Thuế chồng thuế từ cổ tức

(ĐTTCO)-Thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) tiến đến những ngày cuối cùng của một năm tài chính, giới đầu tư thường hào hứng chờ đợi dòng tiền mặt từ cổ tức hay chia thưởng cổ phiếu (CP), trả cổ tức bằng CP của doanh nghiệp (DN) niêm yết. Thế nhưng năm nay sự chờ đợi đó lại thêm phần chán nản và mệt mỏi, vì những chính sách mới khiến nhà đầu tư (NĐT) cảm thấy khó hiểu.
Thuế chồng thuế từ cổ tức
Đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối? 
Theo quy định mới, từ ngày 5-12 khi NĐT bán CP được chia thưởng hay trả cổ tức sẽ bị khấu trừ ngay 5% thuế thu nhập cá nhân. Trước nay việc thu luôn 5% thuế cổ tức bằng tiền đã được thực hiện, nhưng chưa từng có chuyện thu thuế từ việc bán CP cổ tức.
Quy định thu thuế từ các hình thức cổ tức (bằng tiền hay CP) không phải là mới, nhưng lúc này gây khó chịu cho NĐT vì tình trạng thuế chồng lên thuế. Bởi khác với việc nhận cổ tức bằng tiền mặt, khi nhận cổ tức bằng CP, NĐT sẽ phải bán đi mới có được dòng tiền mặt.
Khi thực hiện việc bán này, NĐT đã bị trừ ngay 0,1% giá trị chuyển nhượng. Phần còn lại tiếp tục bị đánh thêm 5% thuế nữa. Mặc dù NĐT có thể lựa chọn hình thức đóng thuế chuyển nhượng 20% lợi nhuận cho cả năm, nhưng hình thức này rất nhiêu khê và đại đa số NĐT cá nhân chọn cách đóng 0,1% ngay lúc giao dịch.
Thuế chồng thuế chưa phải là điều gây khó chịu nhất, mà là sự âm ỉ ức chế trong suốt lịch sử TTCK Việt Nam là thao tác điều chỉnh giá kỹ thuật tại ngày chốt quyền. Vì thị trường Việt Nam quy định giá tham chiếu và biên độ dao động hàng ngày, nên khi công ty niêm yết trả cổ tức bằng CP, giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền được trừ đi ngay lập tức đúng bằng số tiền mặt cổ tức đó.
Trường hợp trả cổ tức bằng CP, cũng có công thức để tính toán định giá quyền (bản chất là công ty trả tiền mặt cho cổ đông rồi dùng luôn tiền đó để mua CP phát hành thêm), và giá tham chiếu cũng bị trừ đi ngay tại ngày giao dịch không hưởng quyền.
Vì có hiện tượng điều chỉnh giá kỹ thuật này, nên nếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền, giá CP không tăng không giảm thì người mua có quyền hay không có quyền nhận cổ tức là như nhau, nhưng giá trị (quy đổi) của người nắm giữ lượng CP để hưởng quyền lại sụt giảm tương ứng với quyền cổ tức. Nói cách khác, tổng giá trị quy đổi của người có quyền thực ra là không thay đổi gì. 
Khi phần CP là cổ tức bán đi, NĐT phải chịu 5% thuế. Giả sử giá bán không thay đổi so với ngày chốt quyền, thì NĐT sẽ phải chịu phần giảm giá trị của khối lượng CP nắm giữ trước khi có quyền cổ tức, trong khi lại phải chịu thuế 5,01% cho phần bán đi, chưa kể còn phải trả cả phí giao dịch cho công ty chứng khoán (CTCK). Giá CP trên thị trường biến động hàng ngày nên việc chỉ nhìn vào tình huống giá tăng mà cho rằng nhận cổ tức bằng CP và bán đi thì NĐT có lợi là rất chủ quan. Không ai có thể biết trước liệu giá CP sẽ lên xuống thế nào trong tương lai.
