu cho việc chuyển đổi số ở các DN.
Nguy cơ 76% DN “bị loại bỏ”
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, CĐS đang trở thành chiến lược tại các DN, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Gần 90% DN đã bắt đầu CĐS với các bước từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới triển khai thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo DN được khảo sát xem CĐS là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh, như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo...
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về CĐS, song tựu chung đều khẳng định CĐS mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao.
Tại Diễn đàn Công nghệ FPT 2019 (FPT Techday 2019) với chủ đề “Khởi động thông minh - Start Smart” vừa diễn ra ở Hà Nội, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa dẫn số liệu từ Enterprise, cho biết hiện có 76% DN Việt chưa bắt đầu CĐS, gấp 1,5 lần so với thế giới. Vấn đề lớn nhất của các DN này là không biết bắt đầu CĐS từ đâu, chưa tìm được mô hình nào phù hợp với đặc thù của riêng mình; chưa tìm được đối tác đồng hành.
Ông Khoa cho rằng, nếu không bắt đầu chúng ta sẽ bị loại bỏ và dần biến mất vì chậm trễ trong quá trình chuyển đổi của toàn thế giới. Tổng giám đốc FPT cho biết, trong 31 năm qua, từ những điều đơn giản, FPT đã tiến ra toàn cầu, thực hiện các dự án lớn ở trong nước và quốc tế cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Hiện FPT có hơn 600 khách trên toàn cầu, 100 khách hàng nằm trong top Fortune Global 500 và có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các thị trường cấp tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... 
“FPT không chỉ bán hàng, mà đã và đang trở thành đối tác của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên toàn cầu. Trong những năm qua và thời gian tiếp theo, CĐS là xu hướng chưa bao giờ giảm. Chúng ta chắc chắn sẽ đối diện với CĐS và tìm cách sống chung với nó. Hiện các DN đều hướng đến mục tiêu trở thành DN số trong tương lai. Song nhiều DN đang gặp khó khăn trong CĐS. FPT cam kết cùng khởi động, cùng đầu tư và cùng về đích với các bạn trong hành trình CĐS. Theo đó, FPT sẽ phát triển trước các ứng dụng và sản phẩm nền tảng để DN có thể dễ dàng lựa chọn. Chúng tôi sẽ đi tới cùng với quý vị trong hành trình này” - ông Khoa nhấn mạnh.

Được đầu tư trước, sẽ đi trước
CĐS là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Vì thế, chúng ta phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá để vươn lên, đi ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng,
Bộ trưởng Bộ TT-TT
Tại “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0” diễn ra đầu tháng 10-2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng CĐS là cuộc cách mạng vĩ đại của loài người và đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số. Và chỉ lúc này các công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó, bao gồm cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh hủy diệt. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. CĐS là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. 
“Chúng ta có thể làm được vì văn hóa người Việt là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Việt Nam lại luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ và cho rằng các DN công nghệ số Việt Nam là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này. Và chính quá trình CĐS sẽ thúc đẩy Made in Vietnam, hình thành các DN công nghệ số Việt Nam, từ đây đi ra toàn cầu. 
Để việc CĐS diễn ra nhanh hơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu cứ để từng cơ quan, DN, hộ gia đình và người dân tự làm CĐS sẽ rất lâu. Vì vậy cần xây dựng các nền tảng số chung (các platform số) để các cơ quan, DN, hộ gia đình và người dân sử dụng, là cách tiếp cận mới nhanh và đột phá. Việc sử dụng các platform số, tức lên môi trường số, hoạt động trong môi trường số. Việt Nam sẽ sớm tuyên bố chiến lược về CĐS quốc gia, để tiến tới nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, được đầu tư trước, sẽ đi trước, phải có thứ hạng cao trên thế giới, nằm trong Top 50 vào năm 2025 và Top 30 vào năm 2030. 
“Có 5 yếu tố nền tảng gồm thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo. Nghị quyết 52-NQ/TW (ngày 27-9-2019) của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã định hướng cho CĐS Việt Nam, với mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP. Chúng ta phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, khi đó Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên” - Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Các tin khác