TTCK: 11 năm trưởng thành trong gian khó

Tính từ thời điểm sàn GDCK TP. HCM sáng đèn đến nay đã tròn 11 năm. Khoảng thời gian còn ngắn để một dạng thức thị trường bậc cao hòa nhập vào nền kinh tế Việt Nam. Những vấp váp, khó khăn là hiển nhiên trong buổi ban đầu, nhưng những gì mà TTCK đã làm được, đã đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận. Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường đã thẳng thắn nhìn lại những thăng trầm trong 11 năm qua.

Tính từ thời điểm sàn GDCK TP. HCM sáng đèn đến nay đã tròn 11 năm. Khoảng thời gian còn ngắn để một dạng thức thị trường bậc cao hòa nhập vào nền kinh tế Việt Nam. Những vấp váp, khó khăn là hiển nhiên trong buổi ban đầu, nhưng những gì mà TTCK đã làm được, đã đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận. Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường đã thẳng thắn nhìn lại những thăng trầm trong 11 năm qua.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN:
Ghi nhận sự bền bỉ của các NĐT

Ra đời trong bối cảnh các yếu tố thị trường của nền kinh tế chưa được xác lập đồng bộ, điều này được thể hiện rõ qua sự phối hợp giữa chính sách tài chính, ngân hàng, nên TTCK đã có sự biến động nhiều chiều sau 11 năm phát triển.

11 năm nhìn lại, TTCK Việt Nam đã thực sự có sự trưởng thành sau khi nỗ lực vượt qua nhiều gian khó, qua đó đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đáng kể nhất là đảm bảo thị trường vận hành an toàn, ổn định ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, điều mà không phải thị trường non trẻ nào cũng đạt được.

Đơn cử như TTCK Indonesia đã 2 lần đổ vỡ, Thái Lan 1 lần và phải 10 năm sau mới được khôi phục hoạt động. Kết quả này có được là bởi ngay từ đầu TTCK đã có cơ quan quản lý, có hệ thống luật pháp điều chỉnh tương đối đồng bộ và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của NĐT, họ đã bền bỉ tham gia thị trường ngay vào những thời điểm khó khăn nhất và điều này được thể hiện rõ qua 6 tháng đầu năm 2011.

Sự trưởng thành của thị trường được thể hiện sinh động qua nhiều con số. So với cách đây 11 năm, quy mô thị trường hiện tăng trên 50 lần, vốn hoá năm đầu tiên dưới 1% GDP, nhưng cuối năm 2010 đạt gần 39%. Khối lượng giao dịch cũng tăng cỡ 60 - 70 lần so với năm đầu tiên giao dịch. Công ty niêm yết trong năm đầu tiên thị trường hoạt động chỉ hơn 10 DN, nay tăng lên gần 700 DN.

Huy động vốn thực sự là điểm đáng chú ý hơn cả, khi năm 2010 huy động vốn qua TTCK đạt trên 100.000 tỷ đồng, đỉnh cao là năm 2007 đạt 127.000 tỷ đồng. Luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thời điểm cao nhất lên đến 12 tỷ USD, nay khoảng 6,7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân thanh toán, cũng như gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt NĐT quốc tế. TTCK đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, hiệu quả cho nền kinh tế.

Hiện TTCK đối mặt với nhiều khó khăn, nên UBCK đang triển khai một số giải pháp để hỗ trợ thị trường, trong đó tập trung chủ yếu vào tháo gỡ khó khăn về thanh khoản và cải thiện tâm lý cho thị trường. Cụ thể, UBCK đang khẩn trương hoàn chỉnh các giải pháp kỹ thuật để triển khai Thông tư 74/2011/TT-BTC sao cho hiệu quả, an toàn. UBCK đặc biệt coi trọng việc kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch ký quỹ khi nghiệp vụ này được triển khai thời gian tới.

Trong bối cảnh TTCK khó khăn hiện tại, UBCK khuyến khích các CTCK tạm thời thu hẹp hoạt động kinh doanh theo chiều rộng, trong đó tập trung giảm bớt nghiệp vụ, tái cấu trúc nhân sự, thậm chí là chủ động mua bán, sáp nhập. UBCK đang nỗ lực giảm thiểu thủ tục hành chính, cũng như thời gian thẩm định hồ sơ phát hành tăng vốn. UBCK cũng đang tập trung hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, nhằm đồng bộ hoá hành lang pháp lý, qua đó hỗ trợ TTCK phát triển minh bạch, hiệu quả hơn.

Nghị quyết 11 vẫn phải kiên định triển khai, nhưng hy vọng sắp tới chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực như chứng khoán và BĐS có ứng xử uyển chuyển hơn. Giải quyết được nút thắt này sẽ hỗ trợ tích cực không chỉ cho sự tăng trưởng của DN, mà quan trọng hơn là dần phục hồi hoạt động huy động vốn cho nền kinh tế  qua TTCK.

Ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở GDCK TPHCM:
Qua thăng trầm xã hội đã hiểu hơn về TTCK

Năm 2011, TTCK tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và bất ổn. Kinh tế trong nước tồn tại những bất ổn vĩ mô về nhập siêu, tỷ giá, lạm phát biến động, gây khó khăn cho DN niêm yết.

Trong bối cảnh đó, TTCK đã giảm sâu. Nhiều NĐT bị thua lỗ, đặc biệt là các quỹ đầu tư dài hạn. Các định chế tài chính nước ngoài khó huy động vốn, huy động nguồn lực từ bên ngoài.

Thị trường đã trải qua các giai đoạn biến động lớn 2001 - 2002, 2008 - 2009 và năm nay cũng là năm đặc biệt khó khăn, khiến các chủ thể tham gia thị trường cũng như xã hội nói chung hiểu hơn TTCK. Rằng NĐT không chỉ có kiếm tiền, kiếm tiền dễ trên TTCK, mà phải đối mặt với rủi ro cao, chịu thua lỗ.

Để TTCK hoạt động hiệu quả và trở thành kênh dẫn vốn cho DN là không dễ, còn phải làm nhiều việc, nhất là chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ tốt thì TTCK mới tốt được.

Qua 11 năm, các định chế, NĐT  phát triển khá nhanh, nhưng chất lượng thị trường cần phải xem xét. Chất lượng hàng hóa phải được nâng cao. Nhóm CTCK phải làm rõ các mảng hoạt động thế mạnh là môi giới, tư vấn và đầu tư. Số lượng CTCK hiện tại là quá nhiều so với quy mô thị trường. Theo tôi, TTCK Việt Nam chỉ cần 1/3 số CTCK hiện nay là vừa.

Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi. Nghị định này sẽ nâng cao chuẩn DN niêm yết. HOSE và các CTCK đang test phần mềm, đặc biệt là phần mềm giám sát để chuẩn bị áp dụng nghiệp vụ margin, mua bán chứng khoán cùng phiên, mở nhiều tài khoản…

TTCK còn rất sơ khai, nhưng khung pháp lý đang mở dần và khi đầu tư xong hệ thống phần mềm mới, chúng ta đủ điều kiện triển khai nhiều giải pháp mới  để thị trường vận hành tốt hơn.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội:
11 năm - thành công và trăn trở

11 năm của TTCK Việt Nam là một câu chuyện dài, nhiều thành công và trăn trở. Không thể phủ nhận DN đại chúng, dù niêm yết hay chưa niêm yết đều đã biết, tiếp cận và sử dụng hiệu quả kênh huy động vốn qua TTCK. Trong khoảng 11 năm, lượng vốn huy động từ việc DN phát hành chứng khoán là rất lớn. Tính riêng lượng vốn huy động mà UBCK cấp phép đã lên tới con số hàng trăm nghìn tỷ đồng, lượng vốn các DN chưa niêm yết, nhất là khối NHTM huy động từ phát hành chứng khoán còn lớn hơn.

Thứ hai, nhờ có TTCK, tư duy về quản lý và quản trị DN được cải thiện đáng kể. Với sự thành công của hệ thống quản trị DN niêm yết, xu hướng sắp tới là áp dụng thông lệ quản trị công ty niêm yết cho cả DN đại chúng và DNNN nói chung.

Thứ ba, hệ thống DN minh bạch hơn. Với việc thị trường trái phiếu và cổ phiếu phát triển, các nhà tạo lập chính sách đã nhìn nhận, sự công khai, minh bạch về chính sách là một trong những phương thức quan trọng để giữ vững uy tín cho các cấp quản lý nhà nước và DN, là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đóng góp của TTCK vì thế không chỉ ở câu chuyện huy động vốn dài hạn, mà là góp phần thay đổi hệ thống nhận thức, hệ thống tư duy về quản trị, minh bạch.

Thứ tư, hệ thống NĐT với sự hiểu biết về chứng khoán tăng lên rất nhiều, họ biết rõ hơn về lợi thế thị trường, tính ưu việt của TTCK, từ đó vừa sử dụng thị trường như một công cụ để sinh lợi, vừa học thị trường về cách phòng tránh rủi ro.

Tuy nhiên, với tình hình TTCK như hiện nay, nhiều chủ thể đang rất khó khăn, không chỉ xuất phát từ nội tại thị trường, mà còn xuất phát từ những khó khăn vĩ mô. Tôi cho rằng, để TTCK phát triển lâu dài, đầu tiên là cần sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, trong đó chính sách rõ ràng, nhất quán của Chính phủ trong các định hướng phát triển kinh tế và giải pháp phát triển kinh tế là quan trọng số một.

Bên cạnh đó, các chính sách trong lĩnh vực phát hành, niêm yết, quản trị DN, chính sách thuế và chính sách liên quan đến Luật Chứng khoán cần hoàn chỉnh, nhất quán, tạo điều kiện cho TTCK ổn định, phát triển.

Các tin khác