PAN - SSI: Mối quan hệ bất bình thường?

Ngày 6-6, CTCK Sài Gòn (SSI) đăng ký mua 550.000 CP của CTCP Xuyên Thái Bình (PAN). Nếu giao dịch này thành công, SSI sẽ sở hữu 2.043.280 CP PAN, tương đương 17,69%  tổng số CP lưu hành.

Ngày 6-6, CTCK Sài Gòn (SSI) đăng ký mua 550.000 CP của CTCP Xuyên Thái Bình (PAN). Nếu giao dịch này thành công, SSI sẽ sở hữu 2.043.280 CP PAN, tương đương 17,69%  tổng số CP lưu hành.

PAN lao vào đầu tư tài chính

Mới đây PAN công bố sẽ dành khoảng 90 tỷ đồng để đầu tư tài chính. Từ đây xuất hiện hàng loạt câu hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa PAN và SSI.

Phiên hôm qua, PAN đóng cửa xấp xỉ 1.3, tương ứng với giá trị vốn hóa của cả công ty đạt gần 150 tỷ đồng. PAN được nhiều người biết đến như một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực vệ sinh nhà cửa, vệ sinh công nghiệp, nhưng nếu xem trên BCTC quý I-2011của công ty, rất nhiều người sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến các khoản đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng khá lớn.

Tính đến cuối quý I, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của PAN có giá trị hơn 84 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng tài sản và tương đương 70% vốn điều lệ của công ty. Danh mục đầu tư của PAN khá đa dạng, từ CP OTC như CTCP Địa ốc An Lạc, CTCP Thủy sản Cửu Long đến CP niêm yết như CTCP Đại Thiên Lộc (DTL), CTCP Long Hậu (LHG)… Chiếm tỷ trọng lớn nhất là 1 triệu CP HAGL Land có giá trị 50,2 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Việc doanh nghiệp (DN) mua CP của nhau nhằm duy trì mối quan hệ hữu hảo trong làm ăn không phải là chuyện hiếm, nhưng khối lượng cũng chỉ ở mức độ chừng mực (sở hữu tỷ lệ không đáng kể tại các DN mà mình đầu tư tài chính).

Tuy nhiên nếu cộng các khoản đầu tư lại chiếm tỷ lệ khá lớn trên tổng tài sản. Năm 2010, lãi từ hoạt động đầu tư tài chính của PAN đạt hơn 15 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với năm trước đó và tương đương 75% lợi nhuận sau thuế của công ty. Từ đây, có thể mường tượng ra được PAN từ một DN làm dịch vụ đơn thuần đang dấn thân vào hoạt động đầu tư tài chính.

Vậy đây có là điều “ngược” khi một số DN đang bị sa lầy do hoạt động này? Quý I vừa rồi, chính PAN đã bị lỗ, trong đó doanh thu hoạt động tài chính thấp hơn chi phí tài chính.

Sẽ là vội vàng nếu kết luận PAN sẽ đi theo vết xe đổ của những ông lớn như REE, SAM… Nhưng diễn biến của TTCK ngày một phức tạp và khó khăn hơn, ngay cả những tổ chức đầu tư mang tiếng chuyên nghiệp cũng thua lỗ nặng nề, nên NĐT có lý do để đặt câu hỏi về năng lực đầu tư tài chính của PAN. 90 tỷ đồng nếu đem gửi ngân hàng với lãi suất 15%/năm cũng thu về được 13,5 tỷ đồng tiền lãi, chiếm hơn nửa lợi nhuận sau thuế của cả năm 2010 là 20 tỷ đồng. Đã có một số nghi ngờ vai trò của SSI tại PAN.

Vai trò của SSI?

Theo như công bố, SSI là cổ đông lớn của PAN, nhưng tỷ lệ chưa đến mức độ chi phối. Nhưng thực tế có phải như vậy lại là câu chuyện khác. Trong lịch sử giao dịch, không chỉ có SSI mua vào PAN mà chính PAN cũng đăng ký mua SSI. Tính đến ngày 31-3, PAN sở hữu hơn 180.000 CP ABT, và SSI cũng là cổ đông lớn tại ABT. Trong danh sách trái chủ của trái phiếu chuyển đổi SSICB2010 của SSI cũng có PAN. Do vậy NĐT có lý do để ngờ vực về những ảnh hưởng cực kỳ lớn của SSI tại PAN.

Nếu đặt nghi vấn về việc SSI sử dụng PAN để phục vụ cho hoạt động đầu tư của mình cũng không phải là không có cơ sở. Từ đây, những cổ đông nắm giữ PAN cũng có lý do để lo ngại, vì nếu công ty thuộc về một cổ đông lớn nào đó lợi ích của cổ đông nhỏ sẽ bị để ngỏ. Cũng có thể hy vọng rằng, có cổ đông lớn tham gia công ty, CP sẽ được “bơm đẩy” nhưng điều này cũng rất mơ hồ.

Khó xử nhất bây giờ chính là những cổ đông quan tâm đến PAN. Định vị cho PAN là CP như thế nào cũng không hề đơn giản, là DN sản xuất, làm dịch vụ hay đầu tư tài chính. Điều này có thể tạo ra sự “lừng khừng” cho NĐT trong các quyết định giao dịch. Nếu xác định PAN là DN đầu tư tài chính, khi TTCK hồi phục, NĐT có thể kỳ vọng những đợt sóng mạnh xuất hiện đối với CP này.

Tuy nhiên, NĐT cá nhân giao dịch PAN cũng phải “dè chừng” trước ông lớn SSI, vốn có thế mạnh về đầu tư.

Các tin khác