Vốn vẫn đổ vào chứng khoán Việt Nam

(ĐTTCO)-Khó khăn do dịch Covid-19 vẫn chưa đi qua, thậm chí đang ở phía trước, nhưng TTCK vẫn vững vàng đi lên nhờ sức mua không biết mệt mỏi của NĐT. Sự bùng nổ dòng tiền cũng là nguyên nhân khiến hệ thống giao dịch của HOSE bị “treo” trong đợt khớp lệnh cuối cùng của ngày 9-6 vừa qua.
Vốn vẫn đổ vào chứng khoán Việt Nam
NĐT nội làm chủ cuộc chơi
Sau khi bất ngờ tăng mạnh trong tháng 4, diễn biến của TTCK trong tháng 5 và những phiên giao dịch đầu tháng 6 tiếp tục khởi sắc. Thậm chí, mức tăng của VN Index tốt hơn so với một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Diễn biến tích cực của TTCK không chỉ được thể hiện trên sàn HOSE, mà chỉ số của sàn HNX và UPCoM cũng tăng lần lượt 2,8% và 5,4% cùng với thanh khoản cao trong tháng 5.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường được đo lường bởi giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình hàng ngày trong những phiên giao dịch gần đây luôn đạt hơn 7.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên gần 10.000 tỷ đồng.
Khối ngoại sau chuỗi bán ròng mạnh những tháng đầu năm đã giao dịch tích cực hơn. Khối ngoại đã chủ động cơ cấu lại danh mục đầu tư khi kết hợp cả hoạt động bán và mua trong kỳ này, đã giúp thị trường bớt áp lực so với 2 tháng gần đây.
Động thái tích cực nhất đến từ khối ngoại có lẽ là việc họ liên tục bỏ tiền vào các ETFs nội mới của thị trường, như FUEVFVND (mô phỏng chỉ số VN Diamond) và FUESSVFL (mô phỏng chỉ số VN Fin Lead). 
Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), FUEVFVND và FUESSVFL ETF đã phát hành mới lần lượt 47,8 và 20,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 780 tỷ đồng trong tháng 5.
Trong khi FUESVFVND ETF chứng tỏ được sức hút của mình khi mà mới chỉ lên sàn từ giữa tháng 5, còn FUESSVFL ETF đã phần nào thu hút được NĐTNN sau 2 tháng niêm yết.
Điểm tích cực khác là lo lắng về việc ETF nội lớn nhất thị trường E1VFVN30 ETF có thể bị NĐT rút ra để chuyển sang các ETFs nội mới, đã phần nào được gỡ bỏ khi ETF này phát hành mới và mua lại chứng chỉ quỹ khá cân bằng trong kỳ này. 
Có thể nói, TTCK tăng mạnh hơn kỳ vọng nhờ sự tham gia mạnh mẽ của NĐT trong nước, cũng như áp lực bán ròng từ NĐTNN giảm. Tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân trong nước và tổ chức nước ngoài đạt lần lượt 77% và 15% trong tháng 5 so với mức trung bình 72% và 17% trước đó.
Theo thống kê, kể từ đầu năm 2020 đến nay, đã có thêm 128.347 tài khoản cá nhân mới, nâng tổng số NĐT cá nhân lên gần 2,5 triệu tài khoản.
Theo các chuyên gia CK, sự tham gia tích cực của NĐT trong nước bên cạnh những tiến triển khả quan của việc kiểm soát dịch bệnh, còn có sự hỗ trợ lớn từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đặc biệt, trong giai đoạn nhu cầu vốn của nền kinh tế chưa cao do hoạt động sản xuất trì trệ, khiến các quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn đang đóng cửa. Cụ thể, vào đầu tháng 5, NHNN đã giảm tiếp 50 điểm cơ bản các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cũng giảm từ 4,75% về 4,25%.
Lãi suất huy động giảm đã làm tăng thêm tính hấp dẫn cho TTCK vốn đang giảm về mức hấp dẫn nhất trong 4-5 năm qua. Lãi suất cho vay ký quỹ của các CTCK theo đó cũng có nhiều gói ưu đãi hơn, đặc biệt đối với các tài khoản mở mới. Ước tính, dư nợ ký quỹ thời điểm hiện tại đã tăng khoảng 15% so với đầu tháng 5.
Trong khi đó, lực cầu từ khối ngoại sẽ chủ yếu đến từ các ETF mới, đã giải quyết phần nào bài toán giới hạn sở hữu nước ngoài hiện nay. Riêng FUEVFVND cho thấy sức hút sau khi niêm yết, khi quy mô tài sản của quỹ này đã tăng gấp 7 lần so với thời điểm IPO lên mức 725 tỷ đồng.
Hiện nay tổng tài sản của FUEVFVND chỉ bằng 12% tổng tài sản của quỹ E1VFVN30. Song song đó quỹ FUESSVFL đã bắt đầu thu hút được NĐT sau 2 tháng niêm yết, khi tổng tài sản của quỹ này tăng gấp đôi chỉ trong tháng 5 lên mức 451 tỷ đồng. 

Tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn
 Tài khoản mở mới trong những tháng gần đây phần lớn đến từ NĐT cá nhân, trong khi NĐT tổ chức và NĐTNN giảm mạnh. Điều này cho thấy dòng tiền đến với CK chủ yếu từ các NĐT cá nhân, trong bối cảnh NĐTNN mua/bán ròng đan xen.
Dù lực mua từ phía NĐT trong nước vẫn còn rất mạnh, nhưng dòng tiền từ những NĐT này đã bắt đầu mua bán có chọn lọc hơn, khi khối này bắt đầu luân phiên mua bán ròng trong tháng 5, thay vì mua ròng hoàn toàn trong các tháng trước đó. Thống kê cho thấy lượng tài khoản mở mới trong tháng 5 đã bắt đầu chậm lại. 
Ở khía cạnh cơ bản, thị trường đang tỏ ra đắt hơn so với giai đoạn đầu năm, khi lợi nhuận cơ bản dự phóng trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2020 được điều chỉnh giảm 4%, thay vì tăng 12% thời điểm đầu năm. Ngoài ra, với việc thị trường đã hồi phục 30% kể từ đáy tháng 3 và định giá CP không còn hấp dẫn, còn nhiều rủi ro NĐT cần lưu tâm.
Các rủi ro này chủ yếu từ bên ngoài, vốn chưa ảnh hưởng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế Việt Nam, nhưng có thể chi phối tâm lý của NĐT. Trước hết là diễn biến phức tạp của tình hình chính trị trên thế giới: căng thẳng Mỹ - Trung đang có dấu hiệu leo thang trở lại và biểu tình diễn ra rầm rộ ở Mỹ và các nước châu Âu. 
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), dòng tiền trên TTCK và các tài sản rủi ro xuất phát từ các NĐT cá nhân đang là bệ đỡ chính cho thị trường. Trong khi đó, NĐT lớn liên tục rút ra dưới dạng tiền mặt, hoặc đổ vào tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu chính phủ.
Do đó định giá của TTCK ngày càng cao xét theo P/E (giá CP tăng), trong khi các doanh nghiệp ngày càng khó khăn (EPS suy giảm). Việc TTCK đi ngược nền kinh tế diễn ra trong khoảng thời gian dài với tốc độ cao, là rủi ro lớn cho NĐT ngắn hạn. 
Bên cạnh đó HNX Index có xu hướng ngược chiều với VN Index giai đoạn gần đây, cũng là cảnh báo xấu (HNX Index giảm khi VN Index tăng và ngược lại). Vì thế, NĐT vẫn có thể vui khi kiếm được tiền nhưng đừng vui quá. Bởi khi thị trường chuyển biến xấu trở lại, dòng tiền không còn đủ để đỡ thị trường. 

Các tin khác