Vết thương đầu tư tài chính

Do sa đà vào hoạt động đầu tư tài chính, hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết đã thua lỗ nặng trong năm 2008. Tưởng rằng các DN sẽ rút kinh nghiệm và quyết tâm tái cấu trúc hoạt động đầu tư của mình, nhưng thực tế lại không như kỳ vọng.

Do sa đà vào hoạt động đầu tư tài chính, hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết đã thua lỗ nặng trong năm 2008. Tưởng rằng các DN sẽ rút kinh nghiệm và quyết tâm tái cấu trúc hoạt động đầu tư của mình, nhưng thực tế lại không như kỳ vọng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2010 của GMD, tổng giá trị các khoản đầu tư vào CP, chứng chỉ quỹ và đầu tư ngắn hạn khác có giá trị lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là khoản mục đầu tư ngắn hạn khác có giá trị 645 tỷ đồng chỉ mới xuất hiện trong năm nay và không được thuyết minh rõ ràng. Khoản mục này gấp gần 3 lần so với khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở xuống và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 10% tổng tài sản của công ty. Làm một phép tính đơn giản, nếu đem 650 tỷ đồng gửi ngân hàng với lãi suất khoảng 15%, tiền lãi thu về cũng đạt gần 100 tỷ đồng, tương đương 50% lợi nhuận cả năm qua của GMD.

Đầu năm 2010, giá trị đầu tư tài chính dài hạn của MPC đạt 205 tỷ đồng, đến cuối năm giảm xuống hơn 196 tỷ đồng. Khoản đầu tư 200 tỷ đồng vào quỹ tầm nhìn SSI (SSIVF) của MPC đã phải trích dự phòng hơn 12 tỷ đồng. Khoản mục đầu tư vào CP của MPC vào cuối năm 2010 có giá trị ban đầu hơn 11 tỷ đồng nhưng lại có khoản trích lập lên đến gần 9 tỷ đồng, tức đang tạm lỗ gần 80%. Cái lợi của MPC hiện nay là khoản mục hơn 200 tỷ đồng gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 1 năm trở xuống. Một DN đầu tư CK có tỷ lệ thua lỗ không kém gì NĐT cá nhân, quả thật đáng ngại.

Hoạt động đầu tư tài chính sẽ còn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của nhiều DN trong thời gian tới. Minh họa: QUỐC HOÀNG

Hoạt động đầu tư tài chính sẽ còn tiếp tục kìm hãm
sự phát triển của nhiều DN trong thời gian tới.
Minh họa: QUỐC HOÀNG

Cũng có nhiều nguyên nhân khiến DN bị lỗ do “kẹp hàng” một cách bất khả kháng. Điển hình như trường hợp của SAM, đầu tư 13,5 tỷ đồng vào CTCP Momota, 3 tỷ đồng vào CTCP Du lịch Bưu điện; KDC đầu tư 12,5 tỷ đồng vào Bảo hiểm Viễn Đông; Cao su Đồng Phú (DPR) đầu tư hơn 30 tỷ đồng vào quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long, đến giờ đã phải trích lập dự phòng gần 14 tỷ đồng. Trường hợp SAM và MPC đầu tư tổng cộng 480 tỷ đồng vào SSIVF lại là câu chuyện khác. Cả MPC lẫn SAM đều có mối quan hệ với SSI trong việc tư vấn niêm yết hay phát hành CP. Lâu nay việc các đối tác nắm giữ CP của nhau được xem là cách thức để gia tăng sự khăng khít trong quan hệ làm ăn.

Càng bán, càng lỗ là nguyên nhân đầu tiên khiến các DN không dám mạnh tay cắt bỏ danh mục của mình. Thí dụ: DN mua vào CP A với mệnh giá 1.0, khối lượng 1 triệu CP. Hiện giờ giá CP này trên thị trường chỉ còn khoảng 0.7-0.8, tức DN sẽ ghi nhận lỗ 20-30%, nhưng nếu đem 1 triệu CP này bán ra, giá có thể giảm về 0.5-0.6. Như trường hợp SAM nắm giữ 2 triệu CP của CTCK Phố Wall (WSS), hiện tại WSS đã giảm xuống mức 0.6, nếu SAM quyết định bán ra cắt lỗ, khả năng WSS sẽ giảm xuống 0.4-0.5. SAM từ mức thua lỗ 30-40% trên sổ sách sẽ trở thành 50-60%. Hay như GMD dính đầu tư 4,78 tỷ đồng vào PRUBF1 từ khá lâu nhưng vẫn chưa thấy bán ra để cắt lỗ. Không chỉ GMD mà hàng loạt DN khác cũng đang bị “kẹp hàng” PRUBF1, nhìn vào mức giá 0.5 của chứng chỉ quỹ này có lẽ không ai muốn bán ra nữa. Những khoản mục vừa nêu trên vẫn có giá trị khá thấp so với quy mô của DN, nên DN chưa mạnh dạn cắt lỗ, không khó để dự đoán các DN sẽ chấp nhận ôm lỗ giá trị các khoản đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.

