TTCK: Quá nhanh, quá nguy hiểm

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục gây bất ngờ trong nửa đầu tháng 6-2020 khi VN Index chỉ còn thấp hơn thời điểm trước dịch Covid-19 khoảng 6%. Những cổ phiếu (CP) hàng không như HVN, VJC chỉ còn thấp hơn 11% đến 19%, dù hàng chục máy bay vẫn phải nằm đất do chưa thể hoạt động bình thường trở lại. Diễn biến thị trường như một bộ phim hành động kịch tính và khó đoán liên tục gây bất ngờ cho các nhà đầu tư (NĐT).
Từ “bong bóng thịt lợn” tới “cơn điên” CP khu công nghiệp
Giữa cơn bão dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa thiết yếu trong đó có lương thực, thực phẩm tăng vọt, đã dẫn đến một “con sóng thần” khác về giá gạo, giá thịt lợn. Những CP của doanh nghiệp (DN) hưởng lợi từ dịch bệnh như y tế, dược phẩm, may mặc, thực phẩm đã được NĐT chú ý và tăng giá đột biến.
TTCK: Quá nhanh, quá nguy hiểm ảnh 1 Biểu đồ 1.
Đại diện tiêu biểu cho “bong bóng” giá của những CP được đầu cơ giữa thời điểm dịch bệnh là DBC, một DN thực phẩm hưởng lợi khi giá thịt lợn khan hiếm và tăng phi mã. DBC trong 53 phiên giao dịch từ cuối tháng 3-2020 đến giữa tháng 6-2020 đã tăng 312% (Biểu đồ 1).
Hoàn toàn có thể lý giải về yếu tố hỗ trợ giá CP này khi lợi nhuận quý I-2020 cao gấp 17 lần cùng kỳ 2019. Cùng với đó là mức thanh khoản bình quân trong giai đoạn tăng giá này cao gấp 10 lần mức bình quân của 3 tháng đầu năm 2020.
Trong khi nhiều NĐT ăn bằng lần thì các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trông như những “gã ngốc” trên thị trường. Chẳng hạn CTCK Sài Gòn (SSI) chốt lời hàng triệu CP ở thời điểm cuối tháng 4-2020 khi giá lên đỉnh cao nhất trong lịch sử (khi đó) của DBC.
Hay như các quỹ do VinaCapital quản lý cũng “tháo hàng” ở thời điểm nửa đầu tháng 5-2020. Đó là chưa kể những cổ đông nội bộ cũng bán ra rải rác hàng trăm ngàn CP. Tuy nhiên từ giữa tháng 5 tới đỉnh ngày 8-6, giá DBC còn tăng tiếp 88,4% nữa. Đến 3 phiên gần đây giá DBC bắt đầu rơi tự do và xuất hiện hiện tượng giảm sàn không có người mua.  
Nhóm CP thứ hai được kỳ vọng hưởng lợi trong giai đoạn “hậu Covid-19” là các CP khu công nghiệp. Làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung là bài học được rút ra trong cuộc khủng hoảng đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu vừa qua.
Việt Nam được trông đợi là điểm đến quan trọng, nhất là khi kiểm soát được dịch bệnh thành công. Do vậy các DN hoạt động cho thuê mặt bằng sản xuất sẽ là nhóm hưởng lợi lớn nhất.
Trên TTCK chỉ có một vài DN trong lĩnh vực này niêm yết CP, với những cái tên nổi bật được NĐT đổ tiền vào mua phải kể đến ITA, KBC và đây cũng là những CP tăng giá dữ dội nhất cho đến thời điểm hiện tại. 
CP ITA từ đáy tháng 3-2020 đến giữa tháng 6-2020 đã tăng 231,5%. Mặc dù kết quả kinh doanh của ITA trong quý I-2020 cũng khá tốt, báo lãi 25 tỷ đồng, nhưng trong đó chỉ có 11,9 tỷ đồng là lợi nhuận gộp từ hoạt động chính. Doanh thu quý I-2020 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, nghĩa là lợi nhuận hoạt động chủ yếu đến từ việc tăng giá cho thuê, giảm chi phí hoặc từ các hoạt động khác.
Những CP khu công nghiệp khác cũng tăng theo trào lưu chung của thị trường như SZL tăng khoảng 59%, SZC tăng 73%, BCM tăng 73%, NTC tăng 53%... Thị trường hầu như không quan tâm nhiều đến triển vọng thực tế của các khu công nghiệp vì khả năng lợi nhuận tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khả năng cho thuê. 
Nếu các CP có yếu tố cơ bản hỗ trợ hoặc ít nhất là kỳ vọng hợp lý và giá tăng, thì 2 tuần đầu tháng 6 cũng có hàng chục CP thị giá thấp tăng phi mã. Thống kê cho thấy số lượng CP tăng kịch trần đang gia tăng rất nhanh và tập trung vào các mã thị giá dưới 10.000 đồng. Trên thị trường Việt Nam không có thước đo chuẩn về yếu tố tâm lý của NĐT, nhưng số lượng CP đầu cơ tăng giá mạnh là một chỉ báo tốt.
Khi các NĐT bị cuốn vào xu hướng đầu cơ các mã này, nghĩa là nhu cầu muốn kiếm lời nhanh gia tăng rất cao. Đó cũng thường là thời điểm các CP blue chips lớn hay các mã thanh khoản ổn định không còn hấp dẫn nữa. Chỉ các mã đầu cơ mới có hiện tượng thổi giá bất chấp các yếu tố cơ bản.
TTCK: Quá nhanh, quá nguy hiểm ảnh 2 Biểu đồ 2.
Số liệu cho thấy số lượng các CP tăng hết biên độ (cột màu xanh - biểu đồ 2) đang lên cao nhất kể từ đầu 2020, và chỉ sau thời điểm thị trường quay đầu từ đáy hôm 6-4. Trong quá khứ các thời điểm, số lượng CP đầu cơ tăng trần nhiều nhất thường báo hiệu trước rủi ro thị trường đạt đỉnh vì phản ánh tâm lý đầu cơ đang ngự trị.
Diễn biến tăng nóng ở các CP thị giá thấp cũng thể hiện sự dịch chuyển dòng tiền ngầm trên thị trường và xu hướng tăng suy yếu do blue chips đã mất đi sức mạnh.
Biểu đồ 2 cũng cho thấy tỷ trọng giá trị khớp lệnh của nhóm CP blue chips VN30 (đường màu cam) so với tổng giá trị khớp của sàn HSX đã giảm rất nhanh từ mức bình quân trên 60% xuống còn 45% tại ngày 10-6-2020. Ngược lại, tỷ trọng giá trị khớp lệnh của nhóm Midcap và Smallcap (đường màu xám) đã tăng nhanh từ trung bình dưới 35% lên 47% tại ngày 10-6.

Sức mua có thể đã đạt đỉnh
Không thể phủ nhận lượng tiền mới vào thị trường là rất lớn trong 3 tháng vừa qua. Giá trị giao dịch của 2 sàn HSX và HNX liên tục ghi nhận những con số kỷ lục kể từ 2018 đến nay, như phiên ngày 8-6 vừa qua gần 10.000 tỷ đồng.
Thực tế lượng vốn nằm trong thị trường còn lớn hơn nhiều, bởi do thị trường Việt Nam bị giới hạn bởi quy định T+3 và số dư phải có đủ trước khi đặt lệnh, nên lượng tiền quy đổi sang CP phải tính dồn lại trong 3 phiên liên tục (đến T+2) mới phản ánh sát hơn sức mua của NĐT.
Thống kê cho thấy, những ngày qua giá trị giao dịch trong 3 phiên liên tiếp đã đạt kỷ lục lịch sử ở mức xấp xỉ 25.500 tỷ đồng vào hôm 10-6. Trong 3 tháng gần nhất lượng tài khoản của NĐT cá nhân trong nước mở mới đạt 102.437 tài khoản.
Tuy nhiên, riêng tháng 5-2020 số tài khoản mở đã bắt đầu giảm so với tháng 4 (33.953 tài khoản so với 36.652 tài khoản). 3 tháng qua là “tuần trăng mật” của thị trường và những câu chuyện thành công rôm rả bên bàn trà nước, nên hoàn toàn có khả năng những ai cảm thấy kênh đầu tư này hấp dẫn nhất đều đã gia nhập.
Sự bùng nổ của nhóm CP đầu cơ có thể là biểu hiện cực điểm của dòng tiền muộn này, vì đa số NĐT cá nhân đều ưa thích các CP thị giá thấp. 

Các tin khác