TTCK thế giới: Nhạc tạm dừng khi tiệc chưa tan

(ĐTTCO)-Thị trường cổ phiếu (CP) toàn cầu có đợt giảm giá mạnh trong tuần lễ giao dịch kết thúc tháng 10. Chỉ số MSCI All Country World giảm 5,3% trong tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Điều gì đang xảy ra?

Tâm lý ngại rủi ro
Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, tình trạng phong tỏa trở lại của nhiều nền kinh tế chủ chốt châu Âu như Đức, Pháp và Anh, cũng như việc nhà đầu tư (NĐT) Mỹ thất vọng vì không có gói cứu trợ kinh tế nào được thông qua trước bầu cử Mỹ, là lý do khiến nhiều CP giảm giá. Số ca bệnh và tử vong do Covid-19 cũng tăng lên ở Mỹ.
Chỉ trong ngày 29-10, đã có hơn 1.000 ca tử vong và hơn 90.000 ca bệnh mới. Trong tuần qua, số ca trung bình của Mỹ gần 80.000 ca bệnh/ngày, tăng 42% so với mức bình quân 2 tuần trước đó.  
Tình trạng trên có thể giải thích được mức giảm giá của hầu hết CP cũng như giá dầu. Có người còn nhắc tới yếu tố kỹ thuật là nhiều quỹ đầu tư sẽ bán lỗ các CP dầu khí, khách sạn và ngân hàng nhằm được khấu trừ thuế lãi vốn (ở Mỹ khi lỗ CP, phần lỗ được khấu trừ với phần lãi vốn chịu thuế). Cuối tháng 10 là hạn chót để “chốt lỗ” kiểu này cho nhiều quỹ đầu tư Mỹ. 
Trong giai đoạn tệ nhất của Covid-19 hồi tháng 3, CP công nghệ trở thành điểm đến an toàn của giới đầu tư và tăng giá mạnh, nên người giữ CP lời chứ không lỗ. Nhưng tại sao lúc này CP công nghệ cũng giảm?
Điều này đặc biệt khó hiểu với nhiều NĐT, khi Alphabet, Amazon, Apple và Facebook đều công bố số liệu kinh doanh tốt hơn dự đoán của giới phân tích. Vậy chỉ có thể lý giải đợt sụt giảm mạnh của các CP công nghệ là do NĐT đã bắt đầu ngại rủi ro và rút vào phòng thủ.
Nói cách khác, tâm lý thị trường đã xoay chiều và hành vi NĐT chuyển từ chấp nhận rủi ro (risk on) sang tránh rủi ro (risk off). 
Một người bạn của tôi làm đầu tư ở New York giải thích: Khi số ca bệnh tăng mạnh, tâm lý của anh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Người Mỹ ở nhiều nơi đang bắt đầu thận trọng hơn. Sự thay đổi trong hành vi sẽ có tính lây lan và những người quản lý tiền cảm nhận được điều đó.
Do đó, dù số liệu GDP quý III của Mỹ tăng hơn 33%, vượt hơn rất nhiều dự đoán từ mức 29-32%, người ta chủ yếu chỉ nhìn vào mặt tối của nó. Nhưng kể cả như vậy, GDP của Mỹ vẫn đang tăng trưởng âm so với đầu năm. Người ta không mấy quan tâm đến hình chữ V đã được tạo thành trên đồ thị GDP quý III, mà nhìn về triển vọng u ám của quý IV.
“Thất nghiệp có thể tăng lại khi các gói kích thích bắt đầu hết hiệu lực, trong khi không có gói kích thích mới và nền kinh tế đang quay lại phong tỏa ở nhiều cấp độ” - một người bạn tôi làm phân tích ngành ngân hàng ở Anh bình luận, chỉ ra rằng trong vòng xoáy thất nghiệp lần này đang có nhiều người có thu nhập cao bị thất nghiệp.
Đây là điểm mới so với các làn sóng thất nghiệp mấy tháng trước. Thị trường nhà tăng trưởng khả quan của Mỹ và châu Âu có thể sẽ chậm lại. 
