Chủ tịch VCCI: Khác biệt ở các địa phương nằm ở chất lượng điều hành

(ĐTTCO)-Kết quả PCI 2019 cho thấy về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Chủ tịch VCCI: Khác biệt ở các địa phương nằm ở chất lượng điều hành

“Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị [vị trí trung bình-pv] cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy hoạt động cải cách đã đồng điệu hơn ở các địa phương.”

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban chỉ đạo PCI trao đổi với báo chí nhân dịp công bố PCI 2019, ngày 5/5.

Xu hướng cải cách tích cực

Theo ông Lộc, kết quả PCI 2019 cho thấy về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Tại báo cáo năm nay, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực về cải cách thể chế của các chính quyền địa phương, bao gồm sự năng động-sáng tạo, công tác giải quyết khó khăn vướng mắc, môi trường kinh doanh bình đẳng, tính minh bạch được cải thiện, cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, cải cách hành chính được đẩy mạnh...

Báo cáo cho thấy bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn, khi 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền.

“Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy, có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Xu hướng khởi nghiệp gia tăng, chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đó là những con số của niềm tin,” ông Lộc nhấn mạnh.

Vẫn còn những "gam màu xám"

Bên cạnh những điểm sáng đạt được, báo cáo PCI 2010 chỉ ra những "gam màu xám” vẫn chưa được cải thiện triệt để tại các địa phương.

“Báo cáo cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn quan ngại về việc các tỉnh thành phố đứng ở cuối bảng xếp hạng thì nay đã có nhiều nỗ lực vượt lên. Tuy nhiên, những địa phương luôn đứng ở các vị dẫn đầu được ví như ‘những ngôi sao cải cách’ lại chưa có được bứt phá đáng kể trong những năm gần đây.

Điều này cho thấy hành trình cải cách mới chỉ dừng lại ở những việc làm còn tương đối dễ dàng, do đó rất cần có thêm những động lực mới cho cải cách từ cơ sở cũng như nâng trần thể chế ở cấp trung ương,” ông Lộc nói.

Cụ thể, 59% doanh nghiệp chia sẻ gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch, 43% doanh nghiệp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư, 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp dân doanh nhìn chung vẫn chưa được cải thiện, những khó khăn thường gặp trong các hoạt động kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%).

Ông Lộc cho rằng những khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới, bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch bệnh COVID-19. Hiện, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản.

“Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương,” ông Lộc nói.

Chìa khoá tạo khác biệt

Năm 2020 đánh dấu 15 năm thực hiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với những ghi nhận chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ông Lộc chia sẻ sản phẩm PCI không quan trọng ở bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà là những bài học kinh nghiệm, những mô hình, công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ. Bên cạnh đó, những dư địa cải cách đã được phát hiện và PCI cũng chỉ ra những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền với kỳ vọng của người dân.

“Quan sát thực tiễn kinh tế ở nước ta vào đầu những năm 2000, chúng tôi thấy một điều thú vị: Trong khi các điều kiện về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, tài nguyên và nguồn nhân lực ở một số địa phương là khá tương đồng, nhưng thành quả phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư... lại rất khác nhau. Do đó, chìa khoá tạo nên sự khác biệt là chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương,” ông Lộc nhấn mạnh.

Các tin khác