TTCK ngày 7-4: Khối ngoại hối hả “xúc” hàng

Những tin xấu mới ra hôm nay khiến lực mua chùng xuống. Tuy nhiên, khối ngoại đã tranh thủ mua rất mạnh ở nhóm blue-chip.

Những tin xấu mới ra hôm nay khiến lực mua chùng xuống. Tuy nhiên, khối ngoại đã tranh thủ mua rất mạnh ở nhóm blue-chip.

Đà tâm lý hứng khởi hôm qua đã không được tiếp nối hôm nay, dù thanh khoản bên bán giá rẻ không nhiều như mong đợi. Giá tăng với ấn tượng “bull-trap” hay “kéo-xả” dễ kích thích nhà đầu tư bị “kẹp” cắt lỗ. Mặc dù giá không tăng lên cao do người mua dừng đẩy lệnh giá cao nhưng người bán cũng không tháo hàng quyết liệt.

Thị trường sáng 7-4 đón nhận tin khá xấu liên quan đến khả năng Nhật Bản cắt khoản vốn viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam. Mặc dù thông tin đến giờ này mới chỉ dừng ở việc thông báo chung chung về mức cắt giảm dự kiến 20% ODA cho nước ngoài để dành vốn tái thiết đất nước. Chưa rõ Việt Nam sẽ bị cắt ODA đi bao nhiêu, nhưng người mua cũng có lý do để lo ngại.

Một thông tin nữa là nhận định của chuyên gia về khả năng tăng dự trữ bắt buộc. Mặc dù thông tin này mang tính nhắc lại vì lâu nay thị trường đã đồn đoán nhiều, nhưng trong bối cảnh tăng giá xăng, tăng giá than cho sản xuất điện, giá lương thực thực phẩm đang tăng, áp lực tâm lý lại nặng hơn. Những dự đoán về mức tăng CPI cả năm ở mức hai con số càng khiến người cầm tiền cẩn trọng hơn.

Khối lượng giao dịch không cao lúc giá giảm là điều khá tích cực.
Khối lượng giao dịch không cao lúc giá giảm là điều khá tích cực.

Nhịp độ giao dịch trên cả hai sàn tương đối chậm, không có diễn biến kịch tính nào. Đáng chú ý chỉ có FPT tại HSX bị xả “đẹp”. Thực tế diễn biến xả hàng tại cổ phiếu này cũng không có gì bất ngờ vì áp lực hàng T+4 giá thấp đã về tài khoản, trong khi FPT gặp ngưỡng kháng cự tương đối “rắn” quanh mức 60.000 đồng/cổ phiếu.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, không khó để dự đoán khả năng cung sẽ tăng lên ở vùng giá nói trên. Tại giá trần, FPT khớp khoảng 567.000 cổ phiếu và hoàn toàn do bên bán ra hàng, không hề có sự tranh chấp, giằng co nào. Ngay đợt mở cửa, FPT đã bị xả khối lượng lớn dù dư mua trần còn tốt. Đến 9h bên bán đã “thanh lý” xong lượng dư mua trần và bắt đầu ép xuống rất mạnh. Không hề có hiện tượng rung lắc ở FPT dù sau khi chạm mức tham chiếu, giá lại được đẩy ngược tăng về cuối phiên.

Thanh khoản của FPT hôm nay khá điển hình cho một ngày phân phối. Khối lượng giao dịch tăng vọt với 1,194 triệu đơn vị, cao nhất kể từ giữa tháng 6/2009. Dao động giá tiêu cực với mở cửa mức trần và bị ép xuống trong suốt phiên, đóng cửa cách khá xa mở cửa. Dù sao FPT vẫn còn tăng gần 0,9% so với hôm qua. Đà tăng của FPT không hẳn đã hết nhưng khả năng lớn là sẽ suy yếu sau khi hút vào quá nhiều tiền. Riêng FPT đã hút vào gần 70,3 tỷ đồng chiếm gần 14% tổng giá trị khớp lệnh của HSX.

Nhìn chung tương quan giao dịch hôm nay khá cân bằng tại HSX. Mặc dù tình trạng giảm giá chiếm đa số nhưng mức độ giảm khá thấp. Đặc biệt nhóm 40 mã vốn hóa lớn nhất sàn chỉ giảm bình quân 0,1%. Một số mã như CTG, HPG, PVF giảm khá, còn lại hầu như loanh quanh tham chiếu.

Với một phiên khả năng xả hàng tương đối cao như hôm nay, áp lực bán như vậy thực ra cũng không lớn. Mức nghi ngờ vẫn còn rất lớn và khi cầu giá tốt xuất hiện, người cầm cổ dễ dàng cắt lỗ. Điểm tốt là nhu cầu bán ra không mạnh. Tỉ trọng giao dịch khớp vào dư bán chiếm khoảng 54% thanh khoản tại HSX.

Một lực đỡ rất tốt là từ nhà đầu tư nước ngoài khi khối này bất ngờ mua rất mạnh lúc giá giảm. Tại HSX, lượng vốn vào ròng đạt hơn 98,9 tỷ đồng, trong đó riêng qua khớp lệnh là 92,9 tỷ đồng. Từ đầu tháng 2/2011 đến nay HSX mới lại chứng kiến phiên mua ròng mạnh như vậy.

Dòng vốn ngoại tiếp tục tập trung cường độ cao vào nhóm blue-chip. Trong tổng mức 135,7 tỷ đồng mua vào hôm nay, nhóm 40 blue-chip lớn nhất nhận được 127,1 tỷ đồng. Nhóm này cũng đạt giá trị mua ròng 96,42 tỷ đồng, tức là lớn hơn cả mức mua ròng chung toàn thị trường qua khớp lệnh.

Hàng loạt cổ phiếu được mua rất mạnh, trong đó đáng kể là FPT. Có lẽ khối ngoại chấp nhận một khả năng bị xả hàng khi lượng mua vào chiếm tới gần 78% thanh khoản. Gần 55 tỷ đồng được bỏ ra mua FPT hôm nay. Riêng lượng vốn mua ròng với FPT là 41,3 tỷ đồng. Ngoài ra PVD, SSI, DPM, CTG, BVH, HAG cũng được mua rất mạnh. Giá trị bán ra tương đối nhỏ và với nhóm blue-chip thì không có giao dịch nào nổi bật.

Diễn biến giảm nhẹ của VN-Index hôm nay vẫn không hẳn là xấu. Khối lượng giao dịch tại hai sóng giảm trong phiên không lớn và cuối ngày vẫn có một đợt đẩy lên nhẹ lúc đóng cửa. Biên độ giảm thấp của đa số mã cho thấy cung hạ giá chưa lớn và cầu tuy yếu nhưng vẫn chặn mua tốt. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình, chưa nói lên nhiều thông tin. Thị trường cần thêm thời gian để bộc lộ hướng đi rõ ràng hơn.

Các tin khác