Chuyển đổi số lối thoát mùa dịch Covid-19

(ĐTTCO) - Đơn hàng xuất khẩu giảm sút, hội chợ triển lãm quốc tế bị hủy không thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm với đối tác… Để tìm lối thoát trong bối cảnh khó khăn này, nhiều DN, hiệp hội đã biến câu chuyện chuyển đổi số từ lý thuyết thành hành động thực tế.  
Triển lãm ảo - kết nối thật
Ngày 7-8, nền tảng triển lãm trực tuyến với tên gọi HOPE (HAWA online Platform for Exhibition) được phát triển bởi Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), đã chính thức ra mắt. Đây là nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên phục vụ tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam. Trên nền tảng này các nhà sản xuất có thể mở showroom ảo, trưng bày sản phẩm, đồng thời nắm được hành trình thăm quan triển lãm ảo của khách hàng, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp. Khách hàng toàn cầu có thể tham quan showroom, tìm kiếm sản phẩm, tìm hiểu chi tiết với hình ảnh phối cảnh 3D, khi cần liên hệ trực tiếp với người bán thông qua công cụ có sẵn trên nền tảng. Để có showroom ảo trên nền tảng này, DN chỉ mất khoảng 10 triệu đồng. 
Chuyển đổi số lối thoát mùa dịch Covid-19 ảnh 1 Quy cách một công nghệ thực tế ảo để người mua xe hàng thật 3D.
Đây được xem là bước đi linh hoạt của HAWA nhằm hỗ trợ DN duy trì kết nối với người mua toàn cầu và cả phát triển thị trường nội địa. Thông thường, để giới thiệu sản phẩm với khách, DN chụp ảnh, quay phim sản phẩm gửi đi. Song với hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm DN không thể làm xuể. Cái DN gửi chưa chắc khách đã cần, cái khách cần có khi DN lại không nghĩ tới để gửi. Nhưng với showroom ảo, tất cả sản phẩm đều hiện diện đầy sống động. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, khẳng định HOPE không chỉ là giải pháp tạm thời trong dịch, mà sẽ là hướng đi lâu dài đón đầu xu hướng thay đổi cách tiếp thị, kinh doanh trong nền kinh tế số. Hiện tại đã có 50 DN tham gia nền tảng này, HAWA kỳ vọng sẽ có nhiều DN tham gia trong thời gian tới. 
Cũng trong vai trò hỗ trợ DN bán hàng trong nước và nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có nhiều hành động kịp thời cùng DN thoát khó giữa bão dịch. Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, từ đầu năm đến nay Cục đã tổ chức 20 hoạt động trực tuyến, trong đó có 13 hoạt động giao thương online, 7 hội thảo cung cấp thông tin về thị trường. “Hoạt động online không hiệu quả bằng offline khi chúng ta gặp trực tiếp khách hàng, nhưng cũng có thể cung cấp thông tin thị trường và tiếp tục duy trì quan hệ tìm kiếm khách hàng giữa DN Việt Nam và nước ngoài. Thời gian tới, Cục sẽ làm việc với các hiệp hội, DN nhằm tổ chức nhiều hội chợ online. Song để những hội chợ ảo này hiệu quả, các DN cần có sự đầu tư bài bản, cần có những con người có tư duy chuyển đổi số” - bà An chia sẻ. 

Đẩy mạnh xuất khẩu qua sàn
Song hành với ứng dụng công nghệ số để tiếp thị, duy trì kết nối với khách hàng, việc đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng được nhiều DN quan tâm. Một số DN còn đặt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu cao hơn năm ngoái. Chia sẻ tại diễn đàn chuyển đổi số để xuất khẩu mới đây, bà Trần Hoài Tú, Giám đốc Công ty Thạch Bàn, cho biết để tiếp cận khách hàng nước ngoài, công ty tham gia nền tảng alibaba.com; năm 2019 sản lượng xuất khẩu chiếm 13% và kế hoạch của 2020 xuất khẩu chiếm 20% tổng sản lượng. Nói thêm về việc này, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling, cho biết có DN khi tham gia bán hàng trên amazon chỉ có 2 thành viên, nhưng sau mấy năm đã có 4-5 nhà máy sản xuất và xuất khẩu hàng đi hơn 30 quốc gia.  
Theo thống kê của alibaba.com hiện có 600.000 sản phẩm của nhà cung cấp Việt Nam trên nền tảng này và mỗi tháng có khoảng 50.000 yêu cầu báo giá từ khắp nơi trên thế giới. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các sàn TMĐT quốc tế như alibaba.com hay amazon gia tăng cả lượng khách hàng ghé thăm, mua hàng lẫn số lượng người bán hàng mới. Cụ thể, với alibaba.com lượng khách hàng ghé thăm hàng ngày ở một số thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ gia tăng 36-46%, yêu cầu báo giá của khách hàng tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đã có thêm 15% người bán hàng mới tham gia sàn. Theo một số dự báo, doanh thu của TMĐT thế giới có thể đạt con số 3.300 tỷ USD trong năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, doanh số này có thể hoàn thành trong năm 2020. 
Tiềm năng là thế, nhưng DN cứ đưa hàng lên sàn TMĐT là mang về hiệu quả tăng trưởng xuất khẩu? Câu trả lời là không. Để bán hàng hiệu quả DN phải đầu tư vì đây là con đường dài. Giữa hàng triệu, chục triệu sản phẩm từ nhiều quốc gia trên các sàn TMĐT, làm sao để hàng hóa của mình thu hút người mua không hề dễ. DN phải đầu tư từ hình ảnh sản phẩm, cách thức đăng tải sản phẩm và sử dụng từ khóa sao cho thu hút. Đó là chưa kể DN cần biết cách sử dụng công cụ và các nguồn lực sẵn có các sàn TMĐT cung cấp để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Thậm chí DN có thể phát triển những dòng sản phẩm dành riêng cho sàn TMĐT. 
Với thế mạnh là quốc gia sản xuất, hiện các sàn TMĐT lớn trên thế giới đều có những chương trình hỗ trợ DN Việt Nam tham gia bán hàng xuyên biên giới, trên nền tảng của mình, như amazon kết hợp cùng Bộ Công Thương triển khai chương trình tư vấn, đào tạo cho 300 DNNVV. Hay alibaba.com đang triển khai 3 phương án hỗ trợ DN, những đơn vị lần đầu tiên bán hàng trên nền tảng này. Song yếu tố quyết định vẫn là sự quyết tâm của chính DN. Có thể thấy TMĐT là trụ cột quan trọng của kinh tế số, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết như CPTPP hay EVFTA đều có chương về TMĐT. Vì thế, đã đến lúc DN cần có sự đầu tư bài bản trong chuyển đổi số.  
 Tương lai sẽ thuộc về DN có quyết tâm chuyển đổi số. Nơi họ không chỉ có phòng chuyển đổi số, các giám đốc chuyển đổi số sẽ là cánh tay phải đắc lực cho chủ DN.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam 

Các tin khác