Triển vọng doanh nghiệp dầu khí

(ĐTTCO)-Hiện nay, từ các hoạt động khai thác thăm dò đến các hoạt động hạ nguồn, ngành dầu khí đang đón đợi các dự án để chỉ duy trì hoạt động, mang lại nguồn thu cho ngân sách, và xa hơn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều này cho thấy triển vọng của doanh nghiệp (DN) dầu khí tham gia chuỗi dây chuyền dầu khí, từ hoạt động khai thác thượng nguồn (Upstream), thăm dò đến các hoạt động hạ nguồn lọc hóa dầu, hóa chất, dịch vụ dầu khí…
Triển vọng doanh nghiệp dầu khí
Hiện các dự án lớn như Lô B Ô Môn, Sao Vàng Đại Nguyệt, Cá Voi Xanh đều mang lại công việc cho các DN Upstream, bao gồm các gói thầu khoan khai thác, dịch vụ khoan, dịch vụ tàu dầu khí và các cảng. Các hoạt động đấu thầu cơ khí, xây lắp sẽ mang lại công việc và doanh thu cho các DN như PVS, PVB, PXS, PVEP…
Đối với hoạt động trung nguồn, các DN dầu khí kỳ vọng rất nhiều vào Lô B Ô Môn, bao gồm các dự án bọc ống, phân phối khí, sẽ mang lại lợi thế cho các DN như PVGas, PVB…
Ngoài ra, đối với các hoạt động hạ nguồn như lọc hóa dầu cũng được kỳ vọng, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ cuối 2018. Theo đó, các sản phẩm xăng, dầu sẽ được phân phối đến các DN bán buôn và bán lẻ lớn như PLX, PVOIL. 
GAS - Tiềm năng lớn giai đoạn 2019-2025
6 tháng đầu năm, hệ thống khí của PVGas hoạt động ổn định, mỏ Phong Lan Dại đấu nối vào hệ thống khí Nam Côn Sơn và cung cấp khí kể từ đầu năm, đã giúp DN này vượt chỉ tiêu sản lượng và tài chính. Theo đó, PVGas đã tiếp nhận 5.323 triệu m3 khí ẩm, bằng 103% kế hoạch 6 tháng (tương đương cùng kỳ 2018) và bằng 55% kế hoạch năm; đã xử lý và phân phối 5.167 triệu m3 khí khô cho khách hàng, bằng 104% kế hoạch 6 tháng và 55% kế hoạch năm.
Công ty mẹ sản xuất và cung cấp 782.000 tấn LPG (trong nước 517.900 tấn), bằng 127% kế hoạch 6 tháng (tăng 1% so với cùng kỳ 2018) và bằng 64% kế hoạch năm. 
Hiện nay, PVGas đang quản lý và vận hàng 4 hệ thống cung cấp khí và vận chuyển khí vào bờ, gồm các hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau và Tiền Hải - Thái Bình (trong đó lượng khí qua hệ thống khí bể Cửu Long có dấu hiệu sụt giảm).
Bên cạnh một số sự cố giàn, máy nén, PVGas cũng thực hiện các đợt bảo trì, đại tu và sửa chữa hệ thống cung cấp khí tại các mỏ Rồng - Đồi Mồi, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen, Sư Tử Trắng, Đại Hùng, Tê Giác Trắng.
Trong năm 2019, PVGas tiếp tục làm việc với Vietsopetro để thống nhất dự thảo hợp đồng thuê công suất nén khí giàn Rồng Đồi Mồi - Rồng Mở Rộng; bổ sung hợp đồng mua bán khí và điều chỉnh cước phí vận chuyển Thiên Ưng - Đại Hùng giai đoạn 2017-2020; làm việc với PVN và Vietsovpetro sửa đổi bổ sung hợp đồng thu gom và nén khí Cửu Long về bờ, như bổ sung khí Cá Tầm, dịch vụ nén khí qua tổ máy nén số 7. 
Một số dự án đầu tư lớn và hứa hẹn mang lại cho PVGas tiềm năng sắp tới, như đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2; thu gom và vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng; đường ống dẫn khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt; kho chứa LNG tại Thị Vải; kho cảng nhập LNG tại Sơn Mỹ - Bình Thuận…

