VNM rớt giá không vì tin đồn

(ĐTTCO)-Với sự chững lại về hoạt động sản xuất kinh doanh, mã CP VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) nằm trong kênh giảm giá trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, hiện tượng bình thường này lại bị gán ghép vào thông tin VNM sử dụng nguyên liệu kém chất lượng khiến NĐT bán tháo làm vốn hóa của doanh nghiệp “bốc hơi” hàng ngàn tỷ đồng.
Sản phẩm Vinamilk không còn là thế mạnh trong các kênh cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...
Sản phẩm Vinamilk không còn là thế mạnh trong các kênh cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...
Kênh giảm giá là chuyện bình thường
VNM khởi đầu năm 2019 với giá tham chiếu 120.000 đồng/CP. Cùng với diễn biến khởi sắc của TTCK những tháng đầu năm, VNM được đẩy lên mức 150.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 26-2.
Sau mức đỉnh này, VNM bước vào chuỗi điều chỉnh giảm và giao dịch ở mức giá từ 120.000-130.000 đồng/CP suốt từ tháng 3 đến nay. Nguyên nhân khiến cho VNM sụt giảm đến từ kết quả kinh doanh không như kỳ vọng của doanh nghiệp và động thái bán ròng của NĐTNN.
Trong xu thế bán ròng của khối ngoại, VNM luôn nằm trong nhóm các mã CP bị bán ra mạnh nhất. Đơn cử phiên giao dịch ngày 12-11, khối ngoại bán ròng 180 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó giá trị bán ròng của riêng mã VNM lên đến 173 tỷ đồng. Hay phiên giao dịch này 18-11, khối ngoại bán ròng 80 tỷ đồng chỉ duy nhất mã VNM.
Điều đáng nói là dù nằm trong kênh giảm giá kể từ ngày 26-2 đến nay, nhưng chưa bao giờ VNM ghi nhận mức giảm sàn (7%). Phiên giảm giá mạnh nhất là ngày 28-2 với mức giảm 4,47%. Từ dẫn chứng này cho thấy, mức giảm 2,63% trong phiên giao dịch ngày 2-12 (được cho do tin đồn) là hết sức bình thường.
Hơn nữa, với mã CP có vốn hóa lớn như VNM thì mỗi phiên sụt giảm khiến cho vốn hóa "bốc hơi” hàng ngàn tỷ đồng cũng không phải là hiện tượng bất thường như cách giựt tít của nhiều bài báo. 
Trong phiên giao dịch ngày 2-12, khi VNM giảm 3.200 đồng (tương đương 2,63%), nhiều tờ báo giựt tít “vốn hóa VNM bị mất hơn 5.500 tỷ đồng”, rồi giải thích sự sụt giảm này là do thông tin doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu kém chất lượng. 

Lợi nhuận không như kỳ vọng
Chi phí nguyên vật liệu chiếm trên 50% tổng chi phí sản xuất và kinh doanh của VNM. Điều này cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất của VNM trong tương lai. 
Theo báo cáo tài chính quý III-2019, doanh thu thuần của VNM đạt 14.290 tỷ đồng (tăng 4%), lợi nhuận ròng đạt 2.680 tỷ đồng (tăng 4,5%). Trong đó, doanh thu trong nước tăng 4,5% (đạt 11.630 tỷ đồng). Đây có thể xem là “bước lùi” của VNM, bởi thị trường nội địa vẫn là thị trường chủ lực với mức kỳ vọng tăng trưởng phải đạt từ 5-7%.
Thực tế, nếu không bao gồm tác động của việc tăng giá bán trung bình và doanh thu từ chương trình sữa học đường (bắt đầu ghi nhận trong quý IV-2018), sản lượng nội địa của VNM gần như không tăng trưởng so với cùng kỳ. 
Đáng chú ý là biên lợi nhuận gộp mảng sữa trong nước của VNM trong quý III giảm còn 47,7%, thấp hơn so với mức 48,8% quý III năm ngoái và mức 49,3% quý II. Nguyên nhân do chi phí nguyên liệu sữa tăng đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Với việc vẫn phải nhập khẩu bột sữa từ nước ngoài, chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung hay chi phí nguyên vật liệu nói riêng của VNM vẫn chịu ảnh hưởng từ biến động giá sữa quốc tế.
Trong giai đoạn 2014-2016, giá bột sữa nhập khẩu giảm cũng giúp cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp ổn định và không có quá nhiều biến động. Tuy nhiên, trong những năm sắp tới, tăng trưởng nguồn cung sữa toàn cầu chậm hơn nhu cầu đáp ứng, sẽ khiến giá bột sữa có xu hướng tăng.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, giá bột sữa nguyên kem sẽ tăng lên 3.200-3.400USD/tấn, giá bột sữa gầy lên 2.400-2.550USD/tấn. Trong tương lai, VNM sẽ phải đối mặt với những rủi ro về chi phí sản xuất khi giá bột sữa có sự biến động.

Nan giải bài toán tăng trưởng
Dù VNM đã tăng giá bán để bù vào sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào, song chi phí vẫn vượt mức tăng 1-3% so với giá bán trung bình. Với việc giá nguyên liệu sữa trong nửa cuối năm 2019 cao hơn so với nửa đầu năm, khiến cho biên lợi nhuận gộp quý IV-2019 của VNM có thể tiếp tục giảm so với quý III. Thậm chí, giá nguyên vật liệu được dự báo tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận VNM trong năm 2020.
Để giải bài toán tăng trưởng này, VNM đã có nhiều giải pháp để khai thác nhu cầu rộng hơn từ người tiêu dùng, hướng tới mục đích cuối cùng là tăng doanh thu như: mở rộng kênh phân phối, liên tục tung ra sản phẩm mới, tăng cường hợp tác với các khách hàng đặc biệt (doanh nghiệp, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn), mở rộng thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chưa thể kéo VNM trở lại chu kỳ tăng trưởng bởi các khó khăn mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt. Đặc biệt, nếu nhìn vào lượng tiền mặt đang sở hữu sẽ thấy doanh nghiệp vẫn còn “nhát tay” trong các quyết định đầu tư để vực dậy đà tăng trưởng 2 con số như trong quá khứ. 
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của VNM tăng 7% so với cùng kỳ lên hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý khoản tiền gửi ngắn hạn tăng hơn 1.500 tỷ đồng lên mức 9.795 tỷ đồng. Với tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi lên đến hơn 10.800 tỷ đồng, VNM là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất trên TTCK.
Theo CTCK Sài Gòn (SSI), bên cạnh những yếu tố thuận lợi, VNM đang phải đối mặt thách thức mang tính xu hướng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng hay tỷ trọng của các kênh bán lẻ. Hiện đang có một số xu hướng mới đã xuất hiện trong những năm gần đây là thói ăn uống ở ngoài và tiêu thụ sữa hạt.
Về thị trường bán lẻ, doanh thu qua các kênh thương mại hiện đại đã tăng lên nhanh chóng, nhưng hiện tại chỉ chiếm có 10% tổng doanh thu của VNM. Trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hoặc thông qua thương mại điện tử, các sản phẩm của VNM đang vấp phải cạnh tranh với một lượng lớn các thương hiệu trong và ngoài nước. 

Các tin khác