Nỗi niềm thời… giải chấp

TTCK phá đáy, VN Index và HNX Index giảm nhiều phiên liên tiếp đã kéo theo làn sóng giải chấp chứng khoán diễn ra tại nhiều CTCK. Trên khắp các diễn đàn, tiếng "kêu khóc" của nhà đầu tư phủ kín như cột dư bán trên bảng điện tử hàng phiên...

TTCK phá đáy, VN Index và HNX Index giảm nhiều phiên liên tiếp đã kéo theo làn sóng giải chấp chứng khoán diễn ra tại nhiều CTCK. Trên khắp các diễn đàn, tiếng "kêu khóc" của nhà đầu tư phủ kín như cột dư bán trên bảng điện tử hàng phiên...

Cơn bão giải chấp

Ngày 16-5, một nhà đầu tư lên diễn đàn chia sẻ: "Ông bạn vừa khóc như mưa khi điện thoại cho tôi nói bị CTCK giải chấp 50.000 cổ phiếu ITC của ông. Thế là xong. Các CTCK đã hành động, còn bao nhiêu bác nữa sẽ ra đi?"

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chung nỗi niềm này, nhiều nhà đầu tư cũng thốt lên: "Vấn đề bây giờ không phải CPI, mà là giải chấp. TTCK phải qua cơn nguy kịch này chúng ta mới hy vọng thoát được".

Danh sách các mã bị giải chấp liên tục được nhà đầu tư cập nhật. Một nhà đầu tư chia sẻ: "Từ tuần trước, các món hàng bị một số CTCK xả ra là SJS, ITC, KSS, DIC, NTB, SSI, SAM, CLG... Nhưng cuộc bán tháo mới chỉ là bắt đầu. Với giá cổ phiếu bây giờ, bán giải chấp chưa chắc thu hồi đủ nợ".

Không chỉ nhà đầu tư, ngay cả nhân viên môi giới cũng khốn đốn trước áp lực phải giải chấp. Một môi giới tâm sự: "Em mệt lắm rồi. Cứ lên công ty là phải gọi điện cho khách hàng. Không giải chấp thì ảnh hưởng đến lợi ích công ty, giải chấp thì ảnh hưởng đến lợi ích khác hàng, mất khách. Ôi, cái nghề này thật quá khắc nghiệt. Em tư vấn cho khách mua, giờ lại phải tự xử lý tài khoản của khách…"

Một nhân viên khác than phiền, ngày nào cũng phải điện thoại yêu cầu khách hàng nộp tiền, mỗi người gọi ít nhất 4 lần, khiến cả ngày không rời khỏi cái điện thoại.

Nhân viên khác phụ trách mảng tài chính tại một CTCK trong top 10 tâm sự: Công ty bên em 99% không vay được xu nào trả nợ cho ngân hàng, hiện lãi vay cũng chưa có trả. Hầu hết các món vay BCC (cầm cố) đã chạm đến mức lỗ hết gốc. Công ty buộc phải bán ra từ vài phiên nay, tự doanh chạy trước, tài khoản khách hàng bán sau. 

Thử đo lường khối lượng giải chấp

Mặc dù chưa có khuôn khổ pháp lý điều tiết, nhưng việc cầm cố và ký quỹ chứng khoán, cho vay tiền mua cổ phiếu đến ngày T+ (T+4, T+ 60 và T+…) đã được các CTCK thực hiện rầm rộ gần 1 năm trở về trước. Kết quả, mỗi khi chứng khoán đi xuống, áp lực giải chấp lại trào lên.

Thông thường, các khoản tiền hỗ trợ nhà đầu tư thường được CTCK hạch toán vào các khoản phải thu khách hàng, khoản phải thu khác. Thực tế, trong báo cáo tài chính của nhiều CTCK, những con số này hiện rất lớn, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, lấn át cả các hoạt động chính của công ty.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý I-2011, tổng số tiền loại này (phải thu của khách hàng, phải thu khác) ở 14 CTCK chiếm thị phần lớn lên tới hơn 11.000 tỷ đồng. Với khoản tiền "thả ra" cho nhà đầu tư dùng lớn như vậy, áp lực bán chứng khoán thu hồi tiền cho vay để trả lại hệ thống ngân hàng của CTCK hiện rất lớn.

Điều đáng nói là áp lực này rất khó được giải tỏa trên thị trường thanh khoản thấp (dưới 500 tỷ đồng/phiên), dẫn đến tình trạng áp lực kép, áp lực chồng lên áp lực.

Theo thống kê dựa trên quy mô đặt lệnh chứng khoán, từ đầu tháng 5 trở lại đây, nhiều cổ phiếu bị bán ra với khối lượng lớn hơn nhu cầu mua khá nhiều. Giá cổ phiếu cũng liên tục điều chỉnh giảm, càng khiến cho áp lực bán gia tăng. Không loại trừ, đây là những cổ phiếu nằm trong danh sách bị giải chấp.

Chỉ trong một tuần giao dịch (từ 16 đến 20-5), trong số 800 cổ phiếu trên cả 3 sàn, có 479 mã cổ phiếu bị điều chỉnh giảm giá (chiếm 60% toàn thị trường). Trong đó, có tới 18 cổ phiếu giảm mạnh đến trên 20% giá; 134 cổ phiếu giảm từ 11-19%, còn lại 327 cổ phiếu giảm dưới 10%.

Trong số 10 cổ phiếu bị đặt bán mạnh nhất từ đầu tháng 5 đến nay, những tên tuổi như SHB, STB, HAG, VIC, ITA đều giảm giá khá mạnh, ngoại trừ EIB vẫn giữ được mức tăng.  

Trên các diễn đàn mạng, nhà đầu tư xôn xao bàn luận về danh sách cổ phiếu thuộc diện bị giải chấp. Tuy nhiên, chênh lệch giữa khối lượng mua - bán của các mã này trong tuần qua là có, nhưng không lớn. Điều này cho thấy, hiện tượng bán tháo các cổ phiếu này chưa thực sự diễn ra. Tuy nhiên, nếu thị trường cứ tiếp tục điều chỉnh giảm, hoặc đi ngang, trong khi lãi suất có xu hướng tăng mạnh, thì áp lực bán tháo có thể sẽ rõ nét.

Các tin khác