PVS - Duy trì tiềm năng tăng trưởng 2019
Các mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi của PTSC (PVS) gồm các hoạt động dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng; cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác tàu chứa FSO/FPSO, căn cứ cảng dầu khí; vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình dầu khí; khảo sát địa chấn, địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm.
Trong đó, mảng hoạt động ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất là cơ khí dầu khí. Kết quả doanh thu thực hiện 6 tháng đầu năm, tính riêng mảng cơ khí (M&C) khoảng 5.319 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ 2018. 
Trong 6 tháng đầu năm, PTSC tiếp tục tập trung hoàn thành hạng mục công việc của các dự án Sao Vàng Đại Nguyệt (tiến độ tổng thể đã đạt 52,14%); GALLAF - Al Shaheen (tiến độ tổng thể đạt 10,89%); Nam Du/U Minh Field Development Project (tiến độ tổng thể đạt 93,27%).
Bên cạnh đó, PTSC tiếp tục thực hiện an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình công nghiệp trên bờ, gồm dự án Vopak - Galaxy Expansion Phase III (tiến độ tổng thể đạt 55,18%); tham gia đấu thầu cũng như tích cực chuẩn bị nguồn lực cần thiết để thực hiện gói thầu EPC phần đường ống trên bờ và các trạm (EPC-3) thuộc dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh; dự án Kho cảng nhiên liệu hàng không Nam Đình Vũ…

PV Drilling - Sôi động các giàn khoan
 Nhiều DN dầu khí kỳ vọng các hoạt động khai thác và tìm kiếm dầu khí được Chính phủ và PVN huy động thêm vốn hỗ trợ.
Hiện 4/6 giàn khoan Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) đang sở hữu đều tham gia các chiến dịch khoan trong và ngoài nước; tham gia đấu thầu giàn khoan nước sâu TAD V cho chiến dịch khoan tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt, hoặc các dự án khoan tại Brunei… hứa hẹn mang lại doanh thu đột biến cho DN trong năm 2020.
Theo đó, giàn khoan PV Drilling I đang tiến hành khoan cho Công ty Hibiscus ngoài khơi Malaysia từ tháng 5-2019, với chương trình khoan 6 tháng firm + 4 tháng option + 6 tháng option. Giàn khoan PV Drilling II đang khoan cho Công ty Sapura Energy ngoài khơi Malaysia.
Sau đó, giàn khoan này sẽ được lai kéo về Việt Nam để thực hiện hợp đồng cho JVPC, với chương trình khoan 2 giếng, kéo dài đến khoảng tháng 9 tới. Sau chiến dịch khoan của JVPC, giàn khoan PV Drilling II có thể được huy động để khoan cho các khách hàng nước ngoài đến cuối năm 2020. 
Giàn khoan PV Drilling III tiếp tục khoan cho Công ty Repsol Malaysia theo hợp đồng gia hạn 1 năm từ tháng 3-2019, dự kiến kết thúc vào tháng 3-2020. Giàn khoan PV Drilling V đã được đưa vào neo đậu ở trạng thái hoạt động một phần (cold stack) tại cầu cảng PV Shipyard Vũng Tàu từ tháng 11-2016.
Giàn khoan PV Drilling VI hiện đang khoan cho ENI Việt Nam, dự kiến được đưa sang Malaysia để khoan cho Công ty Sapura Energy, với chương trình 6 giếng chắc chắn + 2 giếng dự phòng. Sau chương trình khoan này, PV Drilling VI sẽ thực hiện hợp đồng khoan cho Công ty Rosneft tại Việt Nam, với thời gian khoảng 1 năm. 

Các tin khác