Để nông sản không cần “giải cứu”

(ĐTTCO)-Như ĐTTC đã có bài phản ánh, hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhất là mặt hàng trái cây như thanh long, dưa hấu… đang vào chính vụ đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây ra. Tuy nhiên, nếu như không xuất hiện dịch nCoV, điệp khúc giải cứu nông sản vẫn xảy ra.
Để nông sản không cần “giải cứu”
Hiện nay, nhiều nhà vườn thanh long tại một số tỉnh phía Nam đang khóc dở mếu dở khi hàng bị dồn ứ ở các cửa khẩu với Trung Quốc, do dịch nCoV khiến Trung Quốc siết chặt thông quan. Mới đây, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã được thông quan trở lại sau khi 2 bộ là NN&PTNT và Công Thương đã phải khẩn trương họp bàn giải pháp để “giải cứu” nông sản.
Trong khi đó, các mặt hàng khác như gạo, thủy sản, thịt lợn cũng đang chịu chung số phận khi chưa rõ phía Trung Quốc bao giờ sẽ nối lại nhập khẩu do tình hình dịch nCoV đang ngày một diễn biến phức tạp tại thị trường 1,4 tỷ dân này.
Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, hiện Trung Quốc đang là thị trường khổng lồ của nông lâm, thủy sản Việt Nam (chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu). Các sản phẩm nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc gồm rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản... 
Chỉ tính riêng năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của các DN Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt gần 8,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt xấp xỉ 1,2 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ; thủy sản đạt 1,23 tỷ USD, cao su 1,55 tỷ USD, rau quả hơn 2,4 tỷ USD.  Do vậy dưới tác động của dịch viêm phổi cấp, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong quý I-2020 được dự báo sẽ khó đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trước đó.
Thực tế, nCoV chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bởi việc nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu vùng biên không phải mới.
Khoảng 5 năm trở lại đây, phía Trung Quốc đã thực hiện việc siết chặt tiểu ngạch, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, khiến việc xuất khẩu nông sản sang thị trường đông dân nhất thế giới của nhiều DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, nhiều mặt hàng như dứa, khoai lang được đưa lên cửa khẩu nhưng không được thông quan, do không nằm trong danh mục nông sản được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Thậm chí, ngay cả với 9 mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, chuối, xoài, vải, nhãn, mít và măng cụt) cũng không dễ dàng, do Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu, thời gian làm thủ tục thông quan lâu hơn. 
Có thể nói, “giải cứu” nông sản đang là một “điệp khúc buồn” của ngành nông nghiệp Việt Nam diễn ra từ năm này sang năm khác và chưa có hồi kết. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa nắm rõ thị trường để có định hướng đúng trong việc mở rộng diện tích nông sản xuất khẩu và xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, để giải quyết được vấn đề nông sản bị ách tắc, mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất và mở rộng thị trường. Hiện nay phần lớn các DN và nông dân trong nước chưa có kế hoạch sản xuất phù hợp, thích ứng với thị trường. Điều này dẫn tới việc đầu năm các mối hàng ồ ạt đổ lên cửa khẩu biên giới, trong khi nhu cầu tiêu thụ và năng lực tiếp nhận biên mậu của nước bạn lại có hạn. 
“Hiện nay, thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang thiếu sự đa dạng, không tiếp cận và mở rộng được thị trường mới. Chúng ta ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng lại không khai thác được lợi thế xuất khẩu nông sản sang các thị trường này. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu chuỗi sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn thiếu chiều sâu, không đáp ứng được các tiêu chuẩn mà đối tác đưa ra như về chuỗi sản xuất, bảo quản, truy xuất nguồn gốc…, tức là nền nông nghiệp theo chiều sâu chưa có” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét. 

Các tin khác