Doanh nghiệp Việt xoay trở trong bão dịch

(ĐTTCO)-Đương đầu với khó khăn đang là thực tế tại nhiều doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Nhưng chính trong cái khó ấy nhiều DN đã tự xoay trở để có thể tồn tại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, trước khi có sự trợ lực từ Nhà nước. 
Lotte Mart dù là một chuỗi siêu thị bán lẻ nhưng thời dịch Covid-19 cũng đẩy mạnh việc bán hàng online.
Lotte Mart dù là một chuỗi siêu thị bán lẻ nhưng thời dịch Covid-19 cũng đẩy mạnh việc bán hàng online.
Tận dụng kênh online
Với nhiều thương hiệu thời trang, thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn được xem là mùa thấp điểm do người tiêu dùng đã mua sắm rất mạnh tay trước đó. Song năm nay do lo ngại dịch bệnh Covid -19, nhiều người tiêu dùng không đến những nơi đông người, khiến các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang rơi vào cảnh đìu hiu, doanh thu sụt giảm chưa từng có.
V-SixtyFour, một thương hiệu thời trang Việt Nam thuộc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), đang trải qua những ngày tụt giảm doanh số nghiêm trọng so với cùng kỳ vì dịch trên toàn hệ thống cửa hàng. Ban lãnh đạo VitaJean đã phải ngồi lại để cùng tìm ra giải pháp vượt khó. Và một ý tưởng đã được thử nghiệm ngay đó: đẩy mạnh kênh bán hàng online. 
Chia sẻ với ĐTTC, ông Phan Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean, cho biết: “Để vực dậy doanh số chúng tôi chuyển qua đẩy mạnh bán online trên webiste của mình và trên một số sàn TMĐT như Shopee, đặc biệt áp dụng những chính sách giảm giá tới 60% để kích cầu tiêu dùng”.
Kết quả thời điểm này doanh thu đã tăng 4-5 lần so với cùng kỳ. Song ông Việt cũng khẳng định đây chỉ là giải pháp trong lúc khó, còn có thực sự bền vững trong lâu dài cần có thêm thời gian để kiểm chứng. 
Thực ra việc tận dụng kênh online trong bối cảnh người tiêu dùng đang sợ đến những nơi đông người, là việc nhiều DN đang áp dụng. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thời điểm này đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Vào những ngày cao điểm mua sắm, PNJ còn thêm những dịch vụ miễn phí cho khách mua online, như  nhân viên giao hàng hóa thân thành “thần Cupid” ngồi xe mui trần mang trang sức đến tận nơi cho khách.
Nhiều chuỗi hàng ăn, uống cũng đẩy mạnh hơn kênh online để đảm bảo doanh số, như chuỗi cà phê Cộng truyền thông mạnh trên mạng xã hội dịch vụ giao hàng tận nhà, thậm chí giảm 30% nếu khách đặt qua các app giao hàng như Grab. 
Tương tự, những chuỗi siêu thị như Lotte Mart cũng đẩy mạnh hơn việc bán hàng online. Trao đổi với ĐTTC, đại diện Lotte Mart cho biết  thời gian gần đây số lượng đơn hàng ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L tăng 150-200%, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phân bổ cho mảng online này cũng được tăng cường gấp đôi, đồng thời bổ sung gấp 3 số nhân lực hỗ trợ và mở rộng hệ thống vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.
Hiện Lotte đang phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp, đảm bảo hàng hóa (các mặt hàng tươi sống, lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm…) luôn đầy đủ, dồi dào và nhanh chóng đến tay người tiêu dùng cả trung và dài hạn.

Nỗ lực bằng mọi cách
 Các DN đang nỗ lực tìm giải pháp vượt khó phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình. Sẽ có DN phải rời cuộc chơi nhưng cố gắng hết sức là điều tất cả đang hướng tới.
Ngoài chuyển sang kênh bán hàng online, nhiều DN cũng tìm thêm những cách thức để có thể “sống chung với dịch” trong giai đoạn này. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, ngay từ tháng 2 hội đã liên tiếp đến thăm các nhà xưởng của DN, gửi bảng câu hỏi tham khảo diện rộng… Qua đó biết được nhiều cách thức thích nghi của DN, mà theo cách gọi của bà Hạnh là những tia nắng vui thoát ám “Cô Vy”. 
Đó là câu chuyện của Công ty Minh Long, thay vì tập trung thị trường xuất khẩu, công ty chuyển mạnh qua các sản phẩm bán trong nước, với dòng sản phẩm ly giữ nhiệt cho nhân viên văn phòng đang được ưa chuộng. Để tăng thêm độ hấp dẫn của những chiếc ly này trên nền sứ trắng, Minh Long vẽ ra những câu chuyện cổ tích Việt Nam như Mai An Tiêm, Sơn tinh-Thủy tinh…
Chị Nguyễn Mỹ một khách hàng của Minh Long, nhận xét trên fanpage của công ty: “Lần đầu tiên thấy sản phẩm từ sứ giữ nhiệt tốt đến thế, không làm biến đổi hương vị thức uống lại có thiết kế đẹp, sang trọng”. 
Một câu chuyện thích ứng mùa dịch khác cũng thu hút sự quan tâm không kém chính là của Tập đoàn Thiên Long. Dịch bệnh đã khiến nhiều trường học phải đóng cửa thời gian dài. Thiên Long đã nhanh nhậy mở chiến dịch tiếp thị tập trung các sản phẩm dành cho trẻ phải nghỉ học ở nhà, có đồ chơi với các slogan dễ thương, như “tránh corona bé chơi colokit”; “Bé vừa học vừa chơi mẹ càng thêm thảnh thơi”… 
Không chỉ chịu tác động từ dịch Covid -19, tình hình hạn, mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL (thị trường tiêu thụ phân bón chủ lực) đã khiến Đạm Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Nguyên nhân do nông dân thu hẹp diện tích trồng lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón giảm mạnh. Trong khi đó xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường bị ngưng trệ, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm, đã tác động tiêu cực đến thu nhập của nông dân, khả năng thu hồi nợ của hệ thống phân phối, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước và sức mua của hệ thống sụt giảm.
Trước tình hình đó công ty phải tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh tiêu thụ ở các khu vực không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, hướng dẫn bà con thay đổi kỹ thuật, giống canh tác ứng phó với hạn mặn. Vận dụng linh hoạt các hình thức trực tuyến để triển khai công việc, tiếp tục triển khai digital marketing…
Việc tìm cách vượt khó không chỉ diễn ra ở các DN, tại nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng tìm ngách để sống qua mùa dịch. Anh Thành Hưng, chủ một cơ sở chuyên sản xuất quần áo thời trang trẻ em cung ứng cho các khu chợ bán buôn, dịp này chuyển qua sản xuất khẩu trang trẻ em, hàng tiêu thụ cũng khá tốt. Theo anh Hưng việc này doanh thu không bao nhiêu nhưng duy trì việc làm cho công nhân. 

Các tin khác