Bài học bảo vệ thương hiệu Việt

(ĐTTCO)-Từ khi bắt đầu tiến trình đổi mới, nhất là mấy năm gần đây nhảy vọt về hội nhập, nước ta đã ráo riết xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm Việt. Nhiều sản phẩm đã thành danh, góp phần tôn vinh vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Song vẫn cảm thấy xót xa vì số phận của thương hiệu Việt còn long đong.
Bài học bảo vệ thương hiệu Việt
Năm 1982, nước mắm Phú Quốc nổi tiếng của Việt Nam đã bị Công ty Việt Hương Fishsauce của Mỹ “lấy mất”. Từ đó, cơ quan đăng ký nhãn hiệu Mỹ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc độc quyền tại Mỹ rồi lần lượt tại Cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc và Australia.
Hình ảnh thương hiệu Công ty Việt Hương đăng ký bảo hộ chính xác là có chữ “Phú Quốc” kèm logo là hình con cá cơm và bản đồ Việt Nam, có vẽ dấu hiệu chỉ đến vị trí huyện đảo Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang.  
Từ năm 1997, Công ty Vinamit bắt đầu đưa mít sấy khô với thương hiệu Đức Thành sang Đại lục và đã đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu Đức Thành tại Trung Quốc. Nhưng do chỉ đăng ký bằng tiếng Việt, không đăng ký bằng tiếng Hán, nên bị chính nhà phân phối của mình đăng ký độc quyền thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Hán.
Nhà phân phối này đã khống chế thị trường của Đức Thành và nhanh chóng cho ra sản phẩm tương tự. Phải mất 3 năm theo kiện, Vinamit mới đòi lại được thương hiệu của mình. 
Gạo ST25 hay còn được gọi là gạo thơm Sóc Trăng, là kết quả nghiên cứu suốt 20 năm của kỹ sư Hồ Quang Cua. Từ việc tuyển chọn hạt giống đến gieo trồng đều tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt của quy trình sản xuất gạo Organic, để cho ra hạt gạo cao sản sạch và an toàn sức khỏe.
Chất lượng của gạo ST25 đã được công nhận trên trường quốc tế khi xuất sắc đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới 2019” trong cuộc thi tại Philippines, giành giải nhì tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2020” tổ chức tại Mỹ.
Đó là “quả chín đầu mùa” của Quyết định 706/QĐ-TTg (ngày 21-5-2015) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”. Thời hội nhập, các doanh nghiệp đều thấu hiểu việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ luôn mang tính sống còn.
Những tưởng với ST25 gạo Việt sẽ thăng hoa, sự tưởng thưởng xứng đáng cho vị thế top 3 thế giới về xuất khẩu gạo và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng thế giới về an ninh lương thực.
Nhưng “đang vui thì đứt dây đàn”, 5 doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (chứa tên gạo ST25) tại thị trường Mỹ, theo Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ (USPTO). Các hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 “đang kiểm tra”, tuy nhiên một hồ sơ sắp được chấp thuận bảo hộ thương hiệu ST25.
Tiếp đến, một doanh nghiệp tại Australia, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 là “gạo ngon nhất thế giới”. Hồ sơ xin bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp này đang được Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Australia (IP Australia) thẩm định.
Cứ tưởng đoạt giải thương hiệu quốc tế lừng danh này, giành danh hiệu cao quý kia là xong. Cũng cứ tưởng ban hành Chỉ lệnh về thương hiệu gạo là “ba quân sẽ ào ào ra trận”, chỉ việc ngóng chờ thành tích dâng lên. Ai dè…
Để xảy ra cơ sự này lẽ nào lại là “trọng tội” của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí - con trai ông Cua, đã trót “đẻ” ra gạo ST25? Ông đã cặm cụi 20 năm thai nghén sinh ra gạo ST25 cớ sao không tự làm khai sinh cho nó? Bằng không, con ông phải mò mẫm dù tốn sức, mất tiền chạy tới các cửa quan để được tận tình chỉ bảo làm thương hiệu cho gạo.
Cơ quan chức năng cho rằng họ chỉ ra văn bản, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng, bảo vệ thương hiệu… không bao giờ làm thay doanh nghiệp.
Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp tự tung ra sản phẩm cũng tự tác thành thương hiệu và gồng mình bảo vệ nó. Miếng ngon bỏ bê giữa chợ, báu vật vất vưởng lề đường, không ai bưng rước mới lạ.
Âu đây cũng là bài học đắt giá cho cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp Việt khi bảo vệ thương hiệu của mình.

Các tin khác