Thời của cổ phiếu công ty chứng khoán

(ĐTTCO)-Từng là một trong những nhóm cổ phiếu (CP) thiệt hại nặng nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát, CP các công ty chứng khoán (CTCK) đang thăng hoa trở lại và trở thành nhóm tăng trưởng dẫn đầu thị trường. Như tấm gương phản chiếu biến động thị trường là một trong những yếu tố giúp CP các CTCK hưởng lợi từ chu kỳ giá lên (bull-market) bất ngờ chưa từng có trong lịch sử.
Tăng trưởng kỷ lục từ đáy
Sau khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán 2020 và bắt đầu phản ánh nỗi lo ngại về đại dịch Covid-19, nhóm CP các CTCK là một trong những mã sụt giảm mạnh nhất. VN Index từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3-2020 bốc hơi gần 34%, thì hàng loạt CP các CTCK giảm mạnh hơn nhiều: SSI giảm 40,4%, HCM giảm 49,8%, VCI giảm 50,4%... 
Hoạt động kinh doanh của các CTCK gắn chặt với biến động thị trường trên hai phương diện chính là môi giới/kinh doanh nguồn vốn và tự doanh. Do vậy khi thị trường lao dốc cả hai mảng kinh doanh này đều sụt giảm. Thật vậy, ngay khi chỉ tính tới biến động giá CP, từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3-2020 đã có gần 100 mã sụt giảm mạnh hơn VN Index. Số mã rơi vào trạng thái “con gấu” (bear-market) với mức giảm trên 20% lên tới gần 200 mã.
Không có gì bất ngờ hàng loạt CTCK bị nhấn chìm trong đà lao dốc nói trên. SSI gần như bốc hơi lợi nhuận trong mảng môi giới quý I-2020, lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lên tới 489,1 tỷ đồng, tăng 533% so với cùng kỳ. Điều này khiến lợi nhuận của quý I chỉ hơn 15 tỷ đồng, giảm 92% cùng kỳ. VCI lợi nhuận cũng giảm gần 41,5%, VND giảm gần 35%... Các CTCK nhỏ, thị phần thấp thậm chí còn lỗ nặng sau thuế như BMS, VDS, BOS...
Tuy nhiên khi thị trường chạm đáy cuối tháng 3-2020 và bắt đầu phục hồi mạnh, CP các CTCK lập tức khởi sắc. Thế nhưng cũng phải mất tới 3 tháng sau đó giá mới quay trở lại được ngưỡng cuối tháng 1-2020.
Và phải từ đầu tháng 8 trở đi, CP các CTCK mới thật sự bước vào giai đoạn thăng hoa và trở thành nhóm sinh lời tốt nhất thị trường.
Báo cáo tài chính quý III-2020 của các CTCK cho thấy, hoạt động kinh doanh đã cải thiện đột biến theo xu hướng phục hồi và tăng trưởng chung của thị trường. Theo đó, khối tự doanh của các CTCK báo lãi tổng hơn 2.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,7 lần cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận tự doanh trong quý III bằng 67,5% lợi nhuận sau thuế của toàn khối, tỷ lệ này tăng hơn 60% cùng kỳ.
Chính những yếu tố đã nhấn chìm kết quả kinh doanh của các CTCK trong quý I-2020 đã đem lại lợi nhuận tích cực về cuối năm. Chẳng hạn SSI ghi nhận lãi tự doanh trong quý III-2020 là 272,5 tỷ đồng, trong khi quý III-2019 chỉ đạt hơn 98 tỷ đồng, tương đương gấp 2,8 lần.
Điều này giúp lợi nhuận sau thuế quý III-2020 tăng 23,6% cùng kỳ. VND thậm chí có lãi tự doanh tăng hơn 3,5 lần cùng kỳ 2019, VPB tự doanh lãi gấp 5,3 lần, TCBS lãi tự doanh gấp 3,3 lần... Có tới 7 CTCK ghi nhận lãi tự doanh vượt trăm tỷ đồng trong quý III-2020.
Thời của cổ phiếu công ty chứng khoán ảnh 1 So với thời điểm đầu năm 2020, nhóm CP các CTCK có mức tăng vượt trội tất cả các nhóm CP khác, thậm chí là với nhóm ngân hàng. Biểu đồ: Chỉ số đại diện biến động giá của các CP các CTCK (màu xanh) và ngân hàng (màu đen) niêm yết trên sàn HOSE và HNX so với biến động của VN Index và VN30 Index.
