Phân tích kỹ thuật trong giao dịch cổ phiếu

(ĐTTCO)-Trong giao dịch hay đầu tư cổ phiếu (CP), việc phân tích tài chính doanh nghiệp, kiến thức về vĩ mô, kỹ năng đọc báo cáo tài chính, khả năng định giá sát giá trị doanh nghiệp… là những điều kiện cần, cho phép nhà đầu tư (NĐT) giao dịch hay đầu tư CP hiệu quả.
Phân tích kỹ thuật trong giao dịch cổ phiếu
Đặc biệt, phương pháp phân tích kỹ thuật (PTKT) là công cụ hỗ trợ đắc lực đối với giao dịch CP ngắn hạn hay sản phẩm chứng khoán phái sinh.
Tầm quan trọng của PTKT
Lợi ích to lớn của PTKT đối với NĐT am hiểu khi tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) là dựa trên những thông tin giá, khối lượng, diễn biến chỉ số VN Index, diễn biến giá từng CP riêng lẻ trong quá khứ để có thể dự báo được diễn biến VN Index và giá CP trong tương lai (trong 1 vài phiên cho đến 1 vài năm ).
PTKT cho phép NĐT thực hiện được chiến lược giao dịch mua rẻ bán đắt, thậm chí mua đắt bán đắt, dù NĐT đó không hiểu biết nhiều về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều quan trọng, NĐT sử dụng PTKT như là chiến lược giao dịch chính để nghiên cứu mối quan hệ cung cầu đối với CP đang đầu tư thấy có dấu hiệu của dòng tiền lớn tham gia. Công cụ PTKT còn cho phép NĐT dự báo tương đối chính xác điểm mua, điểm bán và cả các vùng giá điều chỉnh.
Qua PTKT, NĐT còn có thể lựa chọn được CP mạnh đang ăn khách và được ưa chuộng trên thị trường, để từ đó sàng lọc được CP tốt nhất trước khi xuống tiền. Lợi thế của việc am hiểu PTKT thể hiện rõ vai trò đối với các nhà môi giới chứng khoán (Broker), nhà giao dịch CP ngắn hạn (trader) khi thực hiện mua bán CP.
Có đến khoảng 80% nhà môi giới chứng khoán, nhà đầu cơ CP, khách hàng ưa thích giao dịch ngắn hạn, nên  việc trau dồi các kỹ năng PTKT cơ bản sẽ giúp họ đạt được những kết quả tốt hơn.

Các trường phái PTKT
Trong thế giới đầu cơ hoặc đầu tư CP, dù môn PTKT rất quan trọng, nhưng cần biết rằng có nhiều trường phái PTKT với cách sử dụng khác nhau. Về cơ bản, trường phái PTKT cần am hiểu 3 môn gồm phân tích biểu đồ hình nến Nhật Bản và các mẫu hình tăng giảm giá cơ bản; am hiểu và phân tích các bước sóng Elliot; am hiểu dãy số và thang điều chỉnh Fibonnaci.
Theo đó, phân tích biểu đồ nến Nhật Bản, cho phép NĐT lựa chọn được điểm mua hoặc bán, phiên mua hoặc bán cũng như có thể dự báo được xu hướng của thị trường trong các phiên tiếp theo.
Còn phân tích sóng Ellot giúp NĐT định vị được xu hướng tăng điểm hay giảm điểm của thị trường hoặc các CP riêng lẻ. Cụ thể, nếu xu hướng của chỉ số VN Index được coi là những đợt sóng biển lên xuống nhấp nhô, diễn biến giá CP hay của VN Index cũng sẽ tuân thủ tương đối đặc tính đó. 
Lý thuyết sóng Elliot là một hình thức của PTKT một số NĐT sử dụng để phân tích các chu kỳ thị trường tài chính, dự báo các xu hướng thị trường bằng cách xác định các thái cực trong tâm lý NĐT, các mức cao và thấp trong giá và các yếu tố tập thể.
Các thang đo các mức điều chỉnh tỷ lệ theo tỷ suất vàng Fibonnaci giúp NĐT dự báo được VN Index hay các CP riêng lẻ tăng/giảm đến mốc nào thì điều chỉnh ở các mốc 0%, 38,2%, 50%, 61,8%, 100%… 

