TTCK: Khó duy trì động lực tăng điểm

(ĐTTCO)-Rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới có thể sẽ còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Dù thị trường chứng khoán đã dần ổn định trở lại trong tuần qua, nhưng trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 và kết quả kinh doanh quý 1/2020 của doanh nghiệp niêm yết có thể không như kỳ vọng khiến các công ty chứng khoán chưa thể đưa ra nhận định lạc quan cho tuần giao dịch này.

Thực tế, tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp và khối ngoại đã mua ròng trở lại vào phiên cuối tuần, sau 33 phiên bán ròng liên tiếp. Đây là những điểm sáng của thị trường sau thời gian diễn biến “u ám.”

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, thị trường có thể sẽ khó duy trì động lực tăng trong tuần tới do phần lớn đà tăng đến từ nhóm Vingroup và nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng mạch bán ròng 33 phiên liên tiếp.

“Diễn biến hồi kỹ thuật ngắn hạn đã có tín hiệu hạ nhiệt vào phiên cuối tuần và thanh khoản cũng không duy trì được mức cao cho thấy dòng tiền còn khá dè dặt,” MBS nêu quan điểm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo tuần tới, VN-Index sẽ dao động với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 653-720 điểm.

Thị trường có thể chịu biến động mạnh trong một vài phiên đầu tuần và lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 653-673 điểm.

Nhóm phân tích từ BVSC cho rằng điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch bệnh COVID-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động khó lường của thị trường thế giới.

Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới có thể sẽ còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4.

“Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng,” BVSC nhận định.

Có quan điểm tương đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhìn nhận điểm sáng trong phiên cuối tuần qua đến từ việc khối ngoại đã quay trở lại mua ròng với giá trị đạt gần 31 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Thanh khoản của thị trường cũng cải thiện hơn các phiên trước, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã phần nào tích cực trở lại. Tuy vậy, thông tin GDP quý 1/2020 của Việt Nam chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 3,82%, tương đương với mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây dự kiến sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số trong tuần sau.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), trong tuần giao dịch này (30/3-3/4), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với vùng kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt quanh ngưỡng 700 điểm và ngưỡng 640 điểm.

Nhìn lại diễn biến tuần qua, SHS cho biết diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục là tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu trong tuần qua. Mỹ đã phải tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Động thái này đã giúp cho phố Wall có ba phiên tăng điểm liên tiếp, qua đó Dow Jones lấy lại được ngưỡng 22.000 điểm khi kết phiên 26/3. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi rơi liên tiếp hai phiên đầu tuần đã hồi phục trở lại trong ba phiên cuối tuần.

Tuy nhiên, nếu tính trong cả tuần thì thị trường vẫn giảm điểm và VN-Index vẫn chưa lấy lại được ngưỡng 700 điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng 1.500 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần theo dõi.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 23-27/3, VN-Index giảm 13,67 điểm xuống 696,06 điểm; HNX-Index giảm 4,441 điểm xuống 97,348 điểm.

Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 4.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 1,2% lên 20.398 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 1,7% lên 2.639 tỷ đồng.

Về diễn biến các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu thép tuần qua giảm mạnh với các cổ phiếu tiêu biểu như HSG giảm 14,1%, HPG giảm tới 12,9%, NKG giảm 12,1%...

Cổ phiếu ngành hàng không cũng giảm mạnh với ACV giảm 9,8%, VJC giảm 5,9%, HVN giảm 3%...

Các cổ phiếu ngành bán lẻ cũng giảm sâu với FRT giảm 21,5%, MWG giảm 18%, DGW giảm 5,8%... Cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT cũng giảm tới 9,6%.

Cùng với sự đi xuống của giá dầu thế giới thì nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm sâu với PLX giảm 1,3%, POW giảm 10%, PVD giảm 11,9%, PVC giảm 12,2%, PVS giảm 8,7%, PVB giảm 14,3%...

Thực tế, giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/3, giữa bối cảnh nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sụt giảm đáng kể do tác động của dịch bệnh COVID-19, qua đó đẩy giá “vàng đen” lao dốc tuần thứ 5 liên tiếp, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm hạn chế những tổn hại kinh tế từ dịch bệnh này.

Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tại thị trường New York giao tháng 5/2020 hạ 1,09 USD (tương đương 4,8%) xuống 21,51 USD/thùng và lùi 5% trong cả tuần qua.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tại thị trường London cũng mất 1,41 USD (5,4%), xuống 24,93 USD/thùng, qua đó nới rộng đà giảm của cả tuần lên 7,6%.

Như vậy, cả 2 loại dầu chủ chốt này đều chứng kiến tuần giảm giá tứ 5 liên tiếp.

Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu thực phẩm đồ uống tăng khá mạnh trong tuần qua với các mã như VNM tăng 4,6%, BHN tăng 3,2%, SAB tăng 2,9%...

Các cổ phiếu trong ngành bảo hiểm cũng tăng mạnh như BVH tăng 10,1%, PTI tăng 20,2%, PVI tăng 1,4%...

Như vậy, thị trường có diễn biến dù không tích cực nhưng cũng đã không còn quá u ám.

Thị trường đang chịu ảnh hưởng song song các thông tin tích cực từ việc chính phủ các nước đang có những biện pháp kích thích, hỗ trợ nền kinh tế và những thông tin tiêu cực từ diễn biến dịch bệnh COVID-19.

Tại Việt Nam, tuần qua, thông tin đáng chú ý đối với nhà đầu là trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Bộ Tài chính đã đề xuất gia hạn hơn 80.200 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp.

Ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Tài Đinh Tiến Dũng đã ký Tờ trình số 47/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp với số tiền hơn 61.600 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 11.100 tỷ đồng; thuế của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là hơn 3.000 tỷ đồng; tiền thuế thuê đất hơn 4.500 tỷ đồng. Tổng số tiền gia hạn nộp thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính là 80.200 tỷ đồng.

Theo ý kiến của các chuyên gia, những đề xuất và giải pháp như dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp sẽ có thêm một phần nguồn lực tài chính trước mắt để cân đối, tính toán phục vụ cho việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, các nhà đầu tư kỳ vọng các nước sẽ tung thêm các gói cứu trợ kinh tế và các chương trình nới lỏng tiền tệ mới nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, sau khi Mỹ công bố báo cáo cho hay lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này chạm mức cao kỷ lục.

Nhiều thị trường chứng khoán có phản ứng tăng điểm trước thông tin chính phủ các nước tung ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế.

Kết thúc phiên phiên cuối tuần qua, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,3%. Trong khi đó, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 3,88% lên 19.389,43 điểm. Tính chung cả tuần chỉ số này tăng 17,1%.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 31,49 điểm (1,87%), đóng cửa ở mức 1.717,73 điểm. Hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt ngả sắc xanh, nhờ các nhà đầu tư hoan nghênh gói kích thích kinh tế “khổng lồ” của Mỹ và cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm xoa dịu mối lo ngại về tình hình căng thẳng thanh khoản.

Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 131,94 điểm (0,56%) và 7,29 điểm (0,26%), lên 23.484,28 điểm và 2.772,20 điểm. Tính chung cả tuần này, chỉ số Hang Seng tăng 3%.

Tuy nhiên, nhà đầu tư tại một số nước vẫn còn nhiều lo ngại về dịch bệnh COVID-19 hơn là sự tích cực từ các gói kích thích kinh tế “khổng lồ” mà các nước đưa ra, khiến thị trường chứng khoán đi xuống.

Cũng trong phiên cuối tuần (ngày 27/3), thị trường Sydney của Australia, Wellington của New Zealand, Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc) và Manila của Philippines lại đi xuống trong phiên này.

Trong khi đó, phiên cuối tuần qua (27/3), tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm 915,39 điểm, tương đương 4,06%, xuống còn 21.636,78 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 88,6 điểm, tương đương 3,37%, xuống còn 2.541,47 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 295,16 điểm, tương đương 3,79%, xuống còn 7.502,38 điểm.

Chỉ số STOXX 600 tại châu Âu giảm 3,26% còn chỉ số MSCI giảm 2,39%.

Các tin khác