Triển vọng ngành nhựa

Dù DN ngành nhựa đang đối mặt với tình hình khó khăn chung và bản thân ngành có sự phân hóa, nhưng nhìn chung triển vọng đầu tư vào CP ngành nhựa vẫn rất lớn.

Dù DN ngành nhựa đang đối mặt với tình hình khó khăn chung và bản thân ngành có sự phân hóa, nhưng nhìn chung triển vọng đầu tư vào CP ngành nhựa vẫn rất lớn.

Phân hóa trong nội bộ

Trong 1.200 DN nhựa trên cả nước, hiện có khoảng 460 DN sản xuất nhựa bao bì (nhưng mới chỉ có 14 DN niêm yết trên TTCK) và khoảng 180 DN sản xuất nhựa xây dựng (có 4 DN niêm yết trên TTCK là BMP, NTP, DAG và DNP). Tăng trưởng doanh thu trung bình năm 2010 của các DN nhựa đang niêm yết khá cao (27%) nhờ mức tăng trưởng cao của các DN sản xuất nhựa bao bì (trung bình 37%).

Các DN nhựa bao bì có mức tăng trưởng doanh thu thuần cao nhất năm 2010 là DTT (93%), AAA (77,5%) và DAG (51%). DN có tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất năm 2010 là SPP (219%), AAA (140,9%), RDP (72,9%) và TPP (38,8%).

Điều đặc biệt trong phân ngành nhựa bao bì đã có sự phân hóa rõ rệt về mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Sự phân hóa này do mặt hàng của các DN khá đa dạng và không có sự cạnh tranh trực tiếp. Đặc điểm chung của hầu hết DN nhựa bao bì là doanh thu và lợi nhuận thường cao nhất vào quý I và quý IV, do tính chất thời vụ của ngành thực phẩm.

Ngành thực phẩm tăng trưởng tốt năm 2010 và ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế so với các ngành khác, nên bao bì thực phẩm là một trong số ít phân khúc có tăng trưởng lợi nhuận trung bình năm 2010 dương. TPC có lợi nhuận giảm 31% so với năm trước do phát sinh chi phí trích lập dự phòng đầu tư thêm 4 tỷ đồng (gần 10% lợi nhuận) cho 2 mã CP là ALT và EIB.

Ngược lại, các DN trong phân ngành nhựa xây dựng có tốc độ tăng trưởng doanh thu không cao nhưng khá đồng đều (khoảng 20%), trừ DAG với doanh thu đột biến trên 50%. Xu hướng của các DN nhựa xây dựng thường có doanh thu cao nhất trong quý II và quý IV, do đó là mùa cao điểm xây dựng.

Dù tăng trưởng doanh thu chậm nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp cho các DN nhựa xây dựng lại cao nhất trong các phân ngành (trung bình 25,6%). Tỷ suất lợi nhuận gộp của NTP cao nhất với 33,9% do DN này nhập khẩu nguyên phụ liệu theo phương thức đấu thầu và hạt nhựa được nhập với giá thấp nhất. Đây là một lợi thế chỉ DN lớn nhất trong ngành mới có được (gồm cả BMP). DNP cũng là DN duy nhất trong phân ngành nhựa xây dựng đạt kế hoạch lợi nhuận năm 2010 do chi phí lãi vay tăng đột biến.

 Tăng trưởng bền vững

DN sản xuất nhựa bao bì có mức tăng trưởng cao. Ảnh: LÃ ANH

DN sản xuất nhựa bao bì có mức tăng trưởng cao. Ảnh: LÃ ANH

Theo thống kê, các DN sản xuất nhựa có tỷ lệ vay ngắn hạn và dài hạn trung bình 46% và 18%, tương ứng với hệ số thanh toán nhanh trung bình 1,44 và hệ số nợ trung bình 1,12. Các khoản vay ngắn hạn chủ yếu để nhập khẩu hạt nhựa và đầu tư máy móc thiết bị mới.

Trung bình số ngày tồn kho của các DN nhựa là gần 90 ngày (cứ sau 3 tháng phải nhập nguyên liệu một lần), nhưng số ngày trung bình để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu khá ngắn (30 ngày) so với số ngày các DN nhựa cần để thu hồi nợ từ khách hàng (65 ngày).

Do đó, để bảo đảm nguồn vốn lưu động trả cho nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất, tỷ lệ lãi vay ngắn hạn của các DN nhựa cao trong cả 4 quý. Trong số các thông tin hiện có về tình trạng vay ngoại tệ của DN, ngoài tỷ lệ vay nội tệ, còn có tỷ lệ vay ngoại tệ khá cao trong tổng nợ như DPP, DPC, RDP và DAG. Với lãi suất USD ở mức 7-8%/năm (quý IV-2011), các DN này chịu thêm rủi ro do VNĐ mất giá

Tuy rủi ro nợ khá cao, việc các DN sử dụng nợ để đầu tư vào máy móc thiết bị và công xưởng hứa hẹn tăng trưởng về sản lượng và cũng là tăng trưởng vững chắc nhất. Nhìn chung, khả năng chi trả nợ của các DN nhựa là yếu tố rất quan trọng để có thể tiếp tục hoạt động.

Trên thực tế, những DN có tỷ lệ vay dài hạn cao như AAA (33%), BXH (15%), RDP (16%) và DTT (21,1%) đều đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị mới. Chẳng hạn, AAA hiện đang trong giai đoạn 1 của nhà máy mới An Phát Mineral. DTT hoàn thành xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Đô Thành tháng 2-2011.

Trong khi đó, các DN có vốn lưu động lớn như BMP (580 tỷ đồng), NTP (435 tỷ đồng), TTP (367 đồng) có tỷ lệ vay ngắn hạn và dài hạn thấp hơn các DN khác nên rủi ro về nợ ít hơn.

Theo thống kê trung bình, P/E của ngành nhựa đang ở mức xấp xỉ 10x, nhưng thực tế các DN lớn đầu ngành như NTP hoặc BMP chỉ giao dịch trên 5x. Đây đều là DN có thị phần lớn trong phân khúc sản phẩm hiện hữu, lợi nhuận cao và tăng trưởng đều đặn.

Theo phân tích của CTCK SME, so với các DN cùng ngành trong khu vực, P/E của ngành nhựa Việt Nam không rẻ hơn nhưng tách riêng top các DN đầu ngành lại có mức định giá hấp dẫn. Do được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định trong 5 năm tới, đây là ngành có nhiều lợi thế để mua vào.

Dự báo, tăng trưởng doanh thu của các DN nhựa niêm yết năm 2011 sẽ bền vững hơn nếu dựa trên tăng trưởng về năng suất hơn là đơn thuần về giá cả. Trong ngành nhựa, các DN đứng đầu từng phân khúc - nhất là các DN đang hoặc có xu hướng mở rộng sản xuất bao bì nhựa tái sinh và chai nhựa PET- và nhựa xây dựng có tiềm năng lớn nhất.

Các tin khác