Thị trường chứng khoán giảm sâu

(ĐTTCO) - Thông tin dịch Covid-19 tái bùng phát cùng đợt giảm sâu trong 2 phiên trước đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 28-1 đã chứng kiến “cú rơi” sâu nhất lịch sử, với hầu hết các cổ phiếu đều nằm sàn và trắng bên mua.
Ba phiên giảm điểm mất hết thành quả một năm
Chỉ với 15 phút đầu phiên, VN-Index giảm hơn 50 điểm, tương đương trên 4,7%. Ngay cả các nhóm cổ phiếu công bố kết quả kinh doanh tích cực như ngân hàng, chứng khoán, thép… đều đứng trước áp lực bán mạnh. Nhóm vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, MBB, STB, HDB, TCB, VPB, VHM, VRE, HPG, GVR… đều dư bán sàn với khối lượng lớn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28-1, VN-Index giảm 73,23 điểm (6,67%) xuống còn 1.023,94 điểm, đây là mức giảm kỷ lục từ trước đến nay. Toàn sàn chỉ vỏn vẹn 20 mã tăng và 12 mã đứng giá trong khi có đến 478 mã giảm. Tương tự, tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có phiên giảm mạnh nhất về mặt phần trăm trong vòng gần 14 năm qua (kể từ phiên 2-7-2007) với mức giảm 9,98%, giảm đến 17,74 điểm, xuống còn 203,05 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 955,5 triệu cổ phiếu, trị giá 21.040 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.862 tỷ đồng.
Năm 2020, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 TTCK có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới, đồng thời lọt vào tốp 5 TTCK tăng mạnh nhất thế giới. Kết thúc năm 2020, VN-Index đạt 1.103 điểm. Như vậy, chỉ sau 3 phiên giảm sâu gần đây với tổng cộng 150 điểm, VN-Index không chỉ mất toàn bộ thành quả đạt được trong năm 2020, mà còn giảm sát về 1.000 điểm.
Thị trường chứng khoán giảm sâu ảnh 1 Hàng loạt cổ phiếu nằm sàn và trắng bên mua trong phiên giao dịch giảm điểm mạnh nhất lịch sử
ngày 28-1-2021  Ảnh: Huy Phan
Lý giải về hiện tượng này, đại diện Công ty Chứng khoán TVSI cho biết, trước phiên bán tháo ngày 28-1, thị trường đã có dấu hiệu bán mạnh sau khi tiếp cận vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào ngày 13-1-2021. Mở đầu đợt giảm là phiên ngày 19-1 với VN-Index giảm hơn 70 điểm. Trong 2 phiên ngày 26 và 27-1, VN-Index cũng đã giảm mạnh, 30-40 điểm/phiên. Cùng với đó, trước khi mở phiên giao dịch ngày 28-1, thị trường liên tục đón nhận những thông tin xấu trong và ngoài nước.
Cụ thể, TTCK Mỹ giảm điểm mạnh do lo ngại đại dịch lây lan và nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh đi xuống. Đóng cửa phiên giao dịch trước đó, chỉ số Dow Jones giảm tới 634 điểm, tương ứng giảm 2,1%; chỉ số S&P 500 giảm 99 điểm, tương ứng 2,6%. Trong nước, sau 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào, Việt Nam đã có ca nhiễm ngoài cộng đồng, khiến nhà đầu tư lo lắng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn có lo ngại áp lực giải chấp từ công ty chứng khoán ngày một tăng, đặc biệt đối với các nhà đầu tư sử dụng mức vay (margin) cao trong những phiên giao dịch trước đó.
Ông N.T.T., một nhà đầu tư lớn, lâu năm trên TTCK, cho biết, ngay từ phiên ngày 27-1, khi thị trường giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, không ít công ty chứng khoán đã kích hoạt lệnh bán để giảm margin, trong đó có cả lệnh bán force sell (bán cưỡng bức do mã chứng khoán vay mua đã giảm dưới ngưỡng an toàn - PV) ở nhiều mã cổ phiếu. “Kể từ thời điểm VN-Index chạm 1.200 điểm vào ngày 13-1-2021 đến nay, VN-Index đã giảm tới gần 14,5%, nhiều cổ phiếu riêng lẻ còn giảm mạnh hơn, áp lực giải chấp hiện hữu cũng là một yếu tố dẫn tới hiện tượng bán tháo vừa qua, từ đó khiến thị trường giảm mạnh” - nhà đầu tư này cho hay.
“Bong bóng” vỡ?
TTCK Việt Nam sau nhịp giảm mạnh vào tháng 3-2020, xuống sát 600 điểm đã chạy một mạch lên lại ngưỡng 1.200 điểm vào đầu năm 2021 mà gần như không có nhịp điều chỉnh. Liên quan đến câu hỏi liệu TTCK Việt Nam thời gian qua đã tăng “nóng” nên cú sụp mạnh mấy ngày qua là dấu hiệu “bong bóng” vỡ, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định: hiện P/E (thị giá thu nhập trên mỗi cổ phần) của VN-Index ở mức gần 20 lần, dù định giá không còn rẻ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của nhiều thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á (trung bình khoảng 26,3 lần), và vẫn thấp hơn với mức P/E 22 lần vào năm 2018, khi VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử 1.200 điểm. Do vậy, chưa phải thời điểm xuất hiện “bong bóng” chứng khoán. 
Một chuyên gia trong ngành cho biết, TTCK Việt Nam thời gian qua tăng mạnh, tuy nhiên hầu hết nhà đầu tư kinh nghiệm, nắm giữ nhiều cổ phiếu trước đó đều đã chốt lời và có lãi. Chỉ có những nhà đầu tư mới tham gia gần đây (F0) và giao dịch thiếu kinh nghiệm có khả năng lỗ nặng vì đầu tư khi thị trường đã tăng mạnh trước đó. “Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để thị trường thanh lọc những nhà đầu tư mới có sự tự tin thái quá, cũng như giúp thị trường loại bỏ những nhà đầu tư theo phong trào chỉ mua khi chứng kiến thị trường tăng “nóng”...
Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu thiết lập lại mặt bằng giá phù hợp hơn với định giá cổ phiếu và tăng tính hấp dẫn để mua vào” - vị này cho hay. Mặc dù vậy, vị này cũng khuyến nghị, có thể thị trường sẽ còn đứng trước áp lực giảm thêm do “cú rơi” sâu lịch sử, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, đây là thời điểm các nhà đầu tư nên quản trị rủi ro tốt vì cẩn trọng không bao giờ thừa.

Các tin khác