Phát triển thương hiệu nội nhìn từ các thương vụ M&A của Masan

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Bột giặt Net
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Bột giặt Net
(ĐTTCO).- Sáng nay, 24-12, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (mã MCH trên HNX-UPCoM) công bố Masan HPC - công ty thành viên vừa được thành lập thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình - đã đưa ra đề nghị chào mua công khai 60% cổ phần của CTCP Bột giặt NET (NETCO) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá công ty ở mức 46 triệu USD, hệ số giá trên thu nhập (P/E) xấp xỉ 19.
Theo đại diện Masan, giao dịch này nhất quán với chiến lược 5 năm của doanh nghiệp nhằm mở rộng danh mục sản phẩm nhằm phục vụ thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam. Chăm sóc cá nhân và gia đình được xác định là một trong những lĩnh vực lớn nhất, hấp dẫn nhất tại Việt Nam với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh. NET là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.
Được thành lập vào năm 1968, NETCO là một trong các doanh nghiệp nội địa hàng đầu về sản phẩm chăm sóc gia đình tại Việt Nam. Doanh thu thuần của NETCO năm 2018 là 1.117 tỷ đồng và lợi nhuận thuần sau thuế là 57 tỷ đồng, với hai thương hiệu được ưa chuộng là NET và NETSOFT. Thị phần hiện tại của công ty trong ngành hàng bột giặt là 1,5%. Dẫn đầu thị trường là Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble 16%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%. 
Nhờ vào tính tương đồng cao với 300.000 điểm bán hàng hiện nay của Masan, sự kết hợp giữa Masan và NETCO sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng mang đến tăng trưởng doanh thu tốt hơn. Thời gian dự kiến giao dịch sẽ hoàn thành là trong 2 tháng theo quy định chào mua. Trước đó, đầu tháng 12, Masan đã công bố nhận chuyển giao VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) từ Vingroup, với quy mô hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ tại 50 tỉnh, thành cùng hệ thống 14 nông trường công nghệ cao từ VinEco. 
Những vụ M&A của Masan gần đây cũng như của các doanh nghiệp nội đã mang đến nhiều suy nghĩ về câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu Việt hiện nay. Báo cáo “Asia Brand Power” (Thương hiệu châu Á) được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố vào năm 2018 cho biết, tại Việt Nam, dù ở nông thôn hay thành thị, thị phần của các thương hiệu nội địa đều vượt trội so với các thương hiệu quốc tế.
Cụ thể, ở thị trường nông thôn, các thương hiệu nội địa đang nắm giữ đến 78% thị phần, gấp hơn 3,5 lần so với thị phần của thương hiệu quốc tế. Ở thành thị, tỷ lệ thương hiệu nội địa và quốc tế lần lượt là 71% và 29%. Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, lợi thế của các thương hiệu nội địa không chỉ ở việc am tường thị hiếu địa phương, mà còn được sự hỗ trợ trong việc phân phối bởi các đối tác bán lẻ cả truyền thống lẫn hiện đại.
Tuy nhiên, thương hiệu Việt cũng đứng trước những thách thức của sự phát triển. Đã có nhiều thương hiệu biến mất dù tên tuổi chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Những ví dụ kinh điển luôn được nhắc đến là thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng một thời là Dạ Lan biến mất sau vụ liên doanh với Colgate, thương hiệu P/S cũng bị xóa sổ sau vụ liên doanh với Unilever; nhãn hiệu nội là băng vệ sinh Diana chuyển thành doanh nghiệp ngoại sau khi bán đi 95% cổ phần cho Unicharm Nhật Bản với giá 184 triệu USD; sự biến mất của nước giải khát Tribeco, xá xị Chương Dương - những cái tên quen thuộc, đình đám một thời… Hay câu chuyện gần đây nhất là bia Sài Gòn về tay người Thái và thật khó để nói rằng bia Sài Gòn hiện nay thực sự là thương hiệu của người Việt.
Năm 2018, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 7,64 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD. Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn năm 2018-2019 bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản.
Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Các nhà đầu tư từ Singapore, Hồng Công, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong 1-2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp nội đã đóng vai trò nhiều hơn trong các hoạt động M&A, thậm chí lấn lướt các doanh nghiệp ngoại, ví dụ như Tập đoàn Vingroup, Saigon Co.op, Tập đoàn Sơn Kim, Tập đoàn BRG...
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ, việc nắm được thói quen của người tiêu dùng là một lợi thế của các nhà bán lẻ nội và việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính tham gia vào nhà bán lẻ đã khiến cho vấn đề vốn không còn là lợi thế khác biệt của doanh nghiệp nước ngoài.
“Khi 1 doanh nghiệp Việt M&A với 1 doanh nghiệp Việt, sản phẩm và thương hiệu của Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi; giữ thị trường bán lẻ cho người Việt Nam. Việc M&A như vậy cũng đề cao tinh thần dân tộc - sức mạnh cộng hưởng từ những nhà sản xuất của Việt Nam. Đó cũng là lý do Masan liên tiếp thực hiện các thương vụ M&A với doanh nghiệp Việt thời gian gần đây và không nằm ngoài chiến lược phụng sự người tiêu dùng”, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hàng tiêu dùng Masan chia sẻ.

Các tin khác