Trái đắng tài chính

Diễn biến bất thường của TTCK trong thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục nếm trái đắng vì lỡ sa chân vào lĩnh vực lành ít dữ nhiều này.

Diễn biến bất thường của TTCK trong thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục nếm trái đắng vì lỡ sa chân vào lĩnh vực lành ít dữ nhiều này.

CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) là một trong những DN tiên phong trong việc đầu tư trái ngành vào lĩnh vực tài chính, đây cũng là DN đầu tiên rơi vào cảnh “lấy nghề tay phải nuôi nghề tay trái”. Tuy nhiên, thay vì rút kinh nghiệm và quay trở lại tập trung vào lĩnh vực chính, DN này lại đổi tên để tập trung hẳn vào lĩnh vực tài chính và bất động sản. Kết quả của hướng đi mới này là khoản thua lỗ lên đến 14 tỷ đồng trong quý IV-2010. SAM công bố trong quý IV vừa qua đạt mức doanh thu hơn 188 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, điều đáng nói là mảng hoạt động tài chính của DN này ghi nhận con số âm gần 19 tỷ đồng do công ty điều chỉnh giảm phần doanh thu ghi nhận quý III-2010 lãi từ đầu tư vốn vào Sacom - Tuyền Lâm, dẫn đến hoạt động tài chính trong quý lỗ 28,5 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2009 lời gần 34 tỷ đồng.

Tương tự là trường hợp của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC). Dù xác định hướng đi chính vẫn hoạt động trong ngành nhựa nhưng DN này tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực tài chính theo kiểu “lỡ leo lưng cọp”. Cũng chính vì yếu tố này lợi nhuận của TPC vẫn cứ chạy theo biểu đồ của các chỉ số CK. Nghĩa là TTCK tăng thì lợi nhuận tăng, và ngược lại. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV-2010 do TPC công bố, lợi nhuận ròng chỉ đạt 524,92 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 30,16 tỷ đồng đạt được ở cùng kỳ năm 2009. Mặc dù doanh thu thuần trong kỳ của TPC tăng 52,43% so với cùng kỳ nhưng chi phí hoạt động tài chính quá lớn (dự phòng giảm giá đầu tư tài chính trong quý IV lên đến 12,5 tỷ đồng) khiến cho lợi nhuận vẫn teo tóp. Doanh thu cao nhưng không đủ bù chi phí nên lũy kế cả năm 2010 lợi nhuận sau thuế của TPC chỉ hơn nửa tỷ đồng, trong khi năm 2009 TPC đạt 59 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Điều đáng nói là không chỉ có các DN đầu tư trái ngành vào lĩnh vực tài chính mà ngay cả các DN với hoạt động chính là lĩnh vực tài chính cũng phải nếm mùi đau khổ mà điển hình nhất là CTCK Kim Long (KLS). Trong một thông báo mới đây, DN này tuyên bố chuyển đổi mô hình hoạt động sang các lĩnh vực khác chứ không đơn thuần là đầu tư tài chính như trước. Trước đó không lâu, KLS đã khiến giới đầu tư ngạc nhiên khi mang một lượng tiền mặt lớn gửi ngân hàng thay vì đầu tư vào TTCK. Không nói ra, chắc ai cũng biết lý do để KLS (được đánh giá là CTCK có thâm niên trên TTCK) đi đến quyết định này cũng chính từ sự thua lỗ liên tục ở mảng tự doanh (năm 2010 khoảng thua lỗ của KLS lên đến 172 tỷ đồng).

Thực tế, với TTCK còn nặng về mặt tâm lý và khó dự đoán như TTCK Việt Nam thì đầu tư huề vốn đã là thành công. Việc KLS “bỏ của chạy lấy người” cũng là điều không quá bất ngờ. Quan trọng nhất là DN có đủ dũng khí để nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm rút ra khỏi lĩnh vực “lành ít dữ nhiều” này không. Trước KLS, Tập đoàn Vincom đã có quyết định dứt khoát bằng việc thu hẹp hoạt động, sau đó bán toàn bộ CTCK Vincom khi nhận thấy lĩnh vực này không mang lại hệu quả như mong đợi.

Các tin khác