Day dứt lao động trẻ thời công nghệ

(ĐTTCO)-Trong báo cáo Chỉ số Sáng tạo toàn cầu 2020 (Global Innovation Index 2020-GII) của 3 tổ chức nổi tiếng là Đại học Cornell, Trường Kinh doanh INSEAD và WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới), Việt Nam được xếp hạng 42/131, trong đó có nhiều tiêu chí khá ấn tượng. Nhưng thực tế kết nối giữa công nghệ và lao động trẻ ở Việt Nam còn quá nhiều điều khiến chúng ta phải lo lắng.

Chỉ số sáng tạo ấn tượng
Ở vị trí 41/131 nhưng Việt Nam xếp hàng đầu trong nhóm thu nhập trung bình thấp, trên cả Ukraine, Ấn Độ, và Philippines. Đây là năm thứ 2 liên tục Việt Nam ở vị trí này, một sự tiến bộ rất đáng khích lệ khi xếp hạng trung bình giai đoạn 2013-2015 hạng 68.
Báo cáo năm 2020 cũng liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước có sự tiến bộ vượt bậc, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, và Philippines.
Trong các nhóm tiêu chí quan trọng, Việt Nam đạt kết quả xếp hạng khá tốt ở thị trường (34), môi trường kinh doanh (39), kiến thức và công nghệ (37), sáng tạo (38). Còn ở một số chỉ số cụ thể, Việt Nam có thứ hạng rất cao.
Chẳng hạn, tỷ lệ % xuất khẩu ròng hàng công nghệ cao trên tổng số giá trị trao đổi thương mại ở vị trí số 2; tốc độ tăng GDP/lao động theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) hạng 4; tỷ lệ giá trị thị trường các ứng dụng di động/GDP (PPP) hạng 10.
Sở dĩ Việt Nam có được thứ hạng cao ở những chỉ số này vì nhiều nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ, điện tử được đặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn giá trị gia tăng vẫn thuộc về doanh nghiệp FDI, hệ thống các ngành công nghiệp bổ trợ vẫn rất thiếu và yếu. Bài ca muôn thuở của các doanh nghiệp công nghệ Việt là không đủ lao động có trình độ, kỹ năng cần thiết.
Ảnh minh họa.

Lao động trẻ chưa hòa vào dòng chảy công nghệ
Thông tin về một số bạn trẻ gần đây nộp thuế khủng khi phát triển các ứng dụng/trò chơi di động khiến không ít người vui và tự hào. Nhưng đây chỉ là những điểm dị biệt trong tổng thể lao động trẻ của Việt Nam.
Chỉ cần quan sát đội ngũ chạy xe ôm công nghệ, giao hàng vào giờ cao điểm ở Hà nội và THCM, chúng ta sẽ thấy xót xa cho lực lượng lao động trẻ, mà phần lớn trong đó có trình độ cao đẳng, đại học.
Nếu xét theo tiêu chí thành công của sinh viên là có việc làm tương xứng khi ra trường, nghĩa là đúng chuyên môn, đúng thu nhập, đây là thất bại không hề nhỏ của sinh viên, trường đại học và của cả hệ thống.
Dĩ nhiên có trường hợp lỗi phần lớn là ở sinh viên như không chủ động trong quá trình học, không biết phát triển những kỹ năng, mối quan hệ, tận dụng những lợi thế của trường... nhưng quan trọng hơn là ở việc xây dựng và thực thi chính sách.
Trước hết là việc đánh giá, dự báo nhu cầu lao động của thị trường để từ đó có chiến lược, kế hoạch đào tạo cung cấp nguồn nhân lực. Rất khó, nếu như nói là không thể, để phụ huynh và bản thân các em học sinh bắt đầu vào cấp III biết được ngành nào cần bao nhiêu lao động trong 5, 10 năm tới, chứ đừng nói đến 20, 30 năm.
Việt Nam xem chuyển đổi số, kinh tế số là chiến lược quan trọng của đất nước nhưng việc đào tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta có 237 trường đại học, tính ra mỗi tỉnh, thành có gần 4 trường đại học. Nhưng phần lớn trường đào tạo các ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Việc đào tạo các ngành liên quan đến khoa học, ứng dụng, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng rất mỏng manh. Chương trình đào tạo của nhiều trường chậm thay đổi để theo kịp xu hướng của việc chuyển đổi dần sang nền kinh tế số.
Các chương trình đào tạo kỹ sư có chất lượng có số lượng sinh viên rất ít so với tổng số sinh viên đăng ký cả nước. Các ngành công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa không đáp ứng đủ nhu cầu lao động có kiến thức và kỹ năng cho thị trường.
Các ngành quản trị kinh doanh, tài chính, marketing của nhiều trường vẫn chưa lồng ghép các ứng dụng của công nghệ vào chương trình học. Thí dụ, ngành marketing hay tài chính, sinh viên cần có lượng kiến thức nhất định về lập trình để làm việc với dữ liệu lớn.

