Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó, mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD

(ĐTTCO)-2021 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn của ngành dệt may do phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng được thiết lập, song, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD.
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó, mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương trong tháng 1/2021 ghi nhận, một số ngành xuất khẩu như dệt may đã giữ được đà tăng trưởng và duy trì được nhịp độ sản xuất ngay từ tháng đầu năm.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí, tác động tiêu cực sẽ có thể kéo dài. Dự báo, năm 2021, ngành dệt may vẫn tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ phải thích ứng, chuyển đổi nhanh, nhiều mặt hàng truyền thống sẽ không còn chuyên môn hóa.

Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, xuất khẩu dệt may có thể đạt khoảng 39 tỷ USD trong năm nay. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8/2020 và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (được ký kết vào giữa tháng 11 năm ngoái) cũng kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, chủ động ứng phó với tình hình mới. 

"Để đưa đến sự thành công, bền vững của ngành dệt may thì cơ chế, chính sách phải thực sự tạo thông thoáng, để công nghiệp dệt may phải là ngành có đóng góp cho nền kinh tế ổn định, đặc biệt giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho xã hội. Tôi cho rằng, đó là điều kiện cần và đủ, để cho các doanh nghiệp có được một giải pháp phát triển bền vững, chương trình xanh hóa, liên kết chuỗi và phát triển bền vững"- ông Vũ Đức Giang bày tỏ.

Các tin khác