Những lưu ý khi sử dụng PTKT
Thực tế, công cụ PTKT trong hoạt động giao dịch CP không phải là môn khoa học chính xác, bởi ngay cả chuyên gia giỏi cũng vẫn có dự báo sai lầm. Nhiều NĐT sử dụng sai chỉ báo hoặc sử dụng không đúng thời điểm, khiến hoạt động giao dịch CP không đạt hiệu quả như mong muốn.
PTKT cho phép người sử dụng dự báo được vùng đỉnh hoặc đáy của thị trường, nhưng trình độ, năng lực, kinh nghiệm của người sử dụng mang vai trò quyết định. Người sử dụng càng kinh nghiệm, khả năng, xác suất dự báo diễn biến giá sẽ càng đúng. 
Ngoài ra, trong môi trường đầu tư thuận lợi, xu hướng thị trường khá rõ hoặc xu hướng giảm đang diễn ra, áp dụng PTKT sẽ đúng hơn nếu thị trường đang diễn biến đi ngang. Mặt khác, ứng dụng PTKT sẽ càng đúng nếu chúng ta sử dụng trong môi trường kinh tế, môi trường đầu tư thuận lợi.
Dự báo diễn biến giá CP sẽ càng đúng đối với doanh nghiệp điển hình, có nền tảng cơ bản, kết quả hoạt động tốt. Sẽ càng đúng nếu đó là các CP lớn triển vọng, hàng đầu trong các nhóm ngành hoặc các CP vừa và nhỏ có lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong ngành.

Ứng dụng PTKT trong HĐTL
Bản chất các sản phẩm phái sinh vốn dĩ là công cụ phòng hộ cho danh mục chứng khoán cơ sở. Kể từ khi UBCKNN phối hợp với các CTCK tung ra thị trường sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (HĐTL), đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các môi giới chứng khoán, khách hàng cá nhân.
Nhiều NĐT thường hiểu lầm đây là kênh giao dịch dễ dàng sinh lời và đánh giá thấp rủi ro khi giao dịch sản phẩm phái sinh hấp dẫn này. Việc không hiểu rõ ý nghĩa các sản phẩm phái sinh hoặc tâm lý muốn làm giàu nhanh trên TTCK phái sinh cũng khiến một số NĐT phải trả giá khá đắt cũng như mất niềm tin vào thị trường. 
Để có thể giao dịch hiệu quả các sản phẩm HĐTL này, NĐT buộc phải có độ nhanh nhạy, có khả năng quan sát diễn biến thị trường, đặc biệt sử dụng PTKT thành thạo. Ngay cả việc dự báo đúng được xu hướng, diễn biến vận động của chỉ số VN30 trong phiên, NĐT cần kiên nhẫn chờ đợi các cơ hội để đưa ra các quyết định “long” hay “short” số lượng lớn hợp đồng, hoặc có khả năng đóng nhanh các vị thế nếu nhận thấy phán đoán sai xu hướng.
Ngoài ra, để dự báo được xu hướng chỉ số VN30, NĐT ngoài việc sử dụng thành thạo PTKT, phải nắm bắt được các chỉ báo kỹ thuật quan trọng trong việc dự báo như biểu đồ VN30 ngắn hạn, chỉ báo phân kỳ RSI, kể cả dự báo nhanh vận động giá của các chứng khoán đại diện thuộc nhóm VN30 (CP 30 doanh nghiệp hàng đầu hiện nay). Bên cạnh việc sử dụng biểu đồ kỹ thuật ngày và giờ, NĐT cần để ý đến biểu đồ vận động giá VN30 trong phiên, đồ thị Real time trong mỗi ngày giao dịch. 

Các tin khác