Thị trường càng xuống, minh bạch càng kém

Trong thời gian gần đây, vấn đề quản trị của doanh nghiệp (DN) niêm yết đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, việc vi phạm công bố thông tin (CBTT) và chưa thực sự bảo đảm quyền lợi của cổ đông vẫn là những điểm yếu nhất.

Trong thời gian gần đây, vấn đề quản trị của doanh nghiệp (DN) niêm yết đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, việc vi phạm công bố thông tin (CBTT) và chưa thực sự bảo đảm quyền lợi của cổ đông vẫn là những điểm yếu nhất.

Ngày 28-4, UBCKNN đã phạt NĐT Bùi Văn Tuynh 60 triệu đồng vì trong năm 2010 đã mua và nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà (SIC) lên 6,58% (trở thành cổ đông lớn nhưng báo cáo muộn). Ngày 5-4, UBCKNN cũng phạt CTCK Artex 50 triệu đồng vì năm 2010 đã 3 lần liên tiếp không CBTT kịp thời theo quy định. Đó chỉ là những vụ vi phạm điển hình diễn ra khá thường xuyên trên TTCK.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc HNX, hạn chế lớn trong việc CBTT hiện nay là đa số cán bộ phụ trách CBTT đều kiêm nhiệm; nhiều công ty chưa CBTT đầy đủ và kịp thời theo quy định, cá biệt có công ty hạn chế CBTT bằng cách buộc người truy cập website phải có account và password để xem tin; chưa thực hiện nghĩa vụ CBTT định kỳ về nghĩa vụ báo cáo từng cổ đông lớn theo quy định… Trung bình mỗi tháng HNX phát hiện khoảng 50 trường hợp cổ đông lớn vi phạm về CBTT.

Hiện nay các DN niêm yết chưa nhận thức được lợi ích của việc CBTT và công tác quan hệ NĐT. Họ chỉ coi đây là nghĩa vụ và thực hiện ở mức tuân thủ theo quy định pháp luật. Trong khi đó, phần đông NĐT chưa có đòi hỏi cao về việc CBTT, không có sự phân biệt, đánh giá chất lượng CP và tính minh bạch của công ty dựa trên mức độ CBTT và công tác quan hệ NĐT.

Trong thực tế, việc CBTT hoàn toàn mang lại lợi ích cho DN niêm yết, bởi khi minh bạch thông tin, cổ đông sẽ có niềm tin để đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị DN. Do vậy, để việc CBTT hiệu quả, trung thực, phía cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp chặt chẽ hơn để NĐT thấy được tính chuyên nghiệp và có niềm tin khi đầu tư vào TTCK.

Có một thực tế tồn tại bấy lâu nay ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhưng lại không được nhiều người quan tâm. Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN), đó là việc trao quá nhiều quyền cho HĐQT, từ việc xác định thời điểm phát hành CP, giá CP, thù lao cho HĐQT… Đáng chú ý, trong các quyết định này, về mặt hình thức là hợp pháp nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi cổ đông, song vẫn được các cổ đông thông qua tại ĐHCĐ.

Chẳng hạn, có những ĐHCĐ, cổ đông ủy quyền cho HĐQT phân bổ CP nhưng sau đó HĐQT phân bổ CP đó bằng mệnh giá trong khi trên thị trường giá CP gấp 5-6 lần mệnh giá. Hay có những dự án không hiệu quả, tình hình tài chính của công ty không tốt, vốn ít nhưng cổ đông vẫn biểu quyết tham gia dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Rõ ràng những dự án đó mang lại rủi ro rất lớn nếu cổ đông không cân nhắc việc bỏ phiếu.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, nhiều cổ đông chưa nhận thức rõ được những rủi ro khi ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề liên quan như: thay đổi điều lệ, chi tiết phương án phát hành cho HĐQT… Những vấn đề lớn như vậy, nếu để HĐQT quyết có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi NĐT.

Liên quan đến quyền của cổ đông, ông Trung cho biết, hiện vẫn có nhiều tồn tại như nhiều DN tổ chức ĐHCĐ muộn sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính; chương trình ĐHCĐ chưa tạo điều kiện để cổ đông phát huy quyền giám sát, chất vấn và rất ít DN mời đại diện công ty kiểm toán phát biểu tại đại hội về các vấn đề còn vướng mắc trong kiểm toán.

Các tin khác