Vai trò và trách nhiệm
Thực trạng lao động trẻ chưa hòa vào dòng chảy công nghệ, các bên từ sinh viên (bao gồm cả phụ huynh), nhà trường và các cơ quan của chính phủ, đều có phần trách nhiệm. Nhưng quan trọng nhất là các chính sách và công cụ cần thiết để thực hiện và điều chỉnh.
Đầu tiên phải đề cập đến là vai trò quan trọng của Bộ LĐ-TB và XH cùng với Bộ GD-ĐT. Trách nhiệm của 2 bộ này là dự báo nhu cầu lao động và đào tạo cung cấp nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thiếu các nghiên cứu, đánh giá bài bản khoa học, không thể dự báo hay điều chỉnh cập nhật dự báo. Từ đó, bên đào tạo sẽ không biết ưu tiên đào tạo các ngành nghề gì, số lượng bao nhiêu, trình độ thế nào.
Thí dụ, lĩnh vực tự động hóa, cần bao nhiêu lao động ở trình độ kỹ thuật viên, tức ở mức trung cấp/cao đẳng, bao nhiêu kỹ sư hay nhà nghiên cứu để làm nghiên cứu và phát triển (R&D). Bộ GD-ĐT cũng cần đẩy mạnh xu hướng tự chủ cho các trường đại học, việc phân bổ ngân sách cần dựa trên các chỉ tiêu hiệu quả có đánh giá định kỳ, từ đó các trường sẽ tự biết điều chỉnh như thế nào cho phù hợp.
Tiếp đến là vai trò của Bộ KH-CN trong việc định hướng, phối hợp, hỗ trợ các chính sách trong thẩm quyền của mình. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo do bộ này chủ trì, nhưng cần phải bám sát nhu cầu và khả năng của xã hội, của doanh nghiệp.
Một rủi ro lớn là do công nghệ phát triển nhanh, nhiều khi vì nôn nóng theo xu hướng thế giới mà quên đi xuất phát điểm của mình, chạy theo hình thức và phong trào, không để ý rằng công nghệ đó có khả năng áp dụng rất hạn chế với điều kiện hiện có.
Bộ Tài chính cũng có nhiều vai trò trong việc thúc đẩy sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích về thuế. Hỗ trợ chi phí thực tập của sinh viên, hoàn thuế (tax credit) đối với các hoạt động R&D được công nhận, ưu đãi thuế trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia cấp cao… sẽ là những xúc tác quan trọng để kết nối nhiều hơn lao động trẻ với công nghệ.
Cuối cùng, bản thân người học cũng cần có sự chuẩn bị của riêng mình. Ngay cả khi nhu cầu thị trường đã có, chương trình đào tạo đã sẵn sàng nhưng bản thân không nỗ lực, không thích ứng cũng không thể trách vì sao mình bị nằm ngoài dòng chảy, nếu có trách hãy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. 

Các tin khác