Động lực nào?
Trong các nhóm CP phục hồi sau đại dịch Covid-19, CP các CTCK đang có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Mặc dù nếu so sánh từng mã cá biệt, nhiều CP đầu cơ cũng tăng giá gấp đôi, gấp ba so với đáy hồi cuối tháng 3-2020, nhưng xét theo nhóm ngành, CP các CTCK đang giữ ngôi vị quán quân.
Đặc biệt kể từ tháng 8-2020 đến tháng 1-2021, CP nhóm ngành này tăng giá với tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Thí dụ thời điểm bùng nổ từ tháng 6-2007 đến đầu tháng 11-2007 CP SSI tăng giá gần 99%, thì từ đáy tháng 8-2020 đến đỉnh đầu tháng 1-2021 SSI tăng giá tới 159%.
Động lực tăng giá của CP các CTCK thực ra không mới, đã có thể nhìn thấy từ quý II-2020. Tuy nhiên chỉ từ quý III-2020 trở đi tốc độ tăng giá mới gây ấn tượng mạnh. Những động lực cũ được nâng lên cấp độ hoàn toàn mới, đó là thanh khoản đạt ngưỡng tỷ USD.
Số lượng tài khoản mở mới được thống kê chỉ là một phần của sức bật. Chỉ đến khi lượng tài khoản đó thể hiện bằng con số giao dịch hàng ngày mới có thể chứng thực dòng tiền khổng lồ chảy vào TTCK. Các CTCK có thị phần lớn như SSI, HCM, VND, VCI, MBS chắc chắn hưởng lợi lớn nhất từ nghiệp vụ môi giới và kinh doanh nguồn vốn.
Thực tế cũng cho thấy các CTCK này đang cung cấp phần lớn nguồn margin trên thị trường tính theo con số tuyệt đối. Thống kê chỉ tới cuối quý III-2020 khoảng 66.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên thanh khoản tính theo tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong quý IV-2020 thậm chí tăng 84% so với quý III-2020. Điều đó có nghĩa dòng tiền mới vào thị trường lẫn dòng tiền margin những tháng cuối năm còn khổng lồ hơn nữa.
Đối với “mỏ vàng” tự doanh, VN Index trong 3 tháng cuối năm 2020 tăng trưởng gần 23,8%, thì sàn HOSE có tới 100 CP tăng trên 30%. Thống kê tại thời điểm 30-9-2020 (kết thúc quý III), tổng tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của khối CTCK đạt khoảng 52.300 tỷ đồng, tăng 54,4% so với đầu năm.
Vì vậy mức tăng giá mạnh của CP trong quý IV đã kích hoạt cuộc săn lùng những CTCK có tiềm năng lãi tự doanh nhiều nhất, và dĩ nhiên CP của các công ty đó cũng thu hút dòng tiền và tăng giá.
Lấy thí dụ như HPG, CP nằm trong mục tự doanh của nhiều CTCK, trong quý IV-2020 đã tăng giá hơn 60%, REE tăng 25%, FPT tăng 20%, TCB tăng 46%, VPB tăng 44%... Thậm chí các CP tầm trung như KDH, DIG, SCR... cũng tăng giá cực mạnh.
Các nhà đầu tư chỉ cần đào bới báo cáo tài chính quý III để tìm kiếm các danh mục đầu tư mà CTCK đang ghi nhận còn lại và tính toán mức tăng giá để ước tính phần lợi nhuận “nở” thêm trong quý IV. Điều này dẫn tới một cuộc đua tăng giá ở CP các CTCK.
Một lý do nữa là yếu tố chu kỳ của nền kinh tế và TTCK nói chung đang là động lực cho nhóm CP các CTCK. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới sụt giảm và cần được kích thích để phục hồi. Covid-19 giống như một điểm kích hoạt một chu kỳ nới lỏng tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng mới.
Do đó các CP của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, bất động sản luôn được ưu tiên trong giai đoạn này. Không phải ngẫu nhiên thanh khoản của các CP tài chính như ngân hàng, chứng khoán đều tăng đột biến thời gian qua. Đó là sự xoay chuyển dòng tiền bình thường trên thị trường và có quy luật. 

Các tin khác