TPB có giao dịch trên giá trị thật?

(ĐTTCO)-Việc NHTMCP Tiên Phong (TPBank, mã CK: TPB) không thể phân phối hết số cổ phiếu (CP) phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), khiến cho giới đầu tư đặt dấu hỏi về giá trị thật của CP TPB. 
TPB có giao dịch trên giá trị thật?
ESOP cũng ế
Giữa tháng 8, HĐQT của TPB công bố phương án phát hành hàng trăm triệu CP để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ từ 8.565,8 tỷ đồng lên 10.716,7 tỷ đồng. Với kế hoạch này, TPB sẽ phát hành 163,31 triệu CP để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, phát hành thêm hơn 17,8 triệu CP cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2,18% để tăng vốn điều lệ.
Song song đó, TPB dự kiến phát hành 33,97 triệu CP ESOP (tương đương 4,16% vốn điều lệ). Với giá chào bán CP ESOP là 10.000 đồng/CP, NH dự kiến thu về số tiền xấp xỉ 340 tỷ đồng. Theo quy định, số CP phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 9 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành và tối đa trong vòng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tùy theo từng chương trình. 
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 30-11 (hạn chót đăng ký và nộp tiền mua CP ESOP), số lượng CP TPB được người lao động đăng ký và nộp tiền mua chỉ đạt hơn 33,2 triệu CP. Như vậy, số CP bị người lao động từ chối mua là 705.400 CP.
Có thể nói, đây là hiện tượng hết sức bất thường, bởi thời điểm này TPB đang được giao dịch trên HOSE với giá trên 20.000 đồng/CP (cao gấp 2 lần so với giá chào bán). Càng bất thường hơn khi trước đó, NH này công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý III với những con số khá ấn tượng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III, tổng thu nhập hoạt động của TPB đạt 7.103 tỷ đồng (tăng 22,79%), lợi nhuận trước thuế đạt 3.024 tỷ đồng (tăng 25,7% và hoàn thành 74,3% kế hoạch cả năm 2020), nợ xấu được kiểm soát dưới mức 2%. KQKD quý III là động lực chính giúp cho CP của NH này có đợt sóng tăng mạnh từ dưới mốc 19.000 đồng/CP lên hơn 25.000 đồng/CP (tương đương tỷ lệ tăng hơn 35%).

Quy mô nhỏ, thị giá cao
TPB được thành lập năm 2008 với các cổ đông ban đầu gồm: Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, CTCP Tập đoàn FPT, Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare), SBI Ven Holding Pte. Ltd (Singapore), Công ty Tài chính quốc tế IFC (thuộc Ngân hàng thế giới - World Bank) và quỹ đầu tư PYN Elite Fund.
Do mới được thành lập lại có quy mô khá khiêm tốn, nên TPB gặp rất nhiều khó khăn khi hệ thống NH rơi vào khủng hoảng những năm 2010. Sau giai đoạn tái cấu trúc 2012-2014 khá hiệu quả, kinh doanh của TPB không ngừng được cải thiện với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 42%/năm trong giai đoạn 2014-2019.
Cơ cấu tài sản sinh lãi của TPB cũng chuyển biến tích cực hơn với tỷ lệ cho vay khách hàng gia tăng đáng kể. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của TPB đã tăng mạnh từ 4,67% năm 2012 lên 26,1% cuối năm 2019.
Dù ghi nhận được những chuyển biến khá tích cực, nhưng theo nhận định của giới đầu tư, TPB vẫn chỉ được đánh giá là NH bán lẻ “chiếu dưới” do quy mô tài sản nhỏ. Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của TPB chỉ đạt hơn 181.000 tỷ đồng, xếp thứ 14 trong hệ thống NH. Nếu so với các NH đang niêm yết thì TPB chỉ xếp trên NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), NHTMCP Kiên Long (KLB), NHTMCP Bắc Á (BAB), NHTMCP Bản Việt (BVB). 
Phía ngược lại, nếu so với các NHTMCP niêm yết xếp trên thì TPB bị bỏ khá xa, như NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 391.000 tỷ đồng, NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) 395.000 tỷ đồng, NHTMCP Á Châu (ACB) 396.000 tỷ đồng, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) 399.000 tỷ đồng, NHTMCP Quân Đội (MBB) 421.000 tỷ đồng, NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) 481.000 tỷ đồng, NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) 242.000 tỷ đồng, NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) 213.000 tỷ đồng. 
Dù bị bỏ xa về quy mô và chất lượng tài sản, nhưng giá CP của TPB lại tương đương, thậm chí cao hơn rất nhiều so với các mã NH còn lại như: TCB (25.000 đồng/CP), HDB (22.000 đồng/CP), MBB (21.000 đồng/CP), SHB (18.000 đồng/CP), STB (15.000 đồng/CP), LPB (12.000 đồng/CP).

