Doanh nghiệp cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn “kép”

(ĐTTCO)-Qua hơn một năm đối mặt với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước tìm ra hướng đi cho mình. Tuy nhiên, trước tác động của đợt dịch lần thứ 4 này, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức bằng những chính sách cụ thể.
Các doanh nghiệp may mặc bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19
Các doanh nghiệp may mặc bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, UBND TP.Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo sát diễn biến tình hình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn quận có tới 8.800 hộ kinh doanh phải ngưng hoạt động, một con số chưa từng có từ trước đến nay. Việc giãn, hoãn thời hạn nộp thuế và kết nối giữa các hộ kinh doanh với các tổ chức tín dụng là việc làm cấp bách trong thời điểm này.

“Thực hiện Nghị quyết số 52/2021 của Chính phủ, chúng tôi đã triển khai đầy đủ và đúng đối tượng. Chúng tôi xác định quan trọng là phải đúng đối tượng. Chúng tôi kê khai, rà soát, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận và thực hiện đúng tiến độ giãn, hoãn”, ông Nguyễn Anh Quân cho hay.

Cùng với tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao càng làm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thêm khó khăn chồng chất. Mặc dù vậy, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, các doanh nghiệp đang tận dụng mọi nguồn lực để các dự án tiếp tục được triển khai.

Ông Mai Văn Phú, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai, đơn vị đang làm hạng mục trong dự án đường vành đai 2,5 tại Thủ đô Hà Nội cho rằng, điều cần nhất với doanh nghiệp lúc này là đảm bảo việc làm cho người lao động và mặt bằng để thi công.

“Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, chúng tôi gặp thêm nhiều khó khăn. Nếu dịch bệnh được khống chế có hiệu quả, có mặt bằng thi công thì chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư trên toàn bộ dự án để thực hiện các hạng mục công trình có thể. Hy vọng trong năm 2021 này, chúng tôi cố gắng hoàn thành cơ bản dự án”, ông Mai Văn Phú cho biết.

Trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 5 tháng qua, cả nước có 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua được ban hành khá kịp thời. Từ hỗ trợ tín dụng, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội hay chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Mặc dù vậy, việc hỗ trợ cần linh hoạt, giảm bớt thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận được một cách nhanh nhất.

“Có những chính sách chúng tôi rất tiếc, về chủ trương thì rất tốt nhưng thiết kế những điều cụ thể lại không phù hợp. Ví dụ như: chính sách các tổ chức tín dụng cho vay 0% lãi suất để trả lương cho người lao động cần đơn giản, không nên đặt nhiều điều kiện ở đó. Đối với chính sách giãn, giảm thuế cũng vậy. Nợ thuế thì trước sau cũng phải trả, không phải cho doanh nghiệp nên cần hết sức linh hoạt”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp lớn trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, một số trung tâm kinh tế lớn như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Không chỉ vậy, hàng triệu hộ kinh doanh trên cả nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không có doanh thu trong thời gian dài. Trong khi đó, việc tiếp cận với các khi các tiêu chí về miễn giảm thuế, phí quá chặt chẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn, rất khó giải quyết chính sách vì không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra...

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp khó cũng đồng nghĩa với tỷ lệ lao động thất nghiệp gia tăng và “khoảng trống việc làm” là khó tránh khỏi, rất cần những biện pháp hỗ trợ cụ thể và mạnh mẽ hơn đối với doanh nghiệp và người dân trước trước tác động do dịch Covid -19 gây ra.

Các tin khác