DN chấp nhận bị đào thải hay xoay xở để tồn tại

(ĐTTCO)- Do ảnh hưởng của Covid-19, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước giảm hơn 5%, có trên 75.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TheoBộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng qua, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lại tăng 17,6%, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động giảm. (Ảnh minh họa)
TheoBộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng qua, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lại tăng 17,6%, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động giảm. (Ảnh minh họa)

Không được để các doanh nghiệp đứt gãy, nhất là những doanh nghiệp mới thành lập - là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với lãnh đạo các địa phương, bộ ngành trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Thế nhưng không chỉ trông chờ vào các gói hỗ trợ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đang xoay xở để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bởi thực tế vẫn có những cơ hội dành cho họ.

Anh Phan Văn Nam, chủ doanh nghiệp nhỏ kinh doanh nội thất tại huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ, đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm, hoạt động kinh doanh của anh đã rất khó khăn, phải rất cố gắng mới duy trì được sản xuất. Ngoài việc cắt giảm nhân sự, chuyển từ việc kinh doanh cửa hàng sang hình thức online, anh còn buộc phải vay mượn bạn bè, gia đình để có nguồn vốn duy trì doanh nghiệp.

Chính vì thế, khi Covid-19 bùng phát trở lại, anh Nam rất lo lắng về việc kinh doanh: "Tôi rất là lo lắng vì công việc kinh doanh bị ảnh hưởng, gián đoạn rất lớn. Covid-19 xảy ra khiến mọi người thắt chặt chi tiêu khiến mình rất khó tìm kiếm khách hàng. Đấy là rào cản rất lớn. Lợi nhuận không có thì doanh nghiệp không có nguồn thu để bù vào chi rồi và khi ấy cỗ máy vận hành sẽ trục trặc".

Còn với anh Đặng Xuân Hùng, chủ hộ kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ quà tặng ở Hà Nội cho biết: "Khi xảy ra dịch bệnh, những doanh nghiệp làm về nông nghiệp hay công nghiệp sẽ đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với những doanh nghiệp làm ngành dịch vụ. Tôi nghĩ là rất khó có thể vượt qua được. Bởi vì ngành dịch vụ bị ảnh hưởng khá nặng bởi dịch".

Trước bối cảnh Covid-19 hồi đầu năm, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng thì có 16.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vay vốn để trả lương doanh nghiệp. Ngoài ra còn có gói rất lớn về tài khóa, miễn, giảm, giãn thuế, phí cho các doanh nghiệp.

Thế nhưng, đó là gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, đã phát sinh doanh thu và thu nhập chịu thuế. Còn với những doanh nghiệp thành lập mới, họ đang phải xoay xở để tồn tại, bởi vừa thành lập lại vấp ngay phải đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Thông tin đáng mừng theo con số Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, đó là trong 7 tháng qua, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lại tăng 17,6%, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động giảm. Tuy vậy, do ảnh hưởng của Covid-19, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước giảm hơn 5%, có trên 75.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Băn khoăn lớn nhất của những doanh nghiệp vừa và nhỏ cả cũ và mới lúc này là tiếp tục cắt giảm nhân viên, chuyển sang kinh doanh online để giảm tiền thuê mặt bằng và phí sinh hoạt hay dừng hẳn sản xuất, đợi hết dịch thì kinh doanh tiếp. Nhưng nếu không duy trì được hoạt động thì có thể phải chuyển hướng kinh doanh.

Thấu hiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta đang trải qua, TS. Tô Nhật, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Amaccao cho rằng, lúc này, sự bình tĩnh là yếu tố quan trọng hàng đầu. Phải tìm phương án thắt chặt nguồn chi, chia sẻ khó khăn với các cộng sự để tìm hướng đi mới. Covid-19 gây nhiều khó khăn nhưng lại mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, nếu biết nắm bắt cơ hội.

"Đầu tiên, người thủ trưởng phải giữ được bản lĩnh chắc chắn trong giai đoạn này, sau đó bạn phải xoay chuyển.  Bạn phải luôn xoay xở các cách thức để một là làm thế nào chớp được thời cơ mới, sau đó bạn phải siết chặt các con ốc lại, siết chặt các chi phí. Đặc biệt là bạn phải giữ được đội hình nhân sự bởi vì team đội của bạn là quan trọng nhất, bạn phải làm các thành viên trong đội của bạn đồng lòng với bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Tô Nhật chia sẻ.

Minh chứng cho câu chuyện nắm bắt cơ hội này từ thành công của nhiều doanh nghiệp, anh Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc xuất bản công ty cổ phần sách BizBook chia sẻ, thời gian qua, khi hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động do Covid-19 thì Lazada, Shopee lại phát triển rất mạnh mẽ, nhờ tận dụng thương mại điện tử, phát triển kinh doanh trên nền tảng số.

"Những doanh nghiệp nào nhận thấy đây là cơ hội để chuyển đổi thì họ sẽ bứt phá rất nhanh. Khi bước vào thời điểm đại dịch sẽ có 3 yếu tố quan trọng với bất cứ doanh nghiệp nào, thứ nhất là niềm tin, thứ 2 là kiến thức và thứ 3 là kỹ năng. Doanh nghiệp cho rằng bản thân mình khó khăn thì sẽ không bao giờ thoát khỏi khó khăn ấy. Lúc nào cũng có cơ hội, nếu bạn có niềm tin rằng Tôi có thể thoát khỏi khó khăn này thì bạn sẽ luôn tìm ra các cách giải quyết nào tốt hơn" - anh Nguyễn Mạnh Tuân cho biết.

Không chỉ với những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể nghĩ đến một tương lai sáng hơn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU vừa có hiệu lực từ 1/8. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tìm kiếm cơ hội thị trường thuận lợi hơn nhiều so với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Qua thống kê, những doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tăng trưởng đến 15,3% trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì âm đến 7,3%. Rõ ràng trong bối cảnh như thế này rất khó khăn, doanh nghiệp nhỏ có điều kiện để lách, tìm kiếm được cơ hội thị trường và có sự linh hoạt hơn.

Chính vì vậy việc quan trọng nhất chúng tôi cho rằng cần phải có chỉ đạo thống nhất tập trung của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh để làm cơ sở cho các bộ ngành và các lĩnh vực khác triển khai hoạt động trong các việc thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế và các doanh nghiệp phát triển".

Dù trong bối cảnh Covid-19, Chính phủ vẫn đang quyết liệt điều hành theo hướng không để đổ gãy nền kinh tế, giao trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương, bộ ngành phải hết sức hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính mở rộng các gói hỗ trợ về tài khóa để kích thích nền kinh tế, chỉ đạo Bộ Công thương kích cầu tiêu dùng nội địa và giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. Song, muốn thành công, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm lấy thời cơ này.

Các tin khác