Điều này được khuếch đại hơn, khi vài tuần trước đó nhiều vị thế mua hợp đồng giao sau (futures) và quyền chọn mua (call options) đối với chỉ số Nasdaq đã được mở. Khi bán tháo càng mạnh, những vị thế này sẽ phải cắt lỗ, có nghĩa vị thế mua CP trên thị trường giao ngay của các đối tác ở phía bên kia của những giao dịch này để phòng ngừa rủi ro, cũng sẽ đóng lại.
Mọi thứ đang chậm rãi chuyển sang tông màu tối như thể nhạc đang bắt đầu dừng lại trong một bữa tiệc. Không khí chùng xuống và giá CP phản ánh tâm lý đó. Khi tâm lý thay đổi, ngay cả CP công nghệ cũng không tránh khỏi dòng tiền bán tháo. 
TTCK thế giới: Nhạc tạm dừng khi tiệc chưa tan ảnh 2 Không có gói cứu trợ trước nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, thị trường cổ phiếu toàn cầu lao dốc.
Cần thêm chút kiên nhẫn
Tâm lý ngại rủi ro này không dễ dàng thay đổi ngay. Trước mắt NĐT vẫn còn nhiều bất định. Trước tiên, đó là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Một số người đánh giá dù ông Biden đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc điều tra, kết quả bầu cử có thể rất sít sao.
Nếu thua, ông Trump có thể “tranh cãi” và không thừa nhận ngay lập tức, cũng như không đồng ý “chuyển giao trong hòa bình” vị trí tổng thống cho ông Biden. Tiến trình đó có thể kéo dài vài tuần.
Nếu điều này xảy ra, ông Biden sẽ không thể đưa ra bất kỳ chính sách mới nào trước cuối tháng 1-2021. Điều này đồng nghĩa không có gói kích thích kinh tế nào sẽ được đưa ra trước cuối tháng 1 năm sau. Khi đó có thể quá trễ để cứu một quý nữa của Mỹ có tăng trưởng kinh tế âm và thêm nhiều người Mỹ nữa rơi vào thất nghiệp dài hạn.
 Đường vẫn còn nhiều sương mù, nhưng sương đang tan dần. Bữa tiệc CP vẫn chưa kết thúc, nhạc chỉ tạm dừng, cần thêm chút kiên nhẫn. Muốn bắt “dao rơi” nhưng cần tránh bị đứt tay.
Trong khi đó, châu Âu đang đứng trước rủi ro suy thoái kinh tế trở lại. Số người nhiễm bệnh Covid-19 ở Anh lúc này được cho tệ hơn rất nhiều so với kịch bản tệ nhất của những nhà khoa học.
Trong khi Pháp đã đi vào phong tỏa 1 tháng và không ai đảm bảo lệnh phong tỏa này sẽ không kéo dài hơn. Dự báo về một “mùa đông mất mát” của châu Âu đang dần trở thành hiện thực.
Khi những nền kinh tế giàu có hàng đầu của thế giới này đang vật lộn với khó khăn, những nền kinh tế thiên về xuất khẩu của châu Á sẽ bị ảnh hưởng lây, với tác động chậm hơn 1 nhịp. Người ta sẽ sớm nhận thấy vòng xoáy hủy đơn hàng nữa.
Có vẻ như mọi thứ đang rất u tối. Bữa tiệc CP năm nay đã tan rồi sao? Tôi không nghĩ vậy. Đúng, trong vòng 1 tuần qua đã có những thứ thay đổi nhanh chóng, nhất là tâm lý NĐT khi hàng loạt tin xấu đến cùng một lúc đối với kinh tế Mỹ và châu Âu.
Nhưng tôi lại nhìn nó ở khía cạnh lạc quan hơn. Những tin này đều có nhiều khả năng xảy ra với kinh tế Mỹ, chẳng qua NĐT phần nào đã “bỏ quên” chúng, nay “giật mình” khi nó xảy ra. Người ta dễ dàng coi thường số ca Covid-19 cho đến khi nó tăng lên 90.000 ca/ngày và số người chết vượt 1.000 người/ngày. Rủi ro đổ vỡ đàm phán gói cứu trợ Mỹ cũng đã được cảnh báo, nhưng người ta vẫn nghĩ các phe phái ở Mỹ chỉ “làm màu”, rồi đâu cũng vào đó. 

Các tin khác