Khả năng cạnh tranh thấp 
Với hậu thuẫn của cổ đông chiến lược FPT, TPB đã chủ động theo đuổi chiến lược phát triển NH số.  Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng và gặp phải sự cạnh tranh từ các NH khác.
Không chỉ khiêm tốn về quy mô tài sản, TPB còn bị giới đầu tư đánh giá khá thấp về mạng lưới giao dịch, bao gồm số lượng chi nhánh và phòng giao dịch. Tính đến cuối năm 2019, TPB mới chỉ xây dựng được mạng lưới hoạt động gồm 35 chi nhánh và 40 phòng giao dịch.
Với số lượng chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước chỉ dừng ở con số 75, khiến cho độ nhận diện thương hiệu của TPB thấp, đặc biệt là làm giảm khả năng cạnh tranh trong việc thu hút tiền gởi, kéo theo dư nợ tiền gởi không kỳ hạn (CASA) không cao. 
Theo thống kê, CASA cuối năm 2019 của TPB chiếm 15,5%, giảm xuống chỉ còn 14,7% (cuối quý II-2020) do ảnh hưởng của Covid-19. Ngược lại, CASA của các NH niêm yết khác vẫn tăng dù ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh như: MBB (đạt 32,6%), TCB (32,6%), ACB (17,5%), STB (16%). 
Chiến lược hoạt động với mô hình NH bán lẻ tập trung nhiều vào hình thức cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, mua nhà và mua ô tô. Tuy vậy, hình thức cho vay mua ô tô cũng chính là con “dao 2 lưỡi” đối với TPB.
Ở phân khúc này, tính đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay đạt 17.578 tỷ đồng (tăng 16,6% và chiếm 18,2% tổng dư nợ cho vay). Đây là con số kỷ lục nếu so với thời điểm cuối năm 2015, dư nợ cho vay mua ô tô chỉ đạt 1.724 tỷ đồng (chiếm 6,1% tổng dư nợ cho vay). Đáng chú ý là dư nợ tăng kéo theo sự gia tăng về rủi ro từ nợ xấu. Tính đến cuối 2019, nợ xấu từ cho vay mua ô tô đã tăng lên mức 2,7% so với 0,7% cuối năm 2015. 
So với cho vay mua nhà, thời hạn cho vay mua xe ngắn hơn nên lợi suất thấp hơn. Đặc biệt, giá trị của xe ô tô giảm dần theo thời gian nên hình thức cho vay này rủi ro hơn so với cho vay mua nhà. Những yếu tố này cho thấy thị trường cho vay mua xe ở Việt Nam chỉ là thị trường ngách, nơi các NH có quy mô nhỏ tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong khi hiệu suất cho vay không cao.
Cũng vì lý do này, từ giữa năm 2019, TPB đã tích cực tập trung vào việc tái cấu trúc dư nợ cho vay, chuyển sang hình thức cho vay đảm bảo hơn như cho vay mua nhà thế chấp.  

Các tin khác