DN châu Âu lạc quan triển vọng phục hồi kinh doanh Việt Nam hậu Covid-19

(ĐTTCO)-Nhiều doanh nghiệp (DN) châu Âu tin tưởng số lượng đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng lên trong quý 4 năm nay.
DN châu Âu lạc quan triển vọng phục hồi kinh doanh Việt Nam hậu Covid-19

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý 3/2020 của Việt Nam đạt 57,5 điểm phần trăm - tăng 24 điểm so với quý trước. Đây là số điểm BCI cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Khảo sát BCI của EuroCham được thực hiện hàng quý, nhằm mục đích lấy ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp hội viên về môi trường thương mại và đầu tư, theo dõi hiệu quả hoạt động của các công ty và nhận thức của họ về triển vọng kinh tế tại Việt Nam.

Trong tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 lần đầu tiên tác động tới thương mại và đầu tư quốc tế, BCI của Việt Nam đã giảm xuống còn 26 điểm phần trăm. Sang quý 2, tỷ lệ này tăng nhẹ khi Việt Nam trở thành một trong những câu chuyện thành công trên thế giới trong công cuộc đối phó với đại dịch. 

Giờ đây, với việc các doanh nghiệp có thể hoạt động với ít hạn chế hơn và trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1/8, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu đã phục hồi mạnh mẽ.

Theo khảo sát, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu tỏ ra tích cực hơn về tình hình kinh doanh của họ trong quý 3, với 40% mô tả hoạt động của họ là "Xuất sắc" hoặc "Tốt" - cao hơn gấp đôi so với mức 18% được ghi nhận trong ba tháng trước đó. 

Quý 4 được dự báo là khả quan hơn, với 44% người tham gia khảo sát dự đoán hoạt động kinh doanh cuối năm sẽ có kết quả tốt. Trong khi đó, hầu hết các công ty đang ổn định về số lượng nhân viên (65%) và kế hoạch đầu tư (57%). Chỉ 44% người trả lời cho biết họ mong đợi số lượng đơn đặt hàng và doanh thu tăng lên.

Nói về EVFTA, hơn 30% lãnh đạo nghiệp trả lời khảo sát cho rằng thỏa thuận này là một phần quan trọng trong quyết định đầu tư vào Việt Nam của họ, với hai yếu tố hàng đầu được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng là cắt giảm thuế quan (33%) và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư (13%).

Nhận xét về kết quả BCI, Chủ tịch EuroCham, ông Nicolas Audier cho biết: Bất chấp một năm 2020 khó khăn đối với thương mại quốc tế, khảo sát của chúng tôi cho thấy các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả của Việt Nam đối với đại dịch toàn cầu đã mang lại hiệu quả. Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cảm thấy tích cực hơn cả về doanh nghiệp của họ cũng như môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, và có xu hướng lạc quan thận trọng trong quý 4.

"Việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU được triển khai và có hiệu lực từ tháng 8 chắc chắn đã góp phần vào tâm lý này. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy thuế quan giảm và khả năng tiếp cận thị trường ngày càng quan trọng đối với các thành viên và sẽ giúp thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài mới từ EU trong tương lai", ông Nicolas Audier nói.

Các tin khác