CP vận tải biển: Tiến thoái lưỡng nan

(*Nhiều mã có giá 800 đồng, 900 đồng đến 2.000 đồng/CP)

(*Nhiều mã có giá 800 đồng, 900 đồng đến 2.000 đồng/CP) 

Khó khăn của ngành vận tải biển khiến NĐT đang nắm giữ CP của các doanh nghiệp này gặp nhiều bất trắc, bán cắt lỗ cũng không xong nhưng giữ lại có nguy cơ mất trắng, bởi nguy cơ hủy niêm yết đang treo lơ lửng.

Tương lai u ám

Cùng với ảnh hưởng chung từ nền kinh tế thế giới, nhu cầu vận tải hàng hóa sụt giảm đã kéo giá cước vận tải giảm mạnh kể từ năm 2008. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào là xăng, dầu lại tăng mạnh cũng khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp vận tải biển liên tục sụt giảm.

Do sử dụng nợ vay cao, đặc biệt là nợ vay ngoại tệ, nên chi phí tài chính của các doanh nghiệp vận tải biển đều tăng dưới tác động của tỷ giá và lãi suất. Khoản chi phí này đã tạo nên áp lực lớn cho lợi nhuận ròng, nên hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận mức lợi nhuận thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng ứ đọng hàng hóa và áp lực cạnh tranh cũng là một khó khăn lớn của các doanh nghiệp. 2011 cũng là năm bắt đầu xuất hiện hiện tượng tồn đọng hàng hóa tại một số khu vực trên thế giới, khiến lĩnh vực này thêm u ám. Khó khăn của các tuyến đường vận tải quốc tế tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2012 và những năm tiếp theo bởi hàng loạt yếu tố không thuận lợi.

Đó là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa có tín hiệu kết thúc, các nền kinh tế khác vẫn trong tình trạng tăng trưởng chậm, đặc biệt là mức tăng trưởng đang chậm lại của kinh tế Trung Quốc…

Chính vì vậy, tình trạng cung vượt cầu của thị trường thế giới dự báo vẫn còn kéo dài đến năm 2013. Theo đó, các tuyến vận tải của Việt Nam đi quốc tế dự báo vẫn chưa thể hồi phục trong năm nay. Diễn biến nghịch chiều của giá cước và giá đầu vào dự kiến vẫn tiếp diễn trong năm 2012.

Các chỉ số thuê tàu vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là chỉ số thuê tàu hàng khô Batic (BDI Index) vẫn ở mức thấp từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá cước khó có thể điều chỉnh tăng mạnh do nhu cầu vẫn còn thấp, nguồn cung vượt cầu.

Cùng với đó, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng, khấu hao lớn từ các tàu mới sẽ khiến lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục bị thu hẹp. Kéo theo là áp lực từ các khoản nợ vay dài hạn gần đến hạn trả.

Nguy cơ hủy niêm yết hàng loạt

Tình hình kinh doanh khó khăn trong khi tương lai không mấy sáng sủa đã đẩy các doanh nghiệp vận tải rơi vào vòng xoáy thua lỗ. Theo thống kê, hơn nửa số doanh nghiệp vận tải biển niêm yết vẫn tiếp tục báo lỗ trong quý III-2012 và nhiều doanh nghiệp trong số này có nguy cơ hủy niêm yết do lỗ vượt quá vốn điều lệ.

Có thể nhắc đến trường hợp đầu tiên là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS). Đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm này và cũng là doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn nhất. Tính riêng quý III-2012, VOS lỗ hợp nhất quý thứ 3 liên tiếp là 25,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế 9 tháng gần 127,6 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối âm 109 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là CTCP Vận tải biển và thuê tàu (VST). Doanh nghiệp này cũng lỗ trong cả 3 quý đầu của năm 2012 với mức lỗ lũy kế 9 tháng năm 2012 lên đến 89,6 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối âm hơn 40 tỷ đồng.

Các trường hợp đứng trước khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ vượt quá vốn điều lệ còn có CTCP Container phía Nam (VSG). Theo BCTC quý III-2012, VSG tiếp tục lỗ 5,5 tỷ đồng trong quý III, lợi nhuận chưa phân phối đến cuối quý âm 120,7 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ 110,4 tỷ đồng.

Được biết, VSG đã lỗ trong 2 năm 2010 và 2011. CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM) lỗ thêm 26 tỷ đồng trong quý III-2012, khiến lợi nhuận chưa phân phối tính tới 30-9 âm 95,8 tỷ đồng. Như vậy, DDM có khả năng rơi vào diện bị hủy niêm yết nếu kết quả kinh doanh quý IV-2012 không được cải thiện và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 có số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC) cũng nằm trong tình trạng báo động với con số thua lỗ lũy kế đến tính đến cuối quý III đạt gần 60 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ 43,4 tỷ đồng.

Phó mặc số phận?

Trong bản giải trình về nguyên nhân thua lỗ hơn 12,7 tỷ đồng trong quý III-2012, ông Cao Minh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA), thừa nhận thị trường vận tải biển trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn như lượng hàng ít, giá cước vận tải thấp.

Bên cạnh đó, thị trường cho thuê tàu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trong khi giá cước cho thuê vẫn ở mức rất thấp, đã tác động mạnh đến hoạt động và doanh thu vận tải biển.

NĐT nắm giữ CP vận tải biển đang trong thế tiến thoái lưỡng nan.

NĐT nắm giữ CP vận tải biển đang trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Trong khi đó, giá nhiên liệu, lãi vay, chi phí sửa chữa và các chi phí khác lại tăng cao. Cụ thể, chi phí lãi vay của VNA lên đến 10 tỷ đồng và 2 tàu lên đà sửa chữa lớn là Mỹ Thịnh và Vinaship Sea. Giải trình của VNA cũng không khác mấy so với các doanh nghiệp còn lại và qua cách giải trình này có thể thấy được rằng các doanh nghiệp vận tải biển đang phó mặc cho số phận. Chỉ có phép màu mới có thể giúp các doanh nghiệp vận tải biển thoát khỏi tình trạng bi đát như hiện nay.

 Nếu lãnh đạo doanh nghiệp bó tay trong việc vượt thoát thì NĐT nắm giữ CP vận tải biển cũng trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Đa phần NĐT đều thua lỗ nặng do xu hướng giao dịch của những mã CP này gần như “chúi đầu” đi xuống trong những năm gần đây và nhóm CP vận tải biển đang có giá thấp nhất trên TTCK. Điển hình nhất là trường hợp của VOS. Từ mức giá hơn 15.000 đồng/CP cách đây 2 năm, đến nay VOS chỉ còn 2.200 đồng (tương đương giảm 85%).

Dù vậy, mức giá 0.2 của VOS vẫn còn khả quan hơn nhiều nếu so với DDM hiện chỉ còn 800 đồng/CP, VSG là 900 đồng/CP. Đến thời điểm hiện nay, giá CP của phần lớn doanh nghiệp vận tải biển còn lại cũng chỉ quanh quẩn mức 2.000 đồng/CP.

Dù thua lỗ nặng nhưng việc cắt lỗ hết sức khó khăn đối với NĐT, bởi thanh khoản của nhóm CP vận tải biển đang ở mức rất thấp. Chỉ cần nắm giữ hơn 10.000 CP thì việc bán ra đối với NĐT đã không dễ vì nhiều mã thậm chí không có CP nào được giao dịch trong phiên. Thoái vốn không được nhưng giữ lại cũng không xong bởi nguy cơ bị hủy niêm yết đang treo lơ lửng trên đầu.

Các tin khác