Vật vờ cổ phiếu 'xác sống' trên sàn

(ĐTTCO) - Vật vờ như “xác sống” với kỳ vọng về phương án tái cơ cấu, cổ phiếu AVF của Việt An vẫn tồn tại trên sàn và được nhiều nhà đầu tư lựa chọn giao dịch.

Long đong phận cổ phiếu “xác sống”

Gần 8 triệu cổ phiếu AVF của Công ty cổ phần Việt An bị chất bán giá kịch sàn trong phiên giao dịch ngày 18-6. Lực cầu yếu khiến tổng khối lượng khớp lệnh cả phiên chỉ vỏn vẹn 894.200 cổ phiếu.

“Cơn bão” bán tháo đến với cổ phiếu AVF là điều được đoán trước. Trước đó vài ngày, Tổng giám đốc Ngô Văn Thu cùng nguyên Tổng giám đốc Lưu Bách Thảo đã nhận lệnh bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Âm vốn chủ sở hữu và bị công ty kiểm toán đưa ra ý kiến từ chối từ năm 2015, AVF chỉ còn giao dịch vào các chiều thứ Sáu. Cùng ba phiên liền trước đều giảm giá kịch biên độ, cổ phiếu này tổng cộng “bốc hơi” 40% giá trị từ mức đỉnh 1.000 đồng/cổ phiếu.

Từng nằm trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam với doanh thu ngàn tỷ đồng mỗi năm, và giá cổ phiếu quanh vùng giá 10.000 - 20.000 đồng, biến cố xảy đến khi Việt An báo lỗ 913 tỷ đồng năm 2014, trong khi vốn điều lệ doanh nghiệp này chỉ 433 tỷ đồng. Khi đó, công ty đã bất ngờ hạch toán khoản chi phí khác lớn, đồng thời, hàng trăm tỷ đồng tồn kho cũng nhanh chóng “bốc hơi”.

Gánh nặng chi phí tài chính từ các khoản vay ngân hàng khiến lỗ lũy kế đến quý III-2020 lên 2.400 tỷ đồng. Các đơn vị kiểm toán cho rằng, báo cáo tài chính xây dựng không phản ánh trung thực, hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu.

Còn theo kết luận mới đây của cơ quan điều tra, lãnh đạo Việt An cùng với các công ty khác lập hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Dù liên tục nhắc đến phương án tái cơ cấu, nhưng Việt An vẫn vật vờ tồn tại như “xác sống” suốt 6 năm qua.

Trên sàn chứng khoán cũng có không ít mã chứng khoán được nhà đầu tư lựa chọn giao dịch, dù thực tế tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh đều đã suy kiệt, chỉ còn chiếc vỏ rỗng là cổ phiếu đang giao dịch trên sàn.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ATA của Ntaco - một doanh nghiệp thủy sản khác - đã tăng giá gấp 8 lần, từ 200 đồng/cổ phiếu lên 1.600 đồng/cổ phiếu. Tương tự Việt An, Ntaco bất ngờ lỗ vượt vốn từ năm 2017. Doanh thu nhỏ giọt, trong khi chi phí lãi vay đè nặng, khiến Công ty chưa thoát cảnh thua lỗ.

Vật vờ cổ phiếu 'xác sống' trên sàn ảnh 1 Mô tả ảnh
Chần chừ chọn phá sản

Thương trường khắc nghiệt, một doanh nghiệp bất kể có giao dịch trên sàn hay không đều có thể đối mặt rủi ro kinh doanh suy giảm, mất năng lực cạnh tranh hay thậm chí mất khả năng trả nợ, buộc phải đi đến phá sản.

Trường hợp của Công ty năng lượng KrisEnergy có trụ sở tại Singapore vừa đệ đơn lên tòa án xin phá sản đầu tháng 6-2021 là một ví dụ. Tình hình tài chính của công ty nhiều năm qua đã rơi vào tình trạng mất cân đối, nợ phải trả của tập đoàn này đã vượt quá giá trị tài sản. “Cú đặt cược” cuối cùng, một phần trong phương án tái cơ cấu là phát triển mỏ dầu Apsara - giếng dầu đầu tiên tại Campuchia.

Thực tế khai thác khác xa với những tính toán thử nghiệm trước đó đã khiến dòng tiền thu về thấp hơn, dẫn đến việc thực hiện tái cơ cấu của công ty này không còn khả thi.

Thực tế giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam 20 năm qua chưa ghi nhận trường hợp tuyên bố phá sản nào của doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Chứng khoán Kim Long là một trường hợp hiếm hoi tuyên bố giải thể. Cũng là một ông lớn ngành chứng khoán khi đó, Kim Long lựa chọn chia đều tài sản cho các cổ đông, bảo toàn vốn, thay vì tiếp tục đầu tư, kinh doanh.

Không tuyên bố phá sản, nhưng cũng không ít doanh nghiệp từ từ biến mất “không sủi tăm”, bỏ đi nghĩa vụ công bố thông tin với cổ đông. Cuối tháng 11-2019, một đối tác của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài gòn (Saplastic) đã yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Ban lãnh đạo công ty sau đó cho biết, công ty vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, việc công bố thông tin chậm trễ đã đẩy cổ phiếu SPP của doanh nghiệp này nhận án hủy niêm yết, chuyển từ sàn HNX sang UPCoM. Tài liệu gần nhất mà Saplastic công bố là báo cáo tài chính quý I-2020. Dù không có thêm bất kỳ thông tin gì về công ty và cổ phiếu chỉ được giao dịch vào chiều thứ Sáu, song điều khá ngạc nhiên là vẫn có hàng trăm ngàn cổ phiếu được sang tay chuyển nhượng. Giá trị giao dịch phiên gần nhất cũng đạt hơn 700 triệu đồng.

Các nhà đầu tư khi giải ngân vào các cổ phiếu “xác sống” trên có thể đến từ kỳ vọng đối với phương án tái cơ cấu.

Như với Saplastic, trong thông báo cuối cùng gửi cổ đông tháng 5-2020, công ty này còn bỏ ngỏ khả năng một tập đoàn của Mỹ sẽ mua 51% vốn cổ phần, giá trị khoảng 50 triệu USD. Nhìn trên phương diện đầu tư, các cổ phiếu giá thấp với khả năng tăng giá gấp vài lần có thể là miếng bánh hấp dẫn. Tuy nhiên, rủi ro cũng chực chờ khi lựa chọn những cổ phiếu mà các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đều “mù mờ”.

Các tin khác