Doanh nghiệp vận tải có dễ tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng?

(ĐTTCO)-Các doanh nghiệp và nhiều hãng vận tải khác đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ 4 và rất mong được tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp vận tải đã phải tạm thời “đắp chiếu” xe do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp vận tải đã phải tạm thời “đắp chiếu” xe do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với số tiền 26.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua và gói hỗ trợ lần này được ví như “phao cứu sinh”. Vậy, cơ hội nào cho các đơn vị vận tải để tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nhiều điều kiện, rào cản ngặt nghèo vay vốn

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh Hà Nội, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải vô cùng khốn đốn. Cụ thể, taxi Mai Linh đã phải dừng hoạt động tại rất nhiều tỉnh thành phố, duy nhất chỉ có Mai Linh Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì 200 xe phục vụ người dân đi khám chữa bệnh.

Nghe thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, ông Hùng vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 68, ông mới biết rằng bản thân doanh nghiệp và nhiều hãng vận tải khác sẽ không đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi.

"Các doanh nghiệp taxi sẽ không tiếp cận được, bởi quy định nêu rất rõ chỉ áp dụng hỗ trợ đối với những doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%. Tuy nhiên, taxi Mai Linh 50% dừng hoạt động, còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi và người dân sợ không sử dụng taxi, doanh số sụt giảm tới 80%, nên bản chất có hoạt động cũng như không," ông Hùng lý giải.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội ôtô Thanh Hóa cũng cho rằng đơn vị vận tải sẽ không dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ này vì theo Nghị quyết 68, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, với điều kiện doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch đồng thời người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng tại thời điểm đề nghị vay vốn.

"Doanh nghiệp vận tải phải vay vốn tới 60-70% và trải qua mấy đợt dịch COVID-19 đã bị ảnh hưởng nặng nề, xảy ra nợ xấu là đương nhiên. Mỗi lần dịch, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, xe không đi nên ‘đắp chiều’ nằm nhà, tình hình này mà không xét cho doanh nghiệp thì họ sẽ đứng trước bờ vực phá sản," ông Long chua chát nói.

Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ lần 1 trước đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát-đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt, cho biết doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên. Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Hà Nội thời điểm dài nhất mới là 28 ngày.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ nhận được phản hồi là nên chủ động làm việc, đề xuất với tổ chức tín dụng,” ông Bằng cho hay.

Vì thế, ông Bằng thừa nhận các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Bắc đều không trông chờ tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này theo Nghị quyết 68, bởi không đáp ứng điều kiện gói hỗ trợ đưa ra bao gồm: doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch; không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn...

Chính sách cần đảm bảo tính dài hạn và linh hoạt

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, qua 4 đợt dịch, các doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ôtô sụt giảm 70-80%. Vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao.

“Để vực dậy ngành vận tải, Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng các điều kiện, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ lần này. Việc triển khai chính sách này như thế nào đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù lần này người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội cam kết giảm tối đa các thủ tục, song ngân hàng không dễ dàng xuất tiền cho vay nếu họ không nắm được đằng chuôi,” ông Quyền bày tỏ lo lắng.

Vì thế, ông Quyền kiến nghị cần phải có sự thống nhất trong triển khai và sự tương tác nhiều hơn giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực sự. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các chính sách an sinh cần đảm bảo tính dài hạn và linh hoạt.

Đối với doanh nghiệp nghiệp vận tải, trên cơ sở kiến nghị của các hiệp hội, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục có các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi, giảm các điều kiện, thủ tục cho vay để doanh nghiệp vận tải đường bộ được tiếp cận nhanh chóng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các bộ, ngành về những đề xuất này.

Trong thời gian vừa qua, ngoài việc thực hiện miễn, giảm thuế phí (phí bảo trì đường bộ, dịch vụ cất hạ cánh, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm mức và lệ phí tại cảng hàng không, sân bay...), Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay...

Các tin khác