Cần quản lý nhà nuôi yến tự phát

(ĐTTCO) - Bỏ ra hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư đang là phong trào thu hút người dân ở nhiều địa phương. Hiệu quả chưa biết như thế nào, trong khi tiếng ồn từ loa dẫn dụ yến đang phá vỡ không gian yên tĩnh ở các vùng quê. 
Đó là thực tế đang diễn ra ở các tỉnh Đông Nam bộ, rất cần có giải pháp để giúp nghề nuôi yến phát triển theo hướng bền vững và người dân có thể làm giàu từ nghề này. 
Nhà nhà nuôi yến
Là tỉnh vùng biên, những năm gần đây, Tây Ninh nở rộ nghề nuôi chim yến, người người đầu tư nhà yến, nhà nhà mở các dịch vụ phụ trợ đi kèm như xây dựng nhà yến, cung ứng nội thất, máy móc thiết bị phục vụ cho chim yến. Nếu năm 2017, Tây Ninh chỉ có 17 nhà yến thì 1 năm trở lại đây số nhà yến tăng nhanh, hiện nay lên 231 nhà, tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu và thị xã Trảng Bàng. Tuy nhiên số nhà yến trên thực tế có thể đến gần 600 và người nuôi có cả công chức, viên chức nhà nước.
Bà Mỹ, một người dân tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu làm nghề trồng trọt, chưa biết gì về chim yến, nhưng khi thấy bạn bè đầu tư xây nhà yến, bà cũng lập tức cho đất để con trai xây nhà nuôi yến. “Tôi chả biết kỹ thuật, bán buôn lời lãi gì khi nuôi yến, nhưng thấy người ta nuôi rần rần, tôi cũng bảo con cái cứ nuôi thử, mọi việc giao phó cho chúng nó hết”, bà Mỹ chia sẻ. 
Cần quản lý nhà nuôi yến tự phát ảnh 1 Một nhà yến ngay khu dân cư trung tâm thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước
Ảnh: VĂN PHONG
Giá trọn gói một nhà yến tùy thuộc vào diện tích và lượng sàn nhiều hay ít, thiết bị công nghệ dẫn dụ chim yến. Một nhà yến hoàn chỉnh gồm xây dựng phần thô và lắp đặt thiết bị, dao động từ 760 triệu đồng đến hơn 3 tỷ đồng. Chị Tô Thị Nhựt, nhân viên tư vấn thuộc Công ty TNHH Yến sào Asiannest, bật mí: “Thiết kế nhà yến, giàn loa cơ bản giống nhau, nhưng tay nghề hơn nhau ở công nghệ siêu sạch, không ồn, cách đi đường loa, điều chỉnh âm thanh loa, hướng đặt loa, độ ẩm, ánh sáng, xử lý mùi như thế nào”. 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 5-2020, trên địa bàn tỉnh có 491 cơ sở nuôi yến với 495 nhà yến,  tổng đàn gần 532.000 con. Sản lượng tổ chim yến khoảng gần 2 tấn/năm, tăng hơn 5 lần về số cơ sở và gần 3 lần về diện tích so với năm 2016.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, nhiều địa phương có số cơ sở nuôi yến phát triển nhanh, như: huyện Dầu Tiếng tăng 132 cơ sở mới, diện tích tăng gần 24.000m2; huyện Bàu Bàng tăng 53 nhà nuôi yến, diện tích tăng hơn 14.000m2, Thị xã Bến Cát có thêm 60 cơ sở mới, diện tích tăng gần 14.000m2... Dù phát triển khá rầm rộ nhưng các cơ sở nuôi chủ yếu là hộ gia đình, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hiện chỉ có Công ty TNHH Vườn bách thú Đại Nam, do đó việc quản lý, phòng chống dịch bệnh có rất nhiều khó khăn. 
Còn tại tỉnh Bình Phước, nếu như năm 2014 toàn tỉnh có hơn 100 hộ nuôi yến thì đến nay là khoảng hơn 300 hộ, tập trung chủ yếu ở TP Đồng Xoài, các huyện Bù Gia Mập, Chơn Thành, Đồng Phú và nhiều nhất là Thị xã Phước Long (với hơn 200 hộ).
Anh Lê Thanh Phước, một người nuôi yến ở thị xã Phước Long, cho biết, tổ yến có giá trị kinh tế cao, với giá bán từ 35-40 triệu đồng/kg nên nhiều hộ dân đầu tư tiền tỷ với mong muốn trở thành tỷ phú từ nghề nuôi chim yến. Tuy nhiên không phải ai xây nhà nuôi yến cũng thành công, bởi có nhiều trường hợp đầu tư xây nhà bạc tỷ mà không dẫn dụ được đàn yến vào ở hoặc yến vào ở rồi lại bỏ đi.
Hỗ trợ di dời ra khỏi khu dân cư
Các hộ dân sống gần nhà yến tại TP Đồng Xoài nhiều lần phản ánh đến chính quyền về tình trạng nuôi chim yến ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch như hiện nay. Tiếng ồn phát ra từ loa dẫn dụ chim yến mở suốt ngày đêm, chưa kể đến ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh từ phân và lông chim yến rơi vãi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 
Tại tỉnh Tây Ninh, đến nay chỉ có 2 cơ sở có khai báo và được sự chấp thuận về chủ trương của UBND Thị xã Trảng Bàng, các hộ, cơ sở còn lại không có hồ sơ, giấy tờ xin phép nuôi, gồm đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn sinh học...
Một số hộ xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng tự cải tạo làm nhà nuôi yến, hoặc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư và phát loa dẫn dụ chim yến vượt mức quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ xung quanh. Để chấn chỉnh vấn đề này, ngày 8-11-2019, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Chỉ thị số 09 về việc tăng cường quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Hiện các huyện, thị đang rà soát kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở nuôi yến trên địa bàn bổ sung đầy đủ hồ sơ, nếu vẫn không đảm bảo thì tiến hành xử lý theo quy định.
Về phía tỉnh Bình Dương, Sở NN-PTNT vừa xây dựng xong dự thảo quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh ban hành. Dự thảo quy định khu vực thuộc nội thành của TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực khu dân cư, dự kiến sẽ được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua vào kỳ họp cuối năm 2020.
 Bà Đỗ Tú Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cảnh báo, cả nước hiện có gần 12.000 nhà yến, trong đó Khánh Hòa là tỉnh có nhà yến tăng nhanh nhất (tăng 4,9 lần) và Kiên Giang là tỉnh có nhà yến nhiều nhất (với 2.025 nhà). Số nhà yến nhiều, đồng nghĩa số lượng chim yến về sẽ ít, khó dẫn dụ. Nếu muốn xuất khẩu sản phẩm yến sào phải đạt tiêu chuẩn “nhà yến Việt Nam uy tín” và giấy tờ pháp lý đầy đủ. Do đó cần có sự quy hoạch, tạo đầu ra cho sản phẩm để phát triển bền vững nghề nuôi yến. 

Các tin khác