KDC hiện đang nắm giữ gần 7 triệu CP Eximbank (EIB) và theo suy đoán của rất nhiều NĐT, hiện công ty đã lỗ với khoản đầu tư này vì mua vào ở thời điểm giá cao. Nếu bán ra toàn bộ số CP này, số tiền thu về cũng vào khoảng 100 tỷ đồng. Mức giá hiện nay của EIB đã ở mức hấp dẫn nên nếu KDC có tăng cung hàng, ảnh hưởng đến thị giá cũng không quá lớn. Nhưng vì sao KDC vẫn chưa chịu bán ra để tiếp tục lấy tiền về tái đầu tư cho các hoạt động kinh doanh khác và đem lại thêm lợi ích cho cổ đông lại là câu hỏi chưa có lời đáp. 100 tỷ đồng nếu không dùng để trang trải vốn vay, gửi ngân hàng mỗi năm cũng thu về khoản tiền lãi hàng chục tỷ đồng.

 Gánh nặng thị trường

TTCK bùng nổ trong giai đoạn 2006-2007 đã tạo cơ hội huy động vốn hết sức thuận lợi cho các DN. Nhưng thay vì chắt chiu đồng vốn, nhiều DN đã nướng sạch vào các khoản đầu tư kém hiệu quả. Từ chỗ tưởng như trường vốn với các khoản thặng dư khổng lồ, DN lại khát vốn. Năm qua, GMD đã tăng vốn điều lệ từ 475 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, tức là số CP lưu hành của GMD trên thị trường tăng thêm 52,5 triệu đơn vị, xấp xỉ KLGD 1 phiên của cả 2 sàn trong thời gian vừa qua. Nếu cổ đông chất vấn rằng tại sao GMD không bán bớt một số khoản đầu tư đi để trang trải cho nguồn vốn kinh doanh thay vì huy động tiền của cổ đông, cũng không phải là không có lý. Riêng khoản mục đầu tư CP của GMD, tính đến cuối năm qua cũng có giá trị hơn 333 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến NĐT mất niềm tin vào GMD và CP này từ rất lâu rồi đã không thể nổi sóng mạnh như hồi năm 2009.

So với 9 tháng trước, giá của REE đã giảm 50% và lâu rồi CP này không có một đợt sóng nào. Nhưng hoạt động kinh doanh chính của REE gồm cung cấp, lắp đặt hệ thống cơ điện lạnh, cho thuê văn phòng lại khả quan trong năm 2010. Vì sao lại có sự tréo ngoe như vậy? Năm qua, REE đã tăng vốn điều lệ từ hơn 810 tỷ đồng lên hơn 1.800 tỷ đồng, cũng đồng nghĩa với khối lượng CP lưu hành tăng thêm hơn 100 triệu đơn vị. Ngoài sức ép về nguồn cung, nhiều NĐT tỏ ra không mấy kỳ vọng về lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh chính của REE. Điều này phần nào được thể hiện thông qua việc doanh thu của REE năm 2010 tăng hơn 130% so với năm trước nhưng lợi nhuận gộp lại chỉ tăng hơn 25%. Những năm qua, thị trường đã ghi nhận REE là DN tích cực nhất trong việc tái cấu trúc danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên điều này lại có thể khiến giới đầu cơ không còn mặn mà với REE nữa, vì điều gì minh bạch và gọn gàng quá sẽ không có cái cớ để xuất hiện những tin đồn và dòng tiền nóng đi vào. Nói một cách đơn giản, nhiều người vẫn chưa chịu nhìn REE là một CP để đầu tư dài hạn hoặc mang tính chất phòng thủ.

Nhiều NĐT cũng mất phương hướng đối với KDC vì không rõ nguồn thu chính của công ty từ hoạt động nào: sản xuất bánh kẹo, đầu tư chứng khoán hay kinh  doanh bất động sản? Mùa trung thu năm ngoái, KDC không có những đợt “sóng thần” như những năm trước đó đã khiến không ít người thất vọng. Nhưng đây cũng là tín hiệu cảnh báo dành cho những nhà quản trị KDC. NĐT có từng tiêu chí rõ ràng như lướt sóng, dài hạn hay mua theo xu hướng sẽ chọn lựa những CP có các yếu tố phù hợp. Như vậy, sẽ rất khó để một CP có thể chiều lòng hết tất cả các NĐT, tất nhiên trong trường hợp NĐT không thể xác định CP đó là loại nào, họ sẽ không dại gì bỏ tiền ra để mua vào. 

Từ đầu quý IV-2010 đến nay, NĐTNN chỉ bỏ ra khoảng 20 triệu USD nhưng đã “khiển” BVH tăng giá lên gấp đôi để từ đó góp phần khiến VN Index tăng từ 420 điểm lên 520 điểm. Trong khi đó, chỉ riêng khoản thặng dư vốn cổ phần của REE, SAM, GMD cộng lại cũng đã lên gần 4.300 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD, gấp 10 lần số tiền của khối ngoại đã bỏ ra để đánh lên BVH. NĐTNN cho dù đang phải ôm BVH và thua lỗ nhưng dù sao cũng đã tạo ra những điểm tích cực, trong khi đó các DN với khoản thặng dư khổng lồ lại đang có dấu hiệu dậm chân tại chỗ. DN đầu tư không hiệu quả, CP rớt giá, cổ đông bị ảnh hưởng là điều tất nhiên.

Các tin khác