Đa dạng hóa đầu vào cho sản xuất

(ĐTTCO)-Dịch nCoV (Covid-19) không chỉ ảnh hưởng đến các ngành du lịch hay xuất khẩu nông sản, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và DN FDI cũng đang đứng ngồi không yên do thiếu nguyên phụ liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Câu chuyện chuỗi cung ứng lại được nói đến khẩn thiết. ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM VIỆT ANH, chuyên gia tư vấn chiến lược tăng trưởng DN, xung quanh vấn đề này.
Ngành dệt may đang quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Ngành dệt may đang quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
PHÓNG VIÊN: - Ngày 10-2, Hiệp hội các DN KCN TPHCM đã gửi văn bản “hỏa tốc” tới Thủ tướng và các bộ, ngành kiến nghị có giải pháp cấp bách cho hàng hóa lưu thông giữa Việt Nam và Trung Quốc do thiếu nguyên phụ liệu, linh kiện sản xuất. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của chuỗi cung ứng, thưa ông? 
Ông PHẠM VIỆT ANH: - Chuỗi cung ứng quyết định thành bại việc hoạch định chiến lược. Trên thực tế các chuỗi cung ứng có thể chiếm đến 80% chi phí của tổ chức. Ở các công ty sản xuất nó chiếm đến 60% giá trị tài sản là hàng tồn kho, nhà máy, kho bãi, xe cộ… và các tài sản khác nằm trong chuỗi.
Thậm chí, với một số công ty chất lượng nguồn cung nguyên liệu đầu vào quyết định đến tăng trưởng, cho thấy chuỗi cung ứng là yếu tố quyết định. 
Trước nay Việt Nam xuất siêu đi Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc. Chúng ta nhập chủ yếu các nguyên vật liệu trung gian sản xuất, và về bản chất Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công (thâm dụng lao động), giá trị gia tăng được hưởng không nhiều.
Khi Covid-19 bùng phát ngay lập tức ảnh hưởng tới sản xuất của Việt Nam, bởi ngay cả các DN FDI lớn như Samsung cũng nhập linh kiện từ Trung Quốc. Mấu chốt của vấn đề là do mình chưa phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó dễ nảy sinh những rủi ro lớn. 
Trong bối cảnh thiếu nguyên liệu và linh kiện sản xuất hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng các DN có thể chuyển hướng nhập khẩu từ những thị trường cung ứng khác. Theo quan điểm của tôi, chúng ta nhập khẩu từ nước nào cũng được nhưng cần quan tâm đến tính cạnh tranh.
DN có thể nhập linh kiện, nguyên liệu từ một nguồn khác thay thế Trung Quốc trong ngắn hạn với giá cao hơn, nhưng về lâu dài không thể cạnh tranh được. Bởi nguyên tắc của nền kinh tế gia công là giá rẻ. Nếu tìm nguồn thay thế khác nó phải cạnh tranh về giá so với hàng Trung Quốc. 
Giả sử Trung Quốc thay đổi cơ cấu từ một công xưởng sản xuất giá rẻ sang những cấp cao hơn, những nước phát triển công nghiệp phụ trợ sau có thế mạnh như Ấn Độ ở một số ngành, hay Bangladesh về nguyên phụ liệu dệt may… có thể thay thế được và mình chuyển hướng vẫn mua được nguyên phụ liệu giá rẻ.
Trong trường hợp Trung Quốc không chuyển đổi, về lâu dài chúng ta vẫn phải quay lại mua hàng từ quốc gia này vì yếu tố giá rất quan trọng. Còn nếu chúng ta có thể chủ động được trong nước thì quá tốt, vì dù có nhập khẩu ở quốc gia nào cũng mang tính phụ thuộc. 
- Có phải DN Việt Nam không nhìn ra vấn đề do quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, thưa ông?
