Tăng vốn bất chấp hệ lụy

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành CP. Trong bối cảnh TTCK không thuận lợi như hiện nay, việc này đang trở thành con dao 2 lưỡi đối với bản thân DN lẫn TTCK.

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành CP. Trong bối cảnh TTCK không thuận lợi như hiện nay, việc này đang trở thành con dao 2 lưỡi đối với bản thân DN lẫn TTCK.

Vốn tăng, lợi nhuận giảm

Phải thận trọng tính toán đầu tư vào CP chuẩn bị chia tách khi phát hành thêm. Ảnh: LÃ ANH
Phải thận trọng tính toán đầu tư vào CP chuẩn bị chia tách khi phát hành thêm. Ảnh: LÃ ANH

Mới đây, ĐHCĐ CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã thông qua kế hoạch phát hành khoảng 7,7 triệu CP để trả cổ tức với tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ sau khi phát hành CP sẽ tăng từ 153,85 tỷ đồng lên hơn 230 tỷ đồng. Theo kế hoạch vốn tăng thêm sẽ được DRC bổ sung vốn kinh doanh và phục vụ dự án Radial. Thế nhưng, dù đưa ra kế hoạch tăng vốn khá lớn nhưng DN này lại đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 giảm mạnh so với năm 2010. Cụ thể, về kế hoạch sản xuất kinh doanh, DRC chỉ đề ra chỉ tiêu doanh thu 2.350 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2010, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 22%, xuống còn 200 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại Củ Chi (CCI) đã thông qua phương án phát hành CP tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ đồng lên 140 tỷ đồng. Theo đó, CCI sẽ phát hành 5 triệu CP trong 2 giai đoạn; giai đoạn 1 phát hành gần 4,4 CP cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/CP (thời gian thực hiện dự kiến trong quý II), giai đoạn 2 phát hành 600.000 CP cho CBCNV với giá bán 10.000 đồng/CP (thời gian thực hiện ngay sau khi hoàn tất đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu). Với số tiền dự kiến thu được 50 tỷ đồng, CCI sẽ dùng để thực hiện dự án khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn mở rộng (trong quý IV-2011). Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2011 của CCI (23 tỷ đồng) lại thấp hơn năm 2010 (23,6 tỷ đồng).

ĐHCĐ của CTCP Hải Minh (HMH) cũng thông qua kế hoạch phát hành 850.000 CP cho đối tác chiến lược với giá 15.000 đồng/CP và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:2 với giá 10.000 đồng/CP. Trong kế hoạch lợi nhuận, HMH dự kiến đạt 34,08 tỷ đồng, giảm 2% so với lợi nhuận thực hiện của năm 2010. ĐHCĐ CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) vừa thông qua kế hoạch tăng vốn trong năm 2011 bằng việc phát hành 1,38 triệu CP cho CBCNV và 13,86 triệu CP cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/CP. Dù đặt ra kế hoạch huy động vốn trên TTCK, thậm chí phát hành hàng trăm tỷ đồng trái phiếu nhưng hiệu quả hoạt động của VPH lại khiến không ít cổ đông quan ngại. Được biết, trong năm 2010 VPH đạt 84 tỷ đồng doanh thu thuần, trong khi lợi nhuận chỉ đạt 9,6 tỷ đồng. Do không hoàn thành kế hoạch năm nên VPH đã không chia cổ tức của niên độ tài chính 2010.

Thận trọng đầu tư chỗ trũng

Có một thực tế tại các DN nêu trên là sau khi tăng vốn điều lệ lợi nhuận DN giảm đi, thậm chí thua lỗ nặng làm giảm vốn điều lệ (do DN đã sử dụng hết các khoản thặng dư vốn và lợi nhuận để lại để tăng vốn điều lệ). Tăng vốn, lợi nhuận càng giảm, khiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ mới rất thấp. Thí dụ tỷ suất lợi nhuận sau thuế của một DN là 50%/vốn điều lệ, giá CP 80.000 đồng. DN này tăng vốn điều lệ theo tỷ lệ 1:1. Sau khi tăng vốn, DN chỉ đạt mức lợi nhuận 25%/vốn điều lệ. Do vậy, CP của DN này khó giữ được ở mức 40.000 đồng/CP sau khi chia tách, NĐT mua vào CP này coi như thua chắc.

Tăng vốn bất chấp hệ lụy ảnh 2NĐT cần hết sức thận trọng khi giải ngân vào CP chuẩn bị chia tách. Nên phân tích giá thị truờng của CP chuẩn bị chia tách so với mặt bằng giá thị trường, xem ở vị thế cao hay thấp, đồng thời tính toán lợi nhuận tương lai của DN để xác định chỉ số P/E, EPS… của tương lai cao hay thấp. Không nên mua nếu các chỉ số tài chính hiện tại và tương lai cao.
Tăng vốn bất chấp hệ lụy ảnh 3

Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam

Vậy tại sao các DN vẫn thích tăng vốn thông qua việc phát hành CP? Ngoài những DN thực sự có nhu cầu, phần lớn DN có kế hoạch tăng vốn hiện nay đều dính dáng ít nhiều đến lĩnh vực bất động sản. Đây là những DN đang sở hữu quỹ đất lớn, vị trí đẹp, hoặc có kế hoạch hợp tác đầu tư bất động sản với các DN khác. Trong khi đó, nhiều DN bất động sản đang có tỷ lệ nợ vay trên vốn khá cao, nên các ngân hàng không dám cho vay thêm. Nếu cho vay, cũng áp lãi suất rất cao để bù rủi ro.

Trong khi nguồn vốn chính để triển khai dự án chủ yếu dựa vào tiền góp của người mua, nhưng người mua chỉ lướt sóng chứ không muốn đóng tiền khi đến hạn, các DN chỉ còn nước huy động vốn trên TTCK. Trong bối cảnh TTCK hiện nay, nhiều khả năng CP của những DN có kế hoạch tăng vốn sẽ bị NĐT tẩy chay. Có thể lấy dẫn chứng mã CP TDC, với tỷ lệ phát hành tăng vốn lên đến 1:4 nhưng đến hạn chót nộp tiền ngày 29-3 vừa qua, rất nhiều NĐT chấp nhận bỏ quyền mua chứ không mua vào với mức giá 10.000 đồng/CP “chờ dài cổ” hàng mới về, trong khi giao dịch trên sàn của mã này chỉ 11.000 đồng/CP. Tuy nhiên, do TDC được bảo lãnh phát hành nên kế hoạch này đã không bị đổ vỡ như những DN khác.

Đối với bản thân DN, một khi có quyết định tăng vốn điều lệ theo phương thức trả cổ tức bằng CP hay chia CP thưởng, DN đó phải thực sự còn nhiều tiềm năng phát triển ở những ngành nghề kinh doanh cốt lõi chứ không chỉ chạy đua theo phong trào đầu tư bất động sản như hiện nay. Một khi kế hoạch tăng vốn không thành, uy tín của DN sẽ giảm sút, TTCK chung cũng bị vạ lây. Việc TTCK ảm đạm trong thời gian qua còn được lý giải bởi phong trào tăng vốn ồ ạt của DN trong khi sức hấp thụ của thị trường có giới hạn. Cũng chính vì lý do này, trước khi được thông qua, hầu hết các kế hoạch tăng vốn của các DN đều vấp phải sự phản ứng khá gay gắt từ các cổ đông về cách sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả.

Các tin khác