Một điểm nữa cực kỳ lý thú là làm cách nào để phân biệt 1.000 CP này là nhận cổ tức với 1.000 CP khác trong số lượng CP mua trước đó và nắm giữ (để nhận cổ tức)? CP cổ tức và CP sẵn có đều trong cùng một tài khoản và giống hệt nhau.
Chẳng hạn NĐT có sẵn 10.000 CP, nhận thêm 1.000 CP cổ tức. Sau đó NĐT bán đi 1.000 CP trong tổng 11.000 CP đó, CTCK sẽ rối tung với việc xác định có khấu trừ luôn thuế 5% hay không. NĐT hoàn toàn có thể nói rằng đó là bán CP “cũ” chứ không phải CP cổ tức. 
Gánh nặng công việc, thậm chí là pháp lý, sẽ đổ dồn lên vai các CTCK vì sẽ phải xây dựng một hệ thống quản lý riêng các CP là cổ tức bên cạnh quản lý các tài khoản giao dịch thông thường. Việc phân biệt “đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối” chắc chắn sẽ là ác mộng!
Sẽ có hiệu ứng “ngày chốt quyền”
Khi nhận cổ tức bằng CP, NĐT sẽ phải bán đi mới có được dòng tiền mặt. Khi thực hiện việc bán này NĐT đã bị trừ ngay 0,1% giá trị chuyển nhượng. Phần còn lại tiếp tục bị đánh thêm 5% thuế nữa.
Lẽ dĩ nhiên nếu tình hình thị trường tốt, giá CP sẽ tăng lên trong tương lai thì NĐT muốn giữ lại CP là cổ tức và bán sau đó để có lời. Nhưng ai biết được thị trường sẽ ra sao trong vài tuần, vài tháng tới? Do đó sẽ bùng phát tâm lý “né” quyền cổ tức.
Tại sao phải nhận CP cổ tức nếu như tổng giá trị phần đầu tư không thay đổi để rồi sau đó lại phải chịu thuế cao hơn bình thường (thuế giao dịch chỉ 0,1%)? Đại đa số NĐT trên thị trường là đầu cơ ngắn hạn nên trong trường hợp này, giữ CP trước hay sau ngày nhận cổ tức không có ý nghĩa gì cả.
Vì vậy, dù yêu quý DN đến mấy, giải pháp tốt nhất sẽ là bán CP trước ngày chốt quyền cổ tức, sau đó tùy tình hình mua lại (thường có giá rẻ hơn sau khi đã điều chỉnh quyền). Khi đó NĐT vừa không phải lo chuyện “đồng mua mắm, đồng mua muối”, vừa có cơ hội mua được khối lượng CP nhiều hơn. 
Một điểm cũng ít được chú ý sẽ làm rắc rối thêm tình huống này, là việc HoSE chuẩn bị nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 CP lên 100 CP. Đối với các giao dịch thông thường thì không mấy ảnh hưởng, nhưng sẽ là cực kỳ rắc rối với cổ tức bằng CP.
Tỷ lệ trả cổ tức bằng CP thường phát sinh CP lẻ, chẳng hạn 1.055 hay 1.004 CP. Nếu trước đây lô tối thiểu là 10 CP thì việc giao dịch tương đối dễ, phần lẻ bị kẹt lại không đáng kể về giá trị. Thế nhưng khi nâng lô tối thiểu lên 100, NĐT có nguy cơ kẹt lại 99 CP không thể giao dịch bình thường được.
Các CTCK thường sẽ mua lại các CP lẻ, nhưng bản thân người viết hiện có vài chục CP lẻ của 4 mã chứng khoán đã 10 năm nay không thể bán được vì CTCK không mua. Mặt khác, giá chiết khấu của việc mua lô lẻ thường tới 20% thậm chí 30% so với giá thị trường. Khi nâng lô lên 100 CP, NĐT có thể kẹt hàng ngàn CP lẻ và nếu đó là các blue chips, đây sẽ là lượng tiền lớn. 

Các tin khác