Doanh nghiệp cần hỗ trợ phục hồi, thay vì hỗ trợ thanh khoản cầm cự

(ĐTTCO)-Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của doanh nghiệp, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu...
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát. (Ảnh minh họa)

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái bấp bênh và đang rất cần các gói hỗ trợ để tiếp tục"sống sót", "sống khỏe" sau đại dịch.

Năm ngoái, khi Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã có các gói chính sách hỗ trợ, từ giãn thời gian nộp các loại thuế, giãn thời gian trả nợ vay, đến hỗ trợ doanh nghiệp giữ lao động…

Mục tiêu là hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp vào thời điểm dòng tiền bị đứt gãy. Hiện tại, Chính phủ cũng đã có chính sách tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, quy định mới về những khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Năm 2020 có gói 62.000 tỷ đồng còn mới đây đã có Nghị định 52 gia hạn tiền nộp thuế. Đây là gói hỗ trợ 115.000 tỷ đồng và Chính phủ đã ký.

Giải pháp hiện nay các doanh nghiệp mong đợi từ Chính phủ là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu tác động mạnh do dịch bệnh; hoãn và giảm nộp thuế trong năm 2021 tạo điều kiện phục hồi phục sản xuất, trang trải những khó khăn về tài chính. Đặc biệt, có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi... Các giải pháp này cần sớm được thực hiện để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2021. Chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng trên cơ sở làm rõ các vấn đề: Yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế, có cần hỗ trợ không và hỗ trợ đối tượng nào, triển khai thực hiện ra sao.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, vấn đề đặt ra là năm 2021 cần rà soát dư địa về chính sách tiền tệ, lãi suất không thể giảm sâu nhằm bảo đảm lãi suất thực dương. Việc cơ cấu lại nợ cũng phải tính toán "liều lượng" vì về nguyên tắc, kéo dài giải pháp này đến một thời điểm nào đó sẽ tạo sức ép rất lớn cho xử lý nợ xấu. Cùng với đó, cũng phải đánh giá nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ đã dễ tiếp cận hơn nhưng nghiệp có vay hay không còn phải dựa vào thị trường đầu ra để cân nhắc việc vay nợ ở mức hợp lý, an toàn.

"Cần thống nhất một cách hiểu để tránh hiểu nhầm của xã hội về giải pháp hỗ trợ của nhà nước, đây là tổng hợp các giải pháp, trọng tâm các giải pháp chính sách có thể định lượng được giá trị bằng tiền chứ không phải việc trích tiền ngân sách nhà nước để chuyển cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không thể tiếp tục cách thức hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp như lần đầu tiên, mà cần một giải pháp dài hơi hơn, đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ phát triển… 

Sau một năm chịu tác động của Covid-19, tình hình doanh nghiệp rất khác. Nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải giảm số lao động, thậm chí đã đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác. Thực tế buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, cơ cấu lại hoạt động, chiến lược kinh doanh, bộ máy tổ chức… Người lao động cũng vậy, cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái, vì họ đã thấy tình thế, phải tìm kiếm việc làm mới.

"Trong tình hình như vậy, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi", TS. Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.

Theo nguyên Viện trưởng CIEM, cần hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Để làm được việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò lớn trong việc rà soát, đề xuất các giải pháp mới phù hợp. Cần xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới…, có vướng mắc gì trong thực thi chính sách không, có cần thêm chính sách khuyến khích gì không… để có phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung.

Mục tiêu là thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được gỡ quyết liệt.

Song, cần cân nhắc đây chưa phải là lúc khuyến khích đầu tư, kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa. Nên tập trung chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Đây sẽ là nơi cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng vào thời điểm này, khi các doanh nghiệp được đặt trong bối cảnh phải cơ cấu lại, xem xét lại chiến lược kinh doanh. Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, chứ không phải là hỗ trợ chung chung, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất. 

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động. Việc này có thể làm được ngay, có tác động trực tiếp ngay, nếu thực sự hành động. Cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của doanh nghiệp, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như các gói chính sách năm ngoái.

Ở cấp độ định hướng vĩ mô, PGS. TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam có rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí nếu dàn trải sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.

Liên quan đến các công cụ của chính sách tiền tệ, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động. Số doanh nghiệp tiếp cận và được hỗ trợ tiền tệ còn hạn chế so với mục tiêu đặt ra. Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch và các rào cản không cần thiết cần được rà soát gỡ bỏ.

Cùng với đó, cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, TS. Tô Trung Thành bày tỏ quan điểm.

Các tin khác