Thép tăng nóng, lợi nhuận sau thuế của HPG có thể đạt 34.650 tỷ đồng, định giá 65.700 đồng

(ĐTTCO) - Giá thép xây dựng và thép cán nóng (HRC) tăng lần lượt 57% và 132%, trong khi giá nguyên vật liệu tăng với tốc độ chậm hơn, khiến biên lợi nhuận gộp của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) tăng từ 18,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 32,7% trong nửa đầu năm 2021.
Thép tăng nóng đưa lợi nhuận sau thuế của HPG có thể đạt 34.650 tỷ đồng.
Thép tăng nóng đưa lợi nhuận sau thuế của HPG có thể đạt 34.650 tỷ đồng.

Hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận chỉ sau 6 tháng

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), kết quả kinh doanh ấn tượng khi các nhà máy mới của HPG đi vào vận hành trong điều kiện thị trường thuận lợi. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý II tăng lần lượt 72% và 254%, tương ứng 35.118 tỷ đồng và 9.721 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau 6 tháng, HPG đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Có được kết quả này là nhờ lò cao số 3 và số 4 tại nhà máy Dung Quất lần lượt đi vào hoạt động vào đầu quý III-2020 và quý I-2021. Đặc biệt, HPG hưởng lợi nhờ giá HRC cao và nhu cầu hạ nguồn mạnh, đặc biệt là từ mảng tôn mạ.

Biên lợi nhuận gộp của HPG cải thiện đáng kể từ 18,1% trong quý II-2020 lên 32,7% trong quý II-2021, chủ yếu do giá thép và sản lượng HRC tăng. Giá HRC và thép xây dựng thành phẩm tăng lần lượt 26% và 10% trong quý II, đạt lần lượt 870 USD/tấn và 700 USD/tấn.

Trong khi đó, giá quặng sắt và than luyện cốc lần lượt tăng 13,6% và 2%, khiến chi phí sản xuất phôi thép tăng khoảng 10%, thấp hơn so với mức tăng giá HRC. Do đó, biên gộp của HRC tăng lên mức kỷ lục 39%, trong khi biên gộp của thép xây dựng đạt 24% trong quý II.

Theo VDSC, năm nay HPG còn lợi thế là sản lượng tiêu thụ HRC - sản phẩm có khả năng sinh lời tốt hơn thép xây dựng, đạt 667.000 tấn, trong khi cùng kỳ năm trước chưa có sản phẩm này. Đồng thời, doanh nghiệp tiêu thụ được 983.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng trưởng 26%.

Nắm bắt cơ hội từ các thị trường HRC nước ngoài

Nhận định về triển vọng kinh doanh của HPG, VDSC cho rằng doanh nghiệp này có thể nắm bắt cơ hội từ các thị trường HRC nước ngoài trong quý IV và năm 2022. Nguyên nhân là do giá HRC đang có sự phân hóa ngày càng lớn giữa các khu vực.

Cụ thể, giá HRC EXW tại Mỹ đã đạt 2.100 USD/tấn, trong khi giá tại Việt Nam chỉ 900 USD/tấn. Với mức thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ là 25% và chi phí vận chuyển khoảng 200 USD/tấn, mức giá 900 USD/tấn của HPG tại thị trường nội địa tương đương mức giá 1.350 USD/tấn DDP (giá giao đã trả thuế) tại Mỹ.

Thép tăng nóng, lợi nhuận sau thuế của HPG có thể đạt 34.650 tỷ đồng, định giá 65.700 đồng ảnh 1 Biên gộp của thép cuộn cán nóng tăng lên mức kỷ lục 39%, sản phẩm có khả năng sinh lời tốt hơn thép xây dựng, đang là lợi thế của HPG.
Do đó, một số nhà sản xuất HRC tại Việt Nam đã chào bán các sản phẩm với mức giá rất cạnh tranh vào thị trường Mỹ. Dự báo, HPG có thể xuất khẩu khoảng 20% sản lượng HRC đến Mỹ trong quý IV-2021 với giá DDP trung bình là 1.565 USD/tấn, tương đương giá FOB (giá tại cửa khẩu bên nước người bán) là 1.035 USD/tấn.

Mức giá này cao hơn đáng kể so với mức giá 900 USD/tấn tại thị trường nội địa. Trong năm 2022, do xuất khẩu với giá cao nên VDSC điều chỉnh dự phóng giá bán HRC từ 764 USD/tấn lên 790 USD/tấn, và dự báo biên lợi nhuận gộp từ 31% lên 35%.

Định giá cao hơn 30%

Với lộ trình mở cửa nền kinh tế kể từ quý IV, HPG có thể đạt mức tăng trưởng với tốc độ cao hơn trong những năm tới, nhờ các khoản đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Theo VDSC, Hòa Phát có thể bán được 1,1 triệu tấn thép xây dựng (gồm cả thép xây dựng thành phẩm và phôi thép) trong quý IV.

Kỳ vọng năm 2022, sản lượng bán thép xây dựng thành phẩm của HPG có thể tăng 17% đạt 4,3 triệu tấn từ mức khoảng 3,7 triệu tấn năm 2021. Biên lợi nhuận gộp thép xây dựng thành phẩm được kỳ vọng sẽ phục hồi từ mức 16% trong quý III lên 19% trong quý IV, và khoảng 22% trong năm 2022.

Từ thực tế này, VDSC điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế của HPG năm 2021 từ 32.700 tỷ đồng lên 34.650 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tăng lợi nhuận của HPG giúp cho mức định giá CP cũng tăng tương ứng. VDSC sử dụng 2 phương pháp định giá, bao gồm FCFF và PE. Cụ thể, đối với phương pháp FCFF, giá mục tiêu của HPG là 65.400 đồng/CP.

Với phương pháp định giá còn lại, VDSC áp dụng mức P/E là 9x, cao hơn 12% so với mức trung bình 5 năm, do triển vọng tăng trưởng các năm tới khả quan, đặc biệt khi nhà máy Dung Quất - Giai đoạn II vận hành thương mại vào cuối năm 2023. Giá mục tiêu theo phương pháp P/E là 65.900 đồng/CP.

Do đó, mức giá mục tiêu trung bình được VDSC đưa ra là 65.700 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời kỳ vọng là 31% so với giá đóng cửa vào ngày 24-9.

Các tin khác