“Phớt lờ’ thông tin tốt

(ĐTTCO) - Kết quả kinh doanh (KQKD) quý III đang được các doanh nghiệp niêm yết công bố, cho thấy bức tranh khá sáng sủa trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường lại đang tồn tại nghịch lý CP của các doanh nghiệp này vẫn giảm dù đón nhận tin tốt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Lợi nhuận tăng hàng chục lần
CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (NVL) vừa công bố KQKD quý III với lợi nhuận sau thuế lên đến 502,7 tỷ đồng (tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái 21,8 tỷ đồng). Theo giải trình của NVL, lợi nhuận tăng mạnh do doanh nghiệp bàn giao sản phẩm bất động sản từ các dự án hoàn thành trong quý III.
Một doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) cũng đưa ra những con số ấn tượng. Dù doanh thu quý III giảm 38% so với cùng kỳ, nhưng việc giá vốn giảm sâu, doanh thu tài chính tăng vọt, chi phí tài chính giảm mạnh nhờ công ty cơ cấu lại nguồn vay nợ, dẫn đến công nợ giảm mạnh. Do vậy, dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế riêng quý III tăng 39% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhờ kết quả khả quan ở 2 quý đầu năm, lũy kế 9 tháng NLG ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 465 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2016. 
Thị trường bất động sản khởi sắc trong những tháng đầu năm đã phần nào giúp các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng ghi nhận được kết quả ấn tượng. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), theo BCTC quý III doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 4.203 tỷ đồng (tăng 43%), 238 tỷ đồng, tăng 32%. Lũy kế 9 tháng, HBC đạt gần 10.960 tỷ đồng doanh thu (tăng 57%) và 616 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 93%).
CTCP Vicem Vật tư Xi măng (VTV) cũng  báo lãi quý III đạt 46 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu trong quý của VTV lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, đạt 1.007 tỷ đồng. Kết hợp với kết quả đột biến ở quý I do nhận 54 tỷ đồng từ thanh lý tàu biển Comatce Star, lũy kế 9 tháng VTV ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 115 tỷ đồng, tăng 160%.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Kido (KDC) công bố KQKD quý III với sự tăng vọt về doanh thu sau khi hợp nhất BCTC của 2 công ty con, là CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) và Tổng CTCP Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (VOC). Cụ thể, doanh thu thuần trong quý tăng gần 360% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.131 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, KDC đạt 5.075 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của KDC đã vượt 9%, đạt 489 tỷ đồng kế hoạch năm đã được ĐHCĐ thông qua. Tương tự, CTCP GTNfoods (GTN) cũng vừa công bố KQKD 9 tháng với kết quả ấn tượng không kém. Cụ thể, tính riêng quý III doanh thu GTN đạt gần 881 tỷ đồng, tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng lên 134,2 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

CP vẫn đi xuống
Dù lợi nhuận tăng hàng chục lần, nhưng tính từ giữa tháng 10 đến nay, CP GTN đã ghi nhận mức giảm lên đến 10%. Đối với KDC, ngoài KQKD vượt kỳ vọng, doanh nghiệp này còn có số dư tiền và tương đương tiền hơn 2.440 tỷ đồng để sẵn sàng cho những cơ hội kinh doanh, khiến nhiều NĐT đặt kỳ vọng vào mã CP này.
Ngoài ra, KDC có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.300 tỷ đồng cùng thặng dư vốn cổ phần gần 3.200 tỷ đồng, khiến nhiều người kỳ vọng KDC sẽ bứt phá mạnh mẽ. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Theo đó, kể từ giữa tháng 10 đến nay, giá CP KDC sụt giảm khoảng 10%. Giảm mạnh nhất là mã HBC với tỷ lệ giảm lên đến 18%, từ 64.000 đồng/CP xuống chỉ còn 52.000 đồng/CP. Thậm chí, ngay khi công bố KQKD quý III, HBC vẫn tiếp tục giảm 2% trong phiên giao dịch ngày 31-10. Không sụt giảm mạnh như những mã trên, nhưng cổ đông nắm giữ NVL và VTV cũng không vui do CP không thể bật lên sau khi có thông tin lợi nhuận tăng hàng chục lần so với cùng kỳ 2016.
Lý giải về sự sụt giảm của HBC, giới phân tích cho rằng việc quỹ đầu tư ngoại thoái vốn là nguyên nhân chính khiến CP sụt giảm, cho dù doanh nghiệp này liên tục công bố những thông tin hết sức khả quan. Trước đó, HBC công bố trúng thầu hàng loạt dự án với tổng giá trị lên đến 2.500 tỷ đồng.
Theo thông tin từ HOSE, Pyn Elite Fund (tiền thân là Mutual Fund Elite), quỹ đầu tư tài chính có quy mô lớn thứ 3 tại Việt Nam, đã bán ra 854.900 CP HBC, giảm số lượng sở hữu xuống còn 17,29 triệu CP, tương đương 13,32% vốn điều lệ. Trong danh mục Pyn Elite Fund, HBC đang là khoản đầu tư lớn thứ 2, xếp sau CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG). Tuy nhiên, HBC là mã CP mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Pyn Elite Fund từ đầu năm tới nay với 27,5 triệu Eur (tính tới thời điểm trước khi bán ra). 
Với các mã CP còn lại, hiện tượng NĐT trơ với thông tin tốt xuất phát từ bối cảnh thị trường đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ mạnh. Đặc biệt, áp lực điều chỉnh trên toàn thị trường đang ở mức rất mạnh sau khi VN Index liên tục chinh phục các mức điểm số cao. Tuy nhiên, TTCK đang trong tình cảnh “xanh vỏ đỏ lòng” nên phần lớn các mã CP đều sụt giảm, kể cả những mã CP có KQKD tốt như trên.

Các tin khác