Doanh nghiệp chỉ có thể hoá rồng khi có sự trợ lực từ nhà nước

(ĐTTCO) – Đó là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) tại phiên tranh luận dành cho nhóm DN thuộc lĩnh vực sản xuất khi bàn đến khả năng các DN Việt có thể hoá rồng trước cơ hội từ sự dịch chuyển dòng chảy toàn cầu tại Việt Nam CEO Forum 2020 diễn ra chiều ngày 19-11. 
Doanh nghiệp chỉ có thể hoá rồng khi có sự trợ lực từ nhà nước
Tại phiên tranh luận này, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, đã nêu thực tế dịch Covid -19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang làm dịch chuyển dòng chảy của chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sản xuất được đánh giá sẽ là ngành có tác động đầu tiên so với các ngành khác trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vậy có cơ hội dành cho các DN sản xuất của Việt Nam hay không. 
Trả lời câu hỏi này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP đầu tư U&I, cho rằng cơ hội có nhưng chỉ dành cho các DN sẵn sàng. Khi các DN FDI đến Việt Nam họ cũng cần hợp tác với các DN địa phương. Thậm chí với nhiều nhà mua hàng lớn của thế giới họ còn sẵn sàng chỉ dạy cho DN địa phương để có thể nâng cấp sản phẩm của mình, đáp ứng nhu cầu của nhà mua hàng. Song nếu DN không có khát khao thành công sẽ rất khó nắm lấy cơ hội này. 
Ông Tín cũng chỉ ra một thực tế nhiều DN sản xuất của Việt Nam chấp nhận làm gia công trong một thời gian dài mà không bước ra ngoài thế giới xem các DN của các nước họ làm như thế nào để giúp mình phát triển mạnh mẽ hơn. 
Đồng tình với ý kiến này, đại diện của một DN chuyên tìm kiếm các nhà sản xuất Việt Nam để kết nối với các nhà thu mua nước ngoài cho biết từ đầu năm đến nay DN của chị nhận nhiều yêu cầu từ các đối tác Mỹ, châu Âu thậm chí cả Trung Quốc trong việc tìm kiếm nhà cung cấp khi họ dịch chuyển sang Việt Nam nhưng đến nay vẫn không tìm được. “Cơ hội ngay trong tầm tay mà DN mình lại thiếu chuẩn bị”, vị này cho biết. 
Tất nhiên bên cạnh những DN chưa nắm được cơ hội do thiếu sẵn sàng thì cũng có số ít DN tìm kiếm được những cơ hội bắt tay cùng các ông lớn FDI. Và lại có một câu hỏi nữa được đặt ra là với những DN ấy cơ hội hoá rồng từ dòng dịch chuyển này có hay không. Có thể từ những nhà cung ứng từng bước trở thành những DN lớn mạnh, sánh ngang các DN FDI hay không. Câu trả lời của nhiều DN tham gia phiên tranh luận này là rất khó vì chúng ta thiếu đi sự trợ lực của nhà nước. 
“DN muốn hoá rồng ngoài sự khát khao của người chủ dẫn dắt thì không thể thiếu sự đồng hành của các chính sách”, ông Mai Hữu Tín khẳng định. 
Ở góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital cho rằng để DN có thể vượt vũ môn hoá rồng là cực kỳ khó. Nhiều DN Việt Nam vẫn còn quản trị tài chính dựa vào kinh nghiệm, đây là một điểm yếu. Theo các diễn giả tham gia phiên tranh luận, thay vì ước mơ hoá rồng, các DN sản xuất Việt Nam hãy xác định cho mình những mục tiêu gần, làm tốt nhất công việc đang làm, trở thành DN dẫn đầu trong lĩnh vực của mình trước hết ở tại thị trường nội. 
Thực tế, bên cạnh những câu hỏi về khả năng nắm bắt cơ hội trước dòng dịch chuyển, có DN cũng quan tâm đến việc làm sao trụ vững sau Covid -19. Chia sẻ vấn đề này bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Deloitte Việt Nam cho rằng dịch Covid -19 đã mang lại cơ hội cho một số ngành hàng nhưng cũng tác động tiêu cực đến nhiều DN, ngành hàng khác. Để có thể trụ vững và chuẩn bị cho những bước tiến dài hơi, DN cần tập trung vào 3 yếu tố: thứ nhất quản lý tài chính hiệu quả, thứ hai quản lý đầu tư thông thái, thứ ba đội ngũ lãnh đạo DN cần đưa ra chiến lược kết hợp cả ứng phó, tồn tại và phát triển. 
Tại diễn đàn năm nay các CEO đã có những cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm vượt dịch Covid-19 và cách thức làm sao để nắm bắt những cơ hội từ dòng dịch chuyển toàn cầu. CEO Viet Nam Forum là sự kiện thường niên được mong chờ nhất của giới CEO Việt Nam. 

Các tin khác