Trái phiếu riêng lẻ theo luật nào?

(ĐTTCO)-Việc luật hóa các quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP, trong đó có quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ (TPRL) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng (CTĐC), đang có những ý kiến khác nhau. Theo ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên đưa các quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP vào Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính, cho rằng nên luật hóa vào Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Luật Doanh nghiệp
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan này đang được giao chủ trì thẩm tra 3 dự án luật có liên quan đến phát hành TPRL. Trong đó, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định về phát hành TPRL của CTĐC và dự kiến luật hóa quy định của Nghị định 163/2018/NĐ-CP; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp quy định tại Điều 127 về phát hành TPDN; dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), cho phép doanh nghiệp dự án được phát hành TPDN dự án để huy động vốn thực hiện dự án PPP.
Tuy nhiên, trường hợp luật hóa quy định tại Nghị định 163 vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ phát sinh một số vấn đề. Cụ thể, cùng đối tượng là doanh nghiệp nhưng không phải là CTĐC, khi chào bán cổ phiếu riêng lẻ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, còn chào bán TPRL thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán. Điều này dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. 
Bên cạnh đó là sự không bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với CTĐC và doanh nghiệp không phải CTĐC. 
Theo quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ có trách nhiệm thanh, kiểm tra đối với gần 2.000 CTĐC. Trường hợp đưa hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty không phải CTĐC vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), ủy ban này phải tăng thêm công cụ và nguồn lực để có thể thanh, kiểm tra đối tượng này (với tiêu chuẩn tham gia thị trường thấp hơn nhiều so với CTĐC nhưng số lượng lại lớn hơn nhiều, khoảng 700.000 doanh nghiệp, trong khi việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp này được quản lý bởi 63 Sở Kế hoạch - Đầu tư).
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các ý kiến trong ủy ban đề nghị luật hóa quy định về phát hành TPRL đối với doanh nghiệp không phải là CTĐC tại Nghị định 163 vào Luật Doanh nghiệp, nhằm bảo đảm tính thống nhất và phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, đối với 2 loại hình CTĐC và không phải CTĐC.
Theo đó, Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của CTĐC, Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán (trong đó có TPRL của doanh nghiệp không phải là CTĐC).
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, việc luật hóa quy định tại Nghị định 163 vào Luật Doanh nghiệp không bị chậm, không tạo khoảng trống pháp lý và không ảnh hưởng đến việc áp dụng quy định pháp luật của doanh nghiệp.
Bởi lẽ, căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163, do vậy hiện tại các tổ chức và doanh nghiệp vẫn thực hiện phát hành TPRL theo các quy định hiện hành. 
Mặt khác, theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật PPP trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2020), có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Luật Chứng khoán
 Năm 2018, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 224.435 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm có 120 doanh nghiệp phát hành TPRL, với tổng giá trị thị trường khoảng 116.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ mà cụ thể là cơ quan soạn thảo lại khác khi nói về vấn đề luật hóa Nghị định 163 vào luật nào. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, TPRL của tổ chức phát hành không phải là CTĐC cũng là hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Việc quy định chào bán TPRL của tổ chức phát hành không phải là CTĐC tại Luật Chứng khoán là phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Theo đó, nhiều nước quy định cụ thể về phát hành TPRL, như điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục tại Luật Chứng khoán tương tự các loại chứng khoán khác do việc phát hành TPRL là hình thức vay và tự trả, tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp phát hành tuân thủ các điều kiện phát hành, công bố thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Vì vậy, việc quy định trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành về phát hành TPDN. Việc đưa phát hành TPRL của tổ chức phát hành không phải là CTĐC sang Luật Doanh nghiệp không thực sự phù hợp. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp không thể quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục phát hành, công bố thông tin, quản lý, giám sát sau khi phát hành để bảo vệ nhà đầu tư. 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cho doanh nghiệp phát hành TPDN nhưng nếu không quản lý tốt, để doanh nghiệp phát hành tràn lan không kiểm soát được, Ủy ban Chứng khoán không đủ sức để quản lý, không chỉ cổ phiếu mà còn TP, thậm chí cả TP quốc tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến tài chính của quốc gia cũng như đến vốn và quyền lợi của nhà đầu tư. 

Các tin khác