Tiền tươi từ F0 ‘giải cứu’ VN Index

(ĐTTCO) - Số lượng tài khoản CK mở mới (F0) được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi lãi suất ngân hàng chưa có dấu hiệu cải thiện. Đáng chú ý là dòng tiền tươi từ  F0 sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường, chứ không phải dòng tiền cho vay ký quỹ (margin).

Dòng tiền từ NĐT F0 đang dẫn dắt thị trường khi lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng
Dòng tiền từ NĐT F0 đang dẫn dắt thị trường khi lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng

Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên TTCK kể từ năm 2020 đến nay. Trong tháng 4, khối ngoại tiếp tục bán ròng 4.300 tỷ đồng trên sàn HoSE, và đây là tháng thứ 7 liên tiếp khối ngoại bán ròng. Thống kê cho thấy, nhóm CP VN30 bị bán ròng 3.700 tỷ đồng, tương đương 86% giá trị bán ròng của VN Index qua giao dịch khớp lệnh.

Tương tự, NĐT tổ chức trong nước cũng duy trì động thái bán ròng với giá trị gần 3.900 tỷ đồng, trong đó khối tự doanh của CTCK bán ròng 677 tỷ đồng. Những mã bị NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh là VPB, FUEVFVND, MBB, HNG, KDH, HPG, MWG, FLC, MSN. Trong khi đó, khối tự doanh bán mạnh FUEVFVND, HPG, VRE.

Trái ngược với động thái bán ra từ khối ngoại và tổ chức, số lượng tài khoản CK của NĐT F0 vẫn không có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, và đạt 65% so với cả năm 2020. Con số này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng khi lãi suất ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, và người dân có xu hướng rút tiền để tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời cao hơn.

Cuối năm 2020, tỉ lệ ký quỹ/vốn chủ sở hữu đạt đỉnh theo số liệu của FiinPro trong vòng 3 năm là 93%. Ngoài ra, việc một vài CTCK gần đạt đến ngưỡng tối đa của tỷ lệ này, đã phần nào giới hạn việc tăng lượng cho vay ký quỹ trên thị trường.

Ngoài yếu tố này, theo CTCK Rồng Việt (VDSC), việc giá trị giao dịch ký quỹ giảm mạnh từ quý III-2020 (hiện chỉ chiếm 13% tổng giá trị giao dịch) cho thấy dòng tiền tươi từ người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo, và sẽ giúp thị trường đi xa hơn khi không quá phụ thuộc vào vốn vay ký quỹ.

Thực tế này cho thấy, dòng tiền cho vay ký quỹ giảm không còn là yếu tố quan trọng làm cản trở đà tăng của VN Index, khi nhiều CTCK, đặc biệt các CTCK lớn (chiếm 37% tổng dư nợ cho vay ký quỹ vào cuối năm 2020) đã công bố kế hoạch tăng vốn như SSI, HSC, VCSC, VN Direct.

Thế khó của VN Index trong bối cảnh hiện nay chính là thời điểm thị trường rơi vào ”vùng trũng” thông tin. Tin tốt của thị trường là kết quả kinh doanh của các CP trụ trong VN30 như nhóm Vingroup và ngân hàng đã được công bố vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Các tin khác