Tiền sầm sập đổ vào chứng khoán

(ĐTTCO)-Những phiên giao dịch cuối tháng 11 thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến kỷ lục về giá trị giao dịch liên tiếp. Trong khi các kênh đầu tư khác như vàng đang thoái trào, lãi suất tiết kiệm quá thấp, đầu tư trái phiếu cũng khó khăn, TTCK lại lan truyền những “bằng chứng sống” về cơ hội kiếm lời tính bằng lần... Không có gì bất ngờ khi nhà nhà đã quan tâm tới kênh đầu tư này.

Biểu đồ: Giá trị giao dịch tổng hợp (không tính thỏa thuận) của HOSE và HNX từ đầu năm 2018 đến nay. Tần suất dày đặc các phiên đạt giá trị vượt 8.000 tỷ đồng từ tháng 10 trở đi xuất hiện nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử.
Biểu đồ: Giá trị giao dịch tổng hợp (không tính thỏa thuận) của HOSE và HNX từ đầu năm 2018 đến nay. Tần suất dày đặc các phiên đạt giá trị vượt 8.000 tỷ đồng từ tháng 10 trở đi xuất hiện nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử.
Mua chứng khoán nhìn vào… vắc-xin Covid
Đối với những nhà đầu tư (NĐT) chưa từng trải qua khủng hoảng tài chính năm 2008 thì việc mong ước thị trường lặp lại thời kỳ đó là điều xa vời. Thế nhưng khủng hoảng Covid-19 lại đang khiến lịch sử lặp lại.
Đó là tình trạng nới lỏng tiền tệ nhằm cứu vớt các nền kinh tế. Lãi suất được giảm hết mức có thể, thậm chí là âm. Tiền được bơm ra bằng đủ mọi cách. Với lượng tiền giá rẻ tràn ngập khắp thế giới, các TTCK lập tức tăng phi mã, thu hút dòng tiền khổng lồ vì đây là kênh đầu tư sinh lời nhất.
Thời kỳ 2009-2010, trên TTCK Việt Nam khá lạ lẫm với nhiều NĐT mới, nhưng tình hình cũng không khác hiện tại là mấy: Chứng khoán trải qua một đợt sụt giảm cực mạnh và lãi suất tiết kiệm duy trì rất thấp. Điểm khác là cuộc khủng hoảng lần này không xuất phát từ nội tại thị trường (bong bóng tài sản) mà từ yếu tố dịch bệnh. Vì vậy lối thoát rất rõ ràng khi có vắc-xin xử lý được nguyên nhân gây ra khủng hoảng.
Nói cách khác, thay vì cần những kiến thức chuyên môn để phân tích thời gian, triển vọng phục hồi như các cuộc khủng hoảng điển hình trước đây, lần này NĐT chỉ cần nhìn tín hiệu của việc điều chế thuốc trị Covid-19. Bất kỳ ai chăm theo dõi tin tức thời sự cũng có thể cảm nhận được cuộc khủng hoảng này đang đi đến hồi kết, dù tình hình dịch bệnh hàng ngày vẫn rất căng thẳng.
Vắc-xin Covid-19 càng thành công, “thời điểm vàng” để gia nhập TTCK càng gần lại. Những “bằng chứng sống” về khả năng kiếm lời của hàng trăm ngàn NĐT mới trên TTCK Việt Nam từ tháng 3-2020 là lời hiệu triệu thuyết phục nhất: Chỉ từ đầu tháng 4-2020 đến cuối tháng 11-2020, sàn HOSE có gần 170 cổ phiếu sinh lời trên 50%, tức là bỏ 100 đồng mua cổ phiếu, thu về 150 đồng sau khi bán đi. Có hơn 60 cổ phiếu sinh lời 100%, 9 cổ phiếu sinh lời trên 200%...
Giai đoạn từ tháng 3 đến hết tháng 8-2020 có khoảng 193.000 NĐT cá nhân mới tham gia (giả định mỗi tài khoản mới là một NĐT) và hầu như chưa biết thua lỗ là gì khi thị trường hiện tại đã tăng cao hơn thời điểm đó. Trong tháng 9 và tháng 10, thị trường bước vào nhịp tăng mới và có thêm gần 68.000 NĐT nữa.
Hàng trăm ngàn NĐT mới mở tài khoản, nạp tiền và lao vào thị trường, chưa kể các NĐT cũ cũng có thể nạp thêm tiền. Tất cả những người này lại có thể sử dụng vốn vay từ các công ty chứng khoán để gia tăng sức mua. Đó là lý do khiến thanh khoản đang gia tăng liên tục phá kỷ lục những ngày qua.
Trong lịch sử 20 năm của TTCK Việt Nam, chỉ có 10 phiên giao dịch mà tổng giá trị khớp lệnh sàn HOSE và HNX đạt mức cao hơn 9.000 tỷ đồng/ngày và chỉ có 9 phiên giao dịch đạt mức cao hơn 10.000 tỷ đồng/ngày. Vậy mà chỉ từ đầu tháng 10 tới nay, đã xuất hiện 6 phiên trên 9.000 tỷ đồng và 5 phiên trên 10.000 tỷ đồng. Tần suất dày đặc trong chưa đầy 2 tháng so với 20 năm của thị trường thể hiện sự vượt trội về dòng tiền ở thời điểm hiện tại.
Số liệu margin đến cuối tháng 9-2020 từ các báo cáo tài chính quý III của CTCK là khoảng 66.000 tỷ đồng, nhưng mức thanh khoản trung bình trên thị trường tháng 10 vẫn thấp hơn tháng 11 (tính đến 25-11) khoảng 5%, tức là gần chục ngàn tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là dòng tiền mới vào thị trường hiện tại còn khủng khiếp hơn nhiều, dù chưa có số liệu thống kê tài khoản mới trong tháng 11. 

