VDSC: TTCK khó có thêm đợt bán tháo từ khối ngoại

(ĐTTCO) - Theo báo cáo chuyên đề triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2020 do VDSC mới phát hành, nhờ dòng tiền tích cực thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

VDSC: Thi truong chung khoan kho co them dot ban thao tu khoi ngoai hinh anh 1Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo chuyên đề triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2020 do Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới phát hành, nhờ dòng tiền tích cực thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, tốc độ tăng khá chậm rãi do vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhất là tác động tiêu cực từ làn sóng dịch COVID-19 lần hai.

Cụ thể, chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng sẽ duy trì ở mức cao cho tới hết năm 2020 do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu.

Trong bối cảnh đó, kênh bất động sản tỏ ra không quá hấp dẫn khi mà giá bán vẫn duy trì ở mức cao. Giá vàng mặc dù đã tăng mạnh trong thời gian qua, song những tiến bộ trong sản xuất vắcxin đã khiến giá vàng giảm sâu.

Thêm vào đó, Nghị định mới về quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực đầu tháng 9/2020 sẽ hạn chế nguồn cung phát hành mới trong quý 4/2020. Những điều này sẽ giúp dòng tiền dịch chuyển sang thị trường chứng khoán, hỗ trợ thị trường tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Cũng theo VDSC, trong khoảng thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ khó có khả năng chứng kiến một đợt bán tháo khác từ khối ngoại.

Bởi lẽ, chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ giữ đồng USD yếu và trong quá khứ đồng USD có tương quan nghịch với dòng vốn vào các thị trường mới nổi. Tỷ trọng của Việt Nam được tăng lên trong rổ MSCI Frontier Market Index.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index đang ở mức khá rẻ so với quá khứ nhưng ở mức hợp lý nếu so sánh với các thị trường khác trong năm 2020. Hiện thị trường đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 2020. Với việc kỳ vọng lợi nhuận 2021 có thể tăng mạnh, VDSC kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể đóng cửa quanh mức 900 điểm tương đương PE 16,5 tại thời điểm cuối năm nay.

Tuy vậy, VDSC cũng cho rằng, rủi ro lớn nhất của thị trường hiện nay tới từ tốc độ hồi phục của nền kinh tế trong những tháng sắp tới, khi mà làn sóng dịch bệnh thứ hai và việc hoãn mở cửa đường bay thương mại sẽ có ảnh hưởng không nhỏ.

Đối với triển vọng ngành, báo cáo của VDSC cho biết, trong nửa cuối năm 2020, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình cung – cầu của các nhóm ngành. Ngoại trừ một số ngành sẽ thấy diễn biến tích cực nhẹ như: công nghệ, bất động sản khu công nghiệp, điện, bảo hiểm và chứng khoán.

Giá nhiều loại hàng hóa nguyên vật liệu giảm (chủ yếu do nhu cầu giảm) là yếu tố tích cực đối với nhiều nhóm ngành. Dù vậy, VDSC cho rằng, đây chỉ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ.

Về dài hạn, việc giá nguyên vật liệu giảm có thể sẽ đi cùng với giá bán sản phẩm giảm. Ngoài ra, do sức tiêu thụ hàng hóa còn yếu, giá bán giảm nhưng sản lượng không tăng trưởng có thể khiến lợi nhuận nhìn chung giảm. Dù vậy, tiềm năng tăng trưởng dài hạn được đánh giá là rất tích cực đối với hầu hết các ngành kinh doanh. Đặc biệt đi cùng với đó là những cải thiện về môi trường pháp lý.

Trong những tháng cuối năm 2020, các chuyên gia của VDSC giữ quan điểm trung lập với hầu hết các nhóm ngành. Một số ngành được đánh giá tích cực gồm có công nghệ, khu công nghiệp, dược và điện. Ở chiều ngược lại, VDSC đánh giá tiêu cực với ngành dệt may và cao su tự nhiên.

Các tin khác