Doanh nghiệp điện tử nội “Nuôi hoài không lớn”

(ĐTTCO)-Những năm gần đây, công nghiệp điện tử luôn được xếp vào tốp 10 ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao với hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, “miếng bánh ngon” này hầu hết đều thuộc về các doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Sản xuất linh kiện điện tử tại doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: THÀNH TRÍ
Sản xuất linh kiện điện tử tại doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: THÀNH TRÍ

Có tiếng không có miếng

Trong năm 2018 Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng điện tử đạt gần 80 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2017. Bước qua 11 tháng năm nay, xuất khẩu hàng điện tử tiếp tục đạt con số ấn tượng là trên 83 tỷ USD. Với mức tăng trưởng nhanh chóng, hiện nay ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu. 

Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị xuất khẩu (khoảng 95%) đều nằm trong khu vực DN FDI. Trong khi đó, các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu.

Dẫn chứng từ DN FDI có tỷ trọng xuất khẩu chi phối (với trên 20% tổng kim ngạch trong năm 2018) - Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - sẽ thấy rõ điều này. Năm 2018, doanh thu của Samsung đạt hơn 216 tỷ USD và lợi nhuận đạt hơn 52 tỷ USD. Sản lượng sản xuất của Samsung trung bình khoảng 160 triệu thiết bị/năm. Chỉ tính riêng mảng điện thoại, hãng này có 2 nhà máy sản xuất ở Việt Nam, cung cấp 50% lượng điện thoại bán ra trên toàn cầu. Song lâu nay DN này chủ yếu dựa vào các nhà cung cấp đầu vào trung gian của Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam; còn nhà cung cấp cấp 1 Việt Nam chủ yếu là DN bao bì có giá trị gia tăng thấp (bao gồm bao bì giấy, bao bì màng mỏng, bao bì giấy gấp nếp) hay trong lĩnh vực cơ khí, ép khuôn. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn trong ngành điện tử là do phần lớn các DN nội địa đang hoạt động trong ngành có quy mô nhỏ và vừa - chiếm 98%. Chỉ có một số ít DN tham gia được vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Năng lực của các DN nội địa còn hạn chế, sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN FDI, chưa chuẩn hóa đầy đủ, thiếu nhân viên có tay nghề, trình độ quản lý còn kém, cộng thêm rào cản ngôn ngữ và khả năng tiếp cận tài chính thấp…  

Cần lực đẩy từ phía Nhà nước

Theo nhận định của Bộ Công thương, công nghiệp điện tử Việt Nam là ngành có nhiều tiềm năng do cơ cấu dân số trẻ, quy mô 100 triệu dân trong tương lai. Do đó, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện tử trong nước ngày càng tăng, với thị trường nội địa khoảng 10 - 12 tỷ USD. Đặc biệt, sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử viễn thông lớn của thế giới như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… cho thấy thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của lĩnh vực công nghiệp điện tử.

Tuy nhiên, để thay đổi cục diện hiện nay, ngoài nỗ lực của DN, Nhà nước cần có những chính sách đủ mạnh để nâng sức cạnh tranh cho ngành điện tử. “Quá trình toàn cầu hóa được đẩy lên nhanh chóng tại khắp các quốc gia đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất ngay tại thị trường nội địa, khi xuất hiện ngày càng nhiều các nhà cung cấp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chính như công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, hàng không, kỹ thuật cơ khí… Do đó, Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN ngành điện tử - một ngành mũi nhọn của nền kinh tế”, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) - bà Đỗ Thị Thúy Hương đề nghị.

Như phân tích ở trên, có thể khẳng định nguyên nhân cốt lõi khiến công nghiệp điện tử không lớn nổi là do lĩnh vực hỗ trợ quá yếu kém. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược cụ thể, ưu tiên phát triển lĩnh vực này song song với những cơ chế đặc thù khác. “Để phát triển ngành này, có 3 yếu tố chính mà các chính sách cần tập trung. Đó là đầu tư công nghệ, vốn và đào tạo nguồn nhân lực”, bà Đỗ Thị Thúy Hương nêu vấn đề. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp thì mới có cơ hội bứt phá.

Trong đó, Nhà nước có các chính sách cấp vốn cho DN; xem lại các quy định về công nghệ hỗ trợ cho các DN, trước khi ban hành cần xem xét tính khả thi, phù hợp với thực tế; hệ thống đào tạo cần được cải tiến cho phù hợp hơn. “Bên cạnh đó, khi Chính phủ Việt Nam ký kết hợp tác, ưu đãi cho các DN FDI, cần có thêm những điều kiện ràng buộc, như miễn thuế 10 năm thì đến năm thứ 3 các DN FDI cần phải đạt tỷ lệ sử dụng các DN Việt Nam khoảng 30%. Như vậy, các DN FDI sẽ có trách nhiệm hơn trong việc đào tạo DN trong nước. Làm được như vậy sẽ giúp DN điện tử trong nước từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh”, đại diện VEIA đề xuất.

“Khi các nhà cung cấp trong nước thiếu tính cạnh tranh, dễ dẫn đến việc các công ty nước ngoài tìm kiếm ở nơi khác và liên kết với các DN khác cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng, giá cả và đầu vào kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro cung cấp và đạt được mục tiêu sản xuất”, TS Trần Minh Ngọc, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, phân tích về nguyên nhân DN nội khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các tin khác