Quá khứ lặp lại
Sự bùng nổ dòng tiền trên TTCK tất yếu dẫn đến xu hướng tăng giá cổ phiếu. Mặc dù TTCK vẫn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế với ý nghĩa dựa trên các yếu tố cơ bản, nhưng cung cầu vẫn là yếu tố chi phối quan trọng. Cổ phiếu là hàng hóa nên tiền càng nhiều, giá càng tăng, đó là quy luật đơn giản. 
Với mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng dưới 6%, lãi suất tiền gửi 6 tháng còn dưới 3%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị bóp nghẹt từ tháng 10-2020 với Nghị định 81 nâng tiêu chuẩn phát hành, thị trường vàng sau khi đạt đỉnh đầu tháng 8-2020 đã sụt giảm khoảng 13%, có vẻ như mọi ngả đường đều dẫn dòng tiền đến với chứng khoán.
Thật ra tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chỉ số MSCI World Index bao gồm 1.603 cổ phiếu đại diện cho 23 TTCK phát triển đã đạt mức cao lịch sử cho thấy các thị trường khác cũng đang cực kỳ sôi động.
Đối với thị trường Việt Nam, mặc dù các ước tính lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm 2020 có thể giảm 18,8% so với năm 2019, nhưng thị trường hiện đang chấp nhận mức rủi ro đó. Tăng trưởng GDP năm 2020 dự kiến 2-3% nhưng năm 2021 được đặt mục tiêu 6% và các tổ chức quốc tế dự kiến cao hơn.
CTCK SSI dự kiến tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đạt 22,4% trong năm 2021, tức là quay lại thời điểm 2019. Với dự phóng kết quả kinh doanh 2020 giảm thì thị trường đang có mức P/E cuối tháng 11 khoảng 18 lần và ước tính cho năm 2021 là hơn 14 lần. Tại thời điểm VN Index đạt đỉnh cao nhất lịch sử tháng 4-2018 thì P/E khoảng 22 lần. Như vậy thị trường cũng chưa phải là quá nóng, cũng như việc nhìn vào năm 2021 thì tương đối hấp dẫn.
Mặc dù vậy việc có một lượng quá lớn tiền mới đổ vào thị trường cũng sẽ làm thay đổi quan điểm định giá. Chẳng hạn ở thời điểm tháng 4-2018 thì không mấy NĐT nghĩ rằng P/E đạt 22 lần là cao, nhưng thị trường sau đó vẫn điều chỉnh mạnh.
Tại các thời điểm bùng phát tăng của thị trường, tâm lý lạc quan luôn bỏ qua những yếu tố cảnh báo cơ bản, mà sau đó mới thấy có ý nghĩa. Mặt khác, kỷ nguyên tiền rẻ sẽ không thể kéo dài mãi. Sự gia tăng của lạm phát cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ là tín hiệu sớm cho rủi ro đảo chiều chính sách bơm tiền ồ ạt.    

Các tin khác