- Thực tế hiện đã có DN chuyển hướng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu để đảm bảo ổn định sản xuất. Nhưng để nhiều hơn DN tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ, Nhà nước có những chính sách khuyến khích cụ thể, tức đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ Nhà nước và các bộ ngành, bởi đây không phải là câu chuyện mới, nó đã được nói rất nhiều trong những năm qua.
Thế nhưng ngay cả ngành phụ trợ ngành ô tô, xương sống của ngành công nghiệp hỗ trợ, cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng một lần nữa cho thấy chúng ta phải đa dạng hóa đầu vào và cả đầu ra. 
Hiện nay chúng ta đang xuất siêu vào Mỹ, được hưởng lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế phải chuyển hướng qua các thị trường khác như EU hay các thị trường có các FTA với Việt Nam.
Riêng các FTA chúng ta phải khẳng định nếu không tận dụng được sẽ khiến DN bất lợi. Vì mặt trái của tự do thương mại chính là tiệt triêu sản xuất. Hàng nhập khẩu vào dễ trong khi hàng trong nước không cạnh tranh được DN trong nước sẽ thất bại.  
- Khi nhiều ngành hàng, DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19, việc tái cơ cấu lại được nhắc đến, thưa ông? 
 Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chúng ta không thể làm toàn bộ quy trình sản xuất, nhưng phải có nền công nghiệp phụ trợ tối thiểu để đối trọng. Thí dụ có thể tự cung ứng được 50-60% nguyên phụ liệu, còn việc phần lớn phải nhập khẩu như hiện nay thực sự đáng quan ngại. 
- Nói đơn giản nhưng thực tế không dễ. Thí dụ, ngành du lịch nhắc đến tái cơ cấu nguồn khách, nhưng chúng ta làm sao cấm được khách Trung Quốc đến du lịch. Điều cần thiết là tạo thêm chính sách khuyến khích khách từ các quốc gia khác.
Cụ thể, sau dịch ngành du lịch nên miễn visa cho toàn bộ du khách trong EU, nhất là khi EVFTA chính thức được EU thông qua, Chính phủ nên bỏ visa du lịch có điều kiện cho du khách châu Âu ở những quốc gia còn lại. 
Hiện Việt Nam mới miễn visa 15 ngày có điều kiện cho du khách 10 nước Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Phần Lan, Đức, Pháp, Anh, Italia và Tây Ban Nha. Nay miễn luôn 17 nước còn lại trong EU sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất tốt cho ngành du lịch và liên quan đến du lịch, góp phần vào việc phục hồi hậu quả kinh tế hậu Covid-19. 
Ở EU chính phủ và truyền thông có cái nhìn về hậu quả của Covid-19 không nghiêm trọng như những quốc gia khác, đó là điểm thuận lợi ngành du lịch Việt Nam có thể khai thác quảng bá về những kết quả tích cực hậu dịch. Theo đó, các chương trình tiếp thị điểm đến cần được triển khai cùng lúc với việc đưa ra những chính sách khuyến mại giá phòng lưu trú của ngành khách sạn.
Điều cần lưu ý, sau Covid-19 trong ngắn hạn, việc nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất của Trung Quốc có thể khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước dễ chịu hơn, nhưng cũng gia tăng áp lực nhập siêu, tỷ giá hối đoái và lạm phát hơn, cũng như trong lâu dài là gia tăng sự lệ thuộc đầu vào từ phía Trung Quốc.
Đây là bài toán lâu dài Chính phủ cần giải quyết. Trước mắt phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ và điều chỉnh chính sách thu hút FDI phẩm chất cao hơn. Điều kiện cần và đủ là chuẩn bị sẵn sàng các cơ chế bù đắp xã hội khi chuyển đổi cơ cấu, đổi mới giáo dục và nâng chất lượng đào tạo nghề, nâng mức tự do hóa thị trường tài chính, nhằm đa dạng hóa nguồn vốn quốc tế bổ sung cho nhu cầu tăng trưởng.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác