TTCK: Ngoại ngập ngừng, nội quyết đoán

(ĐTTCO) - Sau nhiều tháng bán ròng, NĐTNN đã quay trở lại mua ròng trên sàn HOSE. Tuy nhiên, diễn biến này không hoàn toàn tích cực khi dòng tiền chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận và các tổ chức trong nước cũng quay sang bán ròng mạnh.
TTCK: Ngoại ngập ngừng, nội quyết đoán
Vốn ngoại chưa vào  
Theo thống kê từ CTCK Rồng Việt (VDSC), giao dịch đáng chú ý của NĐTNN trong tháng 9 đến từ mã VHM (Vinhomes) với giá trị mua ròng 5.213 tỷ đồng. Thế nhưng, nếu xét trên giá trị giao dịch khớp lệnh, khối ngoại vẫn bán ròng mạnh với giá trị lên đến 4.500 tỷ đồng. 
Với con số trên, tháng 9 trở thành tháng khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong khoảng 5 tháng trở lại đây. VN30 bị khối ngoại bán ròng mạnh 3.400 tỷ đồng, tương đương 76% giá trị bán ròng khớp lệnh của VN Index.
Những mã CP bị bán ròng mạnh với hình thức khớp lệnh trên sàn là VHM, HPG (Hòa Phát), VNM (Vinamilk), GEX (Gelex), BID (BIDV), GAS (PV Gas), POW (PV Power), NBB (Năm Bảy Bảy), MSN (Masan), VCB (Vietcombank). Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng các mã như: VIC (Vingroup), PLX (Petrolimex), VRE (Vincom Retail), DPM (Đạm Phú Mỹ), HSG (Hoa Sen), CTG (Vietinbank), KSB (Bimico). 
Các quỹ ETF nước ngoài có kết quả trái chiều khi VNM ETF và MSCI Vietnam ETF (Hồng Kông) không có hoạt động nào, trong khi KIM ETF và FTSE Vietnam ETF (châu Âu) có kết quả khá tốt khi hút ròng lần lượt 5,3 triệu USD và 1 triệu USD. 
NĐT cá nhân lên ngôi 
Về phía các quỹ ETF trong nước, E1VFVN30 ghi nhận giá trị hút ròng đạt 6 triệu USD trong tháng 9. Trong khi đó, 2 quỹ ETF nội khác FUEVFVND và FUESSVFL đã phát hành lần lượt 23 và 1,5 triệu CP, tương ứng với 310 tỷ đồng và 16 tỷ đồng.
Trái ngược với động thái mua ròng mạnh mẽ trong tháng 8, các NĐT tổ chức trong nước bán ròng trong bối cảnh VN Index liên tục tăng điểm, với tổng giá trị bán ròng hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó, khối tự doanh bán ròng gần 726 tỷ đồng các mã như CTG, TCB (Techcombank), HDG. 
Một số mã CP bị NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh là: VHM, VGC (Viglacera), PLX, CTG, HNG (Nông nghiệp HAGL), HDG (Hà Đô), TPB (Tienphong Bank), GEX, HSG. Ngược lại, HPG (Hòa Phát) được mua ròng nhiều nhất với giá trị 355 tỷ đồng, tiếp theo là VCB, BID, BCM (Becamex), FPT, SAB (Sabeco). 
Như vậy, đà tăng của VN Index tiếp tục đến từ dòng vốn của NĐT cá nhân trong nước. Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký CK, trong tháng 9, NĐT cá nhân trong nước đã mở mới 31.340 tài khoản, tăng 2.069 tài khoản so với mức mở mới của tháng 8. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, NĐT cá nhân mở 252.026 tài khoản, cao hơn 34% so với lượng mở mới của cả năm 2019 là 187.825 tài khoản.
Đáng chú ý dòng vốn từ NĐT cá nhân giúp cho thanh khoản thị trường tăng mạnh. Theo thống kê của CTCK MB (MBS), tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường trong tháng 9 đạt 9,4 tỷ CP (tăng 19,2% so với tháng 8), giá trị giao dịch đạt 164.081 tỷ đồng (tăng 23%). Riêng sàn HOSE, khối lượng giao dịch tăng 23% lên 7,4 tỷ CP, giá trị giao dịch cũng tăng 31% lên 139.525 tỷ đồng.
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10, thanh khoản bình quân đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 15,8% so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần có mức thanh khoản cao nhất chỉ sau tuần thị trường tạo đỉnh ở tháng 6 vừa qua, dòng tiền tăng tập trung ở nhóm VN30 với 2 tuần tăng trên 20%. 
Định giá cao?
Dù dòng vốn đang có dấu hiệu rút ra, nhưng TTCK Việt Nam trong tháng 8 và 9 có kết quả tốt hơn so với các TTCK khác như: Hàn Quốc (KOSPI) tăng 0,1%, Mỹ (S&P 500) giảm 4%, Thái Lan (SET) giảm 6%. Theo giới phân tích, diễn biến này đã phản ánh phần nào thông tin tích cực về tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam so với các nước khác. 
Cụ thể, theo báo cáo của Nikkei Asian, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kết quả hoạt động kinh tế với mức tăng trưởng GDP quý III đạt 2,12%, trong khi các nước trong khu vực dự kiến sẽ có GDP thấp hơn hoặc âm. 
Tuy nhiên, về mặt định giá P/E của VN Index không quá hấp dẫn để thu hút dòng tiền với mức 15,1x tại thời điểm ngày 30-9. Mức định giá này cao hơn cả trước lúc xảy ra đại dịch Covid-19 búng phát mạnh là 14,5-15x trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2.
Bên cạnh đó, hiệu ứng “Tin ra là bán” sẽ tạo áp lực cho VN Index khi một số mã trong nhóm VN30 (quyết định diễn biến của VN Index) đã tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 trước những tin đồn về KQKD khả quan trong quý III và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, đặc biệt là ở các CP ảnh hưởng đến VN Index như ngân hàng (NH). 
Mới đây, NHNN đã công bố quyết định giảm lãi suất điều hành, nhưng điều này sẽ không có tác động đáng kể do một số NH đã giảm lãi suất trước khi có thông tin này. Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích của VDSC, KQKD của nhóm CP NH trong quý III sẽ không tiêu cực như dự đoán, đặc biệt là các NH tư nhân như VPB (VPBank), HDB (HDBank), TPB, TCB vừa được NHNN chấp thuận nới hạn mức tín dụng lên 